Tọa đàm quốc tế: Yếu tố bản địa trong giáo dục tiếng Hàn phổ thông tại Việt Nam
Ngày 15/03/2024, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức Tọa đàm quốc tế với chủ đề “Yếu tố bản địa trong giáo dục tiếng Hàn phổ thông tại Việt Nam”.
Nằm trong khuôn khổ Hội thảo Quốc gia UNC2024: “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam”, chương trình đã thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, giảng viên, nhà khoa học, nhà quản lý, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Đặc biệt, tọa đàm có sự góp mặt của nhiều học giả đến từ các cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục, trường học có đào tạo tiếng Hàn tại Việt Nam và Hàn Quốc.
Đáng chú ý, tọa đàm cũng giới thiệu về việc xuất bản bộ sách giáo khoa tiếng Hàn Ngoại ngữ 1 và Ngoại ngữ 2, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác đào tạo tiếng Hàn tại Việt Nam.
Tham dự buổi tọa đàm có các đại diện đến từ Quỹ giáo dục tiếng Hàn Quốc tế-Bộ GD Hàn Quốc, Trường Đại học Korea Hàn Quốc, Trung tâm Ngôn ngữ Hàn tại TP Hồ Chí Minh,Văn phòng Đại diện Bộ GD Hàn Quốc tại Hà Nội, Hội nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc học tại Việt Nam, Ban Quản lý đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam…
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Đỗ Tuấn Minh – Chủ tịch hội đồng trường Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN) cho biết Tọa đàm “Yếu tố bản địa trong giáo dục tiếng Hàn phổ thông ở Việt Nam” là một trong những hoạt động khoa học chuyên về giáo dục tiếng Hàn phổ thông ở Việt Nam, lĩnh vực mà các giảng viên Khoa Ngôn ngữ & Văn hóa Hàn Quốc của trường đã và đang tham gia vai trò chủ chốt trong công tác xây dựng chương trình, sách giáo khoa, bồi dưỡng giáo viên và khảo thí. Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN là đơn vị tiên phong trong việc phát triển các chương trình giáo dục phổ thông liên quan đến ngoại ngữ cũng như luôn chú trọng công tác hỗ trợ các cơ sở đào tạo, các nhà giáo dục và người học ngoại ngữ trên cả nước với sứ mạng và trách nhiệm xã hội cao nhất. Nhà trường đã và đang xây dựng mạng lưới giáo viên ngoại ngữ của các trường phổ thông trên toàn quốc nằm hỗ trợ, cung cấp những tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn và cập nhật các chương trình dạy học, tài liệu dạy học mới. Trường cũng đang triển khai khá đồng bộ và hiệu quả đối với ngành giáo dục tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân, và chúng tôi hi vọng sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm với ngành giáo dục tiếng Hàn phổ thông hiện đang phát triển hết sức mạnh mẽ.
Chủ tịch Hội đồng trường cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam và Hàn Quốc đã cố vấn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất bản bộ “Sách giáo khoa tiếng Hàn”. Đây là thành công mang lại ý nghĩa sâu sắc, tác động tích cực đến quy trình dạy và học tiếng Hàn phổ thông tại Việt Nam.
Cũng phát biểu tại tọa đàm, ông Gil Ho Jin – Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ Hàn tại TP. Hồ Chí Minh nhận định hiện các giáo viên, giảng viên người Hàn khi tham gia dạy học tiếng Hàn tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn về giáo trình và phương pháp dạy học. Buổi tọa đàm và sự thành công của việc xuất bản bộ “Sách giáo khoa tiếng Hàn” là một bước tiến hỗ trợ cho công cuộc giảng dạy tiếng Hàn tại Việt Nam, đánh dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển tiếng Hàn tại Việt Nam.
Mở đầu phần báo cáo tại tọa đàm, TS. Trần Thị Hường và ThS. Lê Hải Yến (Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN) đã trình bày báo cáo với chủ đề “Yếu tố bản địa trong xây dựng sách giáo khoa tiếng Hàn phổ thông dành cho học sinh Việt Nam”. Qua đó, báo cáo gợi mở và chia sẻ về việc xây dựng nội dung sách giáo khoa tiếng Hàn dành cho người Việt cần chú ý đến vấn đề văn hóa bản địa Việt Nam.
Tiếp theo đó là phần báo cáo về chủ đề “Xây dựng định dạng bài thi đánh giá năng lực tiếng Hàn bậc 3 dành cho học sinh phổ thông tại Việt Nam” do TS. Đỗ Phương Thùy và ThS. Đỗ Thúy Hằng (Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN) trình bày. Báo cáo đã giới thiệu về bối cảnh và quá trình phát triển trong việc tổ chức thi chứng chỉ tiếng Hàn (TOPIK) tại Việt Nam. Các đề xuất xây dựng bài thi đánh giá năng lực tiếng Hàn dành cho học sinh trung học phổ thông để phù hợp với nhu cầu và điều kiện của người học cũng đã được báo cáo viên nêu lên.
Cuối cùng là báo cáo của TS. Trần Thị Thu Phượng (Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN) với nội dung “Bồi dưỡng giáo viên tiếng Hàn tại Việt Nam: Thực trạng và định hướng”. Trong báo cáo với ví dụ cụ thể về chương trình bồi dưỡng do Nhà trường tổ chức, TS. Trần Thị Thu Phượng đã chia sẻ về các thuận lợi và khó khăn trong đào tạo giáo viên tiếng Hàn và định hướng phương pháp giảng dạy trong thời điểm hiện tại. Qua đó, TS. Thu Phượng cũng đưa ra các đề xuất, giải pháp khắc phục những điểm khó khăn và phát triển phương pháp bồi dưỡng giáo viên tiếng Hàn, xây dựng giáo trình chung và giảng dạy có hiệu quả.
Phần cuối của tọa đàm là hoạt động thảo luận được dẫn dắt bởi TS. Lê Thị Thu Giang – Trưởng khoa Đông phương học – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) với sự tham gia của các khách mời: TS. Hoàng Phan Thanh Nga – Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng); ThS. Nguyễn Hương Giang – THPT Chuyên Ngoại ngữ (ĐHNN-ĐHQGHN) và cô Nguyễn Nhật Linh – Trường THPT Chuyên Trần Phú (Hải Phòng).
Trong phần này, các đại biểu đã đưa ra những góc nhìn thực tế, những câu hỏi và vướng mắc thường gặp phải trong việc dạy và học tiếng Hàn, đặc biệt là tiếng Hàn dành cho cấp THPT. Nhu cầu học tiếng Hàn ở cấp THPT những năm gần đây đang dần trở thành xu thế, tuy nhiên, vẫn còn các khó khăn cho người học, đó là việc tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Hàn (TOPIK) còn khá hạn chế, các chương trình, trải nghiệm thực tế cho học sinh THPT cần được bổ sung nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó là việc phát triển thêm những chương trình trao đổi ngắn hạn dành cho học sinh THPT nói riêng và người học tiếng Hàn nói chung. Qua phiên thảo luận, các diễn giả và khách mời cũng bày tỏ mong muốn việc dạy và học tiếng Hàn tại Việt Nam sẽ phát triển và đạt được nhiều thành công hơn nữa trong tương lai.
Trước khi khép lại tọa đàm, các đại biểu đã được nghe đại diện NXB Giáo dục Việt Nam giới thiệu về bộ sách giáo khoa tiếng Hàn Ngoại ngữ 1 và Ngoại ngữ 2. Do nhiều giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN tham gia xây dựng, bộ sách là kết quả của quá trình nghiên cứu, biên soạn công phu và vẫn đang trong quá trình tổ chức thực hiện.
Buổi tọa đàm đã kết thúc bằng phần chụp ảnh lưu niệm, khép lại thời gian làm việc tích cực và sôi nổi.
Một số hình ảnh khác:
Huy Khánh/ĐSTT