Nữ sinh CNN được 6 đại học Mỹ chào đón, có trường cấp học bổng 8,4 tỷ – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Nữ sinh CNN được 6 đại học Mỹ chào đón, có trường cấp học bổng 8,4 tỷ

Là một trong 25 ứng viên nhận được học bổng toàn phần, xét chọn từ 12.500 hồ sơ, Trâm Anh sẽ được cấp 8,4 tỷ đồng nếu theo học tại Đại học Richmond (Mỹ).

Vũ Trâm Anh hiện là học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội. Tại kỳ xét tuyển sớm (Early decision) của các đại học Mỹ, Trâm Anh nhận được thư trúng tuyển từ 6 trường, trong đó, em là một trong 25 ứng viên nhận được học bổng toàn phần của Đại học Richmond. Theo US News, Richmond là ngôi trường xếp thứ 25 trong nhóm các trường đại học khai phóng tốt nhất nước Mỹ.

“Đây là suất học bổng danh giá nhất của trường, em chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đạt được. Trong buổi phỏng vấn với trường, em đã có cuộc nói chuyện thoải mái và khiến các thầy cô trong hội đồng tuyển sinh cười rất nhiều. Em nghĩ trong hơn 12.500 ứng viên nộp hồ sơ, thành tích của em không phải nổi trội nhất, nhưng em đã chia sẻ những trải nghiệm chân thật và gây được ấn tượng với ban tuyển sinh”, Trâm Anh nói.

z5229300261033 99cd3bcc9a67ed38f8beb55ade1ab9ac.jpg
Vũ Trâm Anh hiện là học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội

Có mẹ từng du học bậc thạc sĩ ở Anh và dì từng đi học tại Mỹ, Trâm Anh thường được nghe kể về những câu chuyện trong môi trường giáo dục quốc tế. Từ năm lớp 9, nữ sinh đã ấp ủ giấc mơ được đi du học. Dưới sự hướng dẫn của dì, đầu năm lớp 11, em bắt tay vào chuẩn bị hồ sơ.

Theo Trâm Anh, thách thức lớn nhất của em trong quá trình này là việc tìm ra màu sắc cá nhân thông qua các hoạt động ngoại khóa và bài luận chính, phụ. Dẫu vậy, nữ sinh cho rằng điều quan trọng nhất là bản thân phải xác định được các giá trị và thông điệp mình muốn truyền tải.

Vì thế trong bài luận chính, Trâm Anh kể về câu chuyện chiếc áo len của bà. Gia đình em vốn có truyền thống làm nghề dệt. Từ khi 5 tuổi, mỗi năm Trâm Anh đều được bà tặng cho một chiếc áo len. Lần đầu nhận được chiếc áo len màu xanh ngọc từ bà, Trâm Anh đã vô cùng háo hức. Tuy nhiên khi mặc vào, chiếc áo len đã khiến em bị dặm ngứa. Vì không muốn làm bà buồn, mỗi năm Trâm Anh đều nhận áo từ bà, nhưng em không mặc mà cất vào tủ.

Năm 16 tuổi, khi nhận chiếc áo thứ 11, Trâm Anh bất ngờ vì áo có sự thay đổi lớn cả về chất liệu lẫn kiểu dáng. “Áo mặc lên rất dễ chịu và hợp thời trang. Khi mở lại tủ quần áo, em nhận ra bà đã chuyển từ chất liệu thiên nhiên sang chất liệu mới có sợi tổng hợp. Bà đã thay đổi để phù hợp với nhu cầu thị trường, nhưng cũng vì thế phải bỏ đi các giá trị mình vẫn theo đuổi là bảo vệ môi trường”.

Sự nhận thức này đã khiến Trâm Anh suy nghĩ nhiều hơn về nền công nghiệp thời trang nhanh – nơi người tiêu dùng luôn đặt sự thoải mái và hợp thời trang lên hàng đầu. Điều này đã vô tình tác động tiêu cực lên môi trường, do người sản xuất phải sử dụng những chất liệu kém bền vững.

“Từ câu chuyện chiếc áo len của bà, em mong muốn sau này sẽ phát triển nên những sản phẩm vừa có tính bền vững, vừa hợp thời trang”, Trâm Anh nói.

Ngoài bài luận chính, Trâm Anh cũng gửi một bài luận phụ tới Đại học Richmond. Đề bài yêu cầu ứng viên kể về một bài học bất ngờ từ sự kiện nào đó. Nữ sinh nhớ về chuyến bay của em tới Đà Nẵng để tham dự hai bài thi AP là Kinh tế vi mô và Kinh tế vĩ mô. Chuyến đi này đặc biệt vì đây là lần đầu tiên em đến một thành phố một mình mà không có sự đồng hành của bố mẹ.

“Buổi tối trước khi thi, em đã đi in tài liệu để ôn lại bài một lần nữa. Em may mắn gặp được một bác chủ cửa hàng tốt bụng. Thấy em nói giọng miền Bắc, bác hỏi thăm và biết em bay vào Đà Nẵng một mình để tham dự hai bài thi quan trọng vào ngày mai. Vì thế, bác đã in tài liệu miễn phí cho em và chúc em thi tốt”.

Cuộc gặp gỡ tình cờ này cũng giúp Trâm Anh hiểu ra rằng, lòng tốt và sự tử tế vẫn luôn hiện hữu ở khắp mọi nơi, từ chính những người mình không quen biết. Trong đợt thi ấy, Trâm Anh cũng đạt điểm tối đa 5/5 ở cả hai môn AP Kinh tế vi mô và Kinh tế vĩ mô.

Nữ sinh cho rằng nếu bài luận được viết chân thật, xuất phát từ chính những điều mình từng trải qua và mình cảm nhận được, chắc chắn sẽ “chạm” được đến người đọc.

z5229327250973 710c5bda10372b97c17aa63ad26dcc87.jpg

Ngoài bài luận, nữ sinh chuyên Ngữ cũng tập trung vào các yếu tố khác trong bộ hồ sơ. Trâm Anh có điểm SAT đạt 1500/1600, IELTS 8.0. Ngoài ra em cũng tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa với nhiều vai trò khác nhau như thành viên ban tổ chức của một concert âm nhạc. Toàn bộ lợi nhuận được nhóm đem ủng hộ cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.

Ngoài ra, Trâm Anh cũng là thành viên Ban điều hành của The Stratic – một dự án về môi trường, tập trung vào mục tiêu phát triển bền vững số 13 của Liên Hợp Quốc. Dự án thường xuyên có các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về môi trường thông qua giáo dục STEM.

Trâm Anh cho rằng trong quá trình nộp hồ sơ, ứng viên cần biết cách phân bổ thời gian hợp lý. Chẳng hạn, trong quá trình viết luận, ứng viên nên lên ý tưởng từ sớm để tìm ra câu chuyện phù hợp. Điều quan trọng nhất, ứng viên cần xác định được những giá trị bản thân muốn truyền tải, từ đó kết nối các phần trong hồ sơ thành một khối thống nhất.

Trước khi chuẩn bị lên đường sang Mỹ nhập học vào tháng 8, Trâm Anh sẽ có một chuyến thăm trường vào ngày 21/3 do Đại học Richmond đài thọ. Nữ sinh kỳ vọng đây sẽ là cơ hội để bản thân hiểu hơn về chương trình học tại ngành Kinh tế, được trò chuyện với các giáo sư về cơ hội thực tập và cơ hội việc làm sau khi ra trường.

Theo Vietnamnet