Chiến lược phát triển – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Chiến lược phát triển

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI NGỮ – ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN 2045

(Kèm theo Quyết định số 1068/QĐ-ĐHNN ngày 26 tháng 7 năm 2021 của Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN)

Thành lập năm 1955, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHNN-ĐHQGHN) là một trong những trường đại học lâu đời nhất ở Việt Nam. Trải qua hơn 65 năm xây dựng và trưởng thành, Trường đã có bề dày truyền thống, kinh nghiệm, có nhiều đóng góp giá trị trong đào tạo, nghiên cứu ngoại ngữ, ngôn ngữ học  và quốc tế học tại Việt Nam. Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế tri thức thời đại công nghệ 4.0, Trường phải có chiến lược mới với những giải pháp mới nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, trình độ cao của đất nước, khu vực, châu lục và thế giới. Vì vậy, Chiến lược này được xây dựng trên cơ sở Chiến lược phát triển Trường ĐHNN – ĐHQGHN đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được phê duyệt và căn cứ vào Chiến lược phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và Nghị quyết Đại hội đại biểu đảng bộ Trường Đại  học Ngoại ngữ – ĐHQGHN lần thứ XIX, phù hợp với tình hình mới, nhận thức mới, tiếp tục định hướng cho sự phát triển lâu dài, bền vững của Trường.

1.   BỐI CẢNH

1.1. Quốc tế

Ngoài việc tiếp tục thực hiện tốt hai chức năng truyền thống là đào tạo và nghiên cứu, các trường đại học phải có năng lực cao để đáp ứng nhu cầu xã hội một cách hiệu quả và nhanh chóng theo đòi hỏi của nền kinh tế tri thức thời đại công nghệ 4.0. Nhu cầu học tập, yêu cầu đa dạng hóa các loại hình đào tạo và nghiên cứu cũng tiếp tục gia tăng.

Trong bối cảnh đó, giáo dục ngoại ngữ đã và đang có những thay đổi quan trọng về nhận thức luận. Giáo dục ngoại ngữ không chỉ giúp người học phát triển phương tiện giao tiếp, mà còn giúp người học phát triển thế giới quan, năng lực, tư duy độc lập, phê phán, năng động và sáng tạo cũng như góp phần hình thành những giá trị nhân bản. Thay đổi để hiện thực hóa những nhận thức mới ấy là một thách thức, nhưng cũng là xu thế phát triển, hướng đi tất yếu của các trường đại học ngoại ngữ truyền thống ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

1.2.   Trong nước

Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII ghi rõ: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng

dụng nhân tài. Thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các lĩnh vực của đời sống xã hội…”. Trong các giải pháp, Báo cáo chính trị cũng nhấn mạnh việc phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao, đa dạng hóa các loại hình đào tạo; và việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ cao về ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước được xác định là một trong ba đột phá chiến lược.

Các văn bản Luật Giáo dục đại học năm 2012 và sửa đổi năm 2018, Nghị định số 186/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Đại học Quốc gia, Quyết định số 26/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Đại học Quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên đều có những quy định tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho ĐHQGHN và các trường đại học thành viên.

Sự cạnh tranh nguồn lực, nhất là đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, người học, và các nguồn lực tài chính trong lĩnh vực giáo dục đại học ngày càng quyết liệt; đó vừa là thách thức vừa là cơ hội phát triển cho các trường đại học tự chủ, năng động, sáng tạo, có khả năng giải quyết hiệu quả các vấn đề mà xã hội đặt ra. Vì vậy, giáo dục đại học nói chung, giáo dục ngoại ngữ nói riêng, đang có những đổi mới quan trọng và nhận được sự quan tâm ngày càng cao của các bên liên quan.

Đại học Quốc gia Hà Nội là đại học hàng đầu của Việt Nam với sứ mệnh “là trung tâm giáo dục đại học mang tầm quốc gia, đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực  chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; là tổ chức khoa học và công nghệ tiên tiến, tiên phong trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước; làm nòng cột và đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam”; tầm nhìn năm 2045 của ĐHQGHN là “trở thành đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, đa ngành, đa lĩnh vực, nằm trong nhóm đại học hàng đầu châu Á và thế giới”.

Trong bối cảnh đó, nhằm hiện thực hóa sứ mệnh và tầm nhìn của ĐHQGHN cũng như Nghị quyết Đại hội đại biểu đảng bộ Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN lần thứ XIX, là một thành viên sáng lập của ĐHQGHN, Trường Đại học Ngoại ngữ xác định quan điểm phát triển như sau.

2.   QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

2.1. Kiên định thực hiện triết lý trách nhiệm, cơ hội và cộng đồng: mỗi cán bộ, giảng viên, giáo viên và người học trong Trường có trách nhiệm làm tốt công việc, tạo cơ hội phát triển cho mình và cho người khác nhằm chung sức tạo dựng cộng đồng để sức mạnh được nhân lên.

2.2. Trường ĐHNN-ĐHQGHN phát triển bền vững theo định hướng nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực hoạt động chủ yếu, gồm đào tạo, nghiên cứu giáo dục ngoại ngữ, ngôn ngữ học, quốc tế học và một số lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có liên quan nhằm phục vụ cộng đồng, xã hội và đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, gắn với chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội, giáo dục, đào tạo, KH&CN và phát triển ĐHQGHN.

3.   SỨ MỆNH, TẦM NHÌN, VÀ GIÁ TRỊ CỐT LÕI

Sứ mệnh

Trường ĐHNN-ĐHQGHN đóng góp vào sự phát triển và hội nhập, xây dựng và bảo vệ đất nước thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, thực hiện đổi mới sáng tạo, chuyển giao tri thức, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu xã hội theo chuẩn quốc tế về các lĩnh vực giáo dục ngoại ngữ, ngôn ngữ học, quốc tế học và một số ngành khoa học xã hội và nhân văn có liên quan.

Tầm nhìn 2045

Trường ĐHNN-ĐHQGHN trở thành một trường đại học hàng đầu, có uy tín cao trong nước, trong khu vực và trên thế giới trong các lĩnh vực giáo dục ngoại ngữ, ngôn ngữ học, quốc tế học và một số ngành khoa học xã hội và nhân văn có liên quan.

Giá trị cốt lõi

Đổi mới sáng tạo, trách nhiệm quốc gia, phát triển bền vững

Khẩu hiệu hành động

Cùng nhau kiến tạo cơ hội! (Creating Opportunities Together!)

Triết lý giáo dục

Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN thực hiện triết lý giáo dục theo định hướng Kiến tạo xã hội, trao cho người học công cụ trí tuệ và cảm xúc để tự chủ, tự thay đổi, tự khám phá và lĩnh hội tri thức, phát triển toàn diện nhân cách, năng lực và kỹ năng, khai phóng sự năng động, sáng tạo của bản thân thông qua các hoạt động học tập, trải nghiệm thực tế nhằm trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cá nhân, cộng đồng và xã hội.

4.   MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC

4.1. Mục tiêu chung

Trường ĐHNN-ĐHQGHN trở thành một trường đại học hàng đầu, có uy tín cao trong nước, trong khu vực và trên thế giới, phát triển theo định hướng nghiên cứu có tính ứng dụng cao, không ngừng đổi mới sáng tạo về các lĩnh vực giáo dục ngoại ngữ, ngôn ngữ học, quốc tế học và một số ngành khoa học xã hội và nhân văn liên quan, góp phần giải quyết các nhiệm vụ quốc gia, quốc tế cũng như đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển, hội nhập và bảo vệ đất nước.

4.2.   Mục tiêu cụ thể

4.2.1 Về đào tạo và đảm bảo chất lượng

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng phát triển tầm nhìn và năng lực toàn diện cho người học. Cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp tại Trường có khả năng thích ứng, hội nhập tốt với môi trường đa văn hóa trong nước và quốc tế, có trình độ chuyên môn, năng lực đổi mới sáng tạo, năng động, say mê nghiên cứu khoa học, hội tụ kiến thức, kỹ năng và phẩm chất phù hợp trong các lĩnh vực hoạt động chủ yếu của Trường.

Đến năm 2030, tất cả các chương trình đào tạo đại học, sau đại học đều được kiểm định và đạt chuẩn quốc gia, trong đó một số chương trình được kiểm định và đạt chuẩn quốc tế. Trường được kiểm định và đạt chuẩn quốc tế.

4.2.2.   Về khoa học, công nghệ, chuyển giao tri thức và phục vụ cộng đồng

Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao, theo chuẩn của một đại học theo định hướng nghiên cứu, mang bản sắc riêng của Trường.

Phát triển năng lực nghiên cứu liên ngành và liên đơn vị trong Trường ĐHNN, trong ĐHQGHN cũng như trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Duy trì và phát huy vị trí trong nhóm dẫn đầu về giáo dục ngoại ngữ trong đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở Việt Nam.

Phát triển năng lực phục vụ cộng đồng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu xã hội về đào tạo, nghiên cứu, và chuyển giao tri thức trong các lĩnh vực hoạt động của Trường.

Tiếp tục đóng vai trò nòng cốt về giáo dục ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Có khả năng giải quyết những vấn đề quan trọng ngành ngoại ngữ đặt ra cũng như có năng lực tư vấn và thực hiện chiến lược phát triển giáo dục ngoại ngữ quốc gia và hợp tác quốc tế. Giữ vững vị thế đầu mối có uy tín, tin cậy về giáo dục ngoại ngữ đối với Chính phủ, các bộ ngành trung ương và địa phương.

4.2.3.  Về quản trị đại học và cơ sở vật chất

Áp dụng phương thức quản trị đại học tương thích với chuẩn và thông lệ quốc tế. Đảm bảo cơ sở vật chất, hệ thống công nghệ thông tin, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, chất lượng cao phục vụ giảng dạy, nghiên cứu, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của cán bộ và người học cũng như phục vụ cộng đồng và xã hội.

5.   NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

5.1. Về đào tạo và đảm bảo chất lượng

Đối với đào tạo đại học

Triển khai hiệu quả, chất lượng các chương trình đào tạo (CTĐT) bậc đại học theo hướng tự chủ để đảm bảo sinh viên tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong và ngoài nước.

Điều chỉnh cơ cấu các ngành đào tạo đại học và sau đại học theo hướng mở rộng và/hoặc xây dựng mới một số chương trình đào tạo trong lĩnh vực ngôn ngữ (những ngôn ngữ mới như Tây Ban Nha, Ý, Thái Lan, Lào), quốc tế học, khoa học xã hội và nhân văn. Mở rộng quy mô đào tạo đại học, đa dạng hóa các loại hình đào tạo và phương thức đào tạo (chính quy, chất lượng cao, CTĐT thứ hai, vừa làm vừa học, liên kết quốc tế, đào tạo song bằng hoặc chuyển tiếp với nước ngoài, đào tạo trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp-trực tuyến, v.v…), các khóa đào tạo ngắn hạn về năng lực ngoại ngữ, kỹ năng biên phiên dịch, phương pháp giảng dạy, phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên ngoại ngữ, v.v… nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu xã hội và sự phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn mới.

Nâng cao tính liên thông của các chương trình đào tạo tương đương với các chương trình quốc tế, xây dựng các chương trình quốc tế đặc thù nhằm tạo điều kiện trao đổi sinh viên với các trường của nước ngoài cũng như thu hút, gia tăng số lượng sinh viên nước ngoài đến học tập, thực tập, nghiên cứu tại Trường.

Xây dựng, thực hiện kế hoạch kiểm định, đảm bảo chất lượng các chương trình đào tạo và kiểm định Trường theo tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế. Tăng cường văn hóa chất lượng thông qua các công việc cụ thể như xây dựng báo cáo tự đánh giá; xây dựng và thực hiện kế hoạch khắc phục khiếm khuyết, cải tiến sau kiểm định; v.v…

Đối với đào tạo sau đại học

Phát triển các CTĐT mới theo lộ trình phù hợp. Củng cố, kiện toàn hệ thống đảm bảo chất lượng đối với các CTĐT sau đại học theo hướng thống nhất, gọn nhẹ, hiệu quả.

Đối với đào tạo Trung học phổ thông (THPT) Chuyên ngoại ngữ

Mở rộng quy mô đào tạo THPT Chuyên Ngoại ngữ, tiến tới xây dựng và sớm đưa vào hoạt động Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ nội trú tại Hòa Lạc.

Tăng cường quốc tế hóa đào tạo THPT thông qua việc tuyển sinh học sinh quốc tế, mở rộng các chương trình giao lưu quốc tế cho giáo viên và học sinh.

Đổi mới toàn diện việc tổ chức hoạt động dạy-học và kiểm tra đánh giá các môn học ở Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ. Nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh một số nội dung của các môn học và hoạt động giáo dục, thiết kế các môn học mới nhằm phát triển năng lực toàn diện cho người học, chú trọng xây dựng các môn học mang tính liên thông cao với bậc đại học tại Trường Đại học Ngoại ngữ và trong Đại học Quốc gia Hà Nội. Đảm bảo học sinh được đào tạo và rèn luyện để đạt được đầy đủ các phẩm chất và năng lực theo Khung Phẩm chất và năng lực học sinh THPT Chuyên Ngoại ngữ.

Đối với đào tạo Trung học cơ sở Ngoại ngữ

Mở rộng quy mô đào tạo Trung học cơ sở Ngoại ngữ. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu phát triển của Trường.

Thiết kế một số môn học đặc sắc và chương trình hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa nhằm phát triển năng lực toàn diện cho người học. Đảm bảo học sinh được đào tạo và rèn luyện để đạt được đầy đủ các phẩm chất và năng lực theo Khung Phẩm chất và năng lực học sinh THCS Ngoại ngữ.

5.2.   Về khoa học, công nghệ, chuyển giao tri thức và phục vụ cộng đồng

Nâng cao năng lực NCKH của đội ngũ giảng viên trong ba lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu của Trường là giáo dục ngoại ngữ, ngôn ngữ học và quốc tế học cũng như một số ngành khoa học xã hội và nhân văn liên quan.

Xây dựng một số nhóm nghiên cứu mạnh, có bản sắc riêng, đi đầu trên cả nước về một số định hướng mũi nhọn trong giáo dục ngoại ngữ, ngôn ngữ học, quốc tế học, giao tiếp liên văn hóa, v.v… Phát triển các hướng nghiên cứu mới, các nhóm nghiên cứu mới phù hợp với các ngoại ngữ mới, chú trọng các định hướng mang tính ứng dụng cao, phục vụ nhu cầu cộng đồng và xã hội.

Phát triển những sản phẩm khoa học công nghệ có tính ứng dụng cao trong hệ thống giáo dục quốc dân và xã hội. Phát triển các mô hình giảng dạy hiện đại, các loại học liệu áp dụng công nghệ mới thời đại 4.0.

Gia tăng sản phẩm được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ; quản lý và khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu cũng như đáp ứng nhu cầu xã hội và cộng đồng.

Nâng cao số lượng, chất lượng các công bố khoa học theo chuẩn quốc tế. Không ngừng thúc đẩy, khuyến khích, tạo điều kiện tối ưu cho cán bộ khoa học học tập, nghiên cứu để đạt học hàm, học vị, thành tích NCKH cao, theo kịp các tiêu chí đại học định hướng nghiên cứu. Tăng số lượng cán bộ khoa học nước ngoài đến giảng dạy, nghiên cứu tại Trường, và cán bộ của Trường giảng dạy, nghiên cứu tại nước ngoài.

Tiếp tục tham gia tích cực, chủ động và có hiệu quả với vai trò đầu ngành vào các đề án, chương trình phổ cập ngoại ngữ, cải tiến giáo dục ngoại ngữ của Nhà nước, của Bộ Giáo dục & Đào tạo, và các chương trình khác.

Chú trọng thu hút cán bộ khoa học đầu ngành trong và ngoài nước tới làm việc, công tác tại Trường và cộng tác với Trường.

Phát triển các trung tâm chức năng như: Trung tâm Bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ, Trung tâm Khảo thí ngoại ngữ, Trung tâm Đảm bảo chất lượng, Trung tâm Công nghệ thông tin và học liệu, Trung tâm Tư vấn & hỗ trợ học thuật, Trung tâm Truyền thông và quản trị thương hiệu, v.v…

Phát triển năng lực đáp ứng các nhu cầu khác của cộng đồng và xã hội về giáo dục và nghiên cứu ngoại ngữ. Thành lập các viện nghiên cứu phù hợp với sự phát triển cũng như thế mạnh của Trường như Viện Khảo thí ngoại ngữ, Viện Nghiên cứu giáo dục ngoại ngữ, Viện Tâm lý giảng dạy ngoại ngữ, Viện Nghiên cứu ngôn ngữ quốc tế, Viện Nghiên cứu biên-phiên dịch cao cấp, Viện Nghiên cứu văn hóa quốc tế, Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế, v.v… Thành lập các công ty dịch vụ chuyên môn như Công ty Dịch thuật và công chứng ngoại ngữ, Công ty Dịch vụ Phát triển nguồn lực, v.v…

Đầu tư phát triển các trung tâm hợp tác quốc tế về giáo dục ngoại ngữ, ngôn ngữ học và quốc tế học như Trung tâm Hợp tác Đông Á, Trung tâm Hợp tác và Phát triển Việt-Nhật, Trung tâm Hàn ngữ ULIS-Sejong, Trung tâm Hán ngữ ULIS-Sunwah, Trung tâm nghiên cứu Pháp ngữ và các trung tâm hợp tác triển vọng khác.

5.3.   Về quản trị đại học và cơ sở vật chất

Đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin 100% trong tổ chức đào tạo và quản lý người học. Củng cố và phát triển hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ giảng dạy trực tuyến và giảng dạy kết hợp.

Tập trung nguồn lực cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có theo hướng hiện đại, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả thiết thực. Cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị tại cơ sở số 2 Phạm Văn Đồng đáp ứng yêu cầu dạy- học, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác của Trường. Hoàn thiện quy hoạch tổng thể và thực hiện từng bước các hợp phần chiến lược của đề án xây dựng cơ sở của Trường tại Hòa Lạc.

6.   CÁC GIẢI PHÁP CƠ BẢN

6.1. Tăng cường công tác tư tưởng, truyền thông, tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao

Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Trường ĐHNN và các chi ủy, chi bộ trực thuộc, phát huy sự năng động và sáng tạo của các đơn vị, các tổ chức đoàn thể, làm cho tất cả cán bộ, viên chức (CBVC) và người học hiểu rõ về sứ mệnh, tầm nhìn của Trường, thấu hiểu những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của Trường trong giai đoạn mới, tạo sự đồng thuận với các chủ trương của Trường, ĐHQGHN, và của ngành để cùng chung sức phát triển Trường.

6.2.   Đào tạo

Đổi mới hình thức truyền thông và phương thức tuyển sinh các cấp học nhằm thu hút người học có tố chất, năng lực tốt. Tăng dần chỉ tiêu tuyển sinh các cấp học, đặc biệt là bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông sau khi xây dựng được cơ sở tại Hoà Lạc.

Mở rộng các lĩnh vực đào tạo của Trường, quy hoạch bổ sung một số ngành đào tạo cử nhân thuộc các lĩnh vực quốc tế học, khoa học xã hội và nhân văn. Phát triển các chương trình đào tạo theo hướng tự chủ. Duy trì sự phát triển bền vững và linh hoạt của các chương trình đào tạo. Xây dựng mới một số chương trình liên kết quốc tế ở bậc đại học và sau đại học, các chương trình hợp tác trao đổi đào tạo ở bậc phổ thông với các đối tác uy tín trong khu vực và trên thế giới.

Đổi mới nội dung và các hoạt động dạy học theo hướng tiếp cận các phương pháp giáo dục tiên tiến, tăng cường tính chủ động, sáng tạo, thúc đẩy sự ham học hỏi của người học.

Tăng cường sự kết nối với các đơn vị sử dụng lao động, các tổ chức kinh tế xã hội để đẩy mạnh sự tham gia của các bên liên quan này trong các hoạt động đào tạo của Trường.

Xây dựng và sử dụng hiệu quả hệ thống học liệu số đối với tất cả các bậc học.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đào tạo, quản lý và hỗ trợ người học.

6.3.   Khoa học công nghệ, chuyển giao tri thức và đổi mới sáng tạo

Hoàn thiện cơ bản hệ thống qui định, thể chế đối với các hoạt động khoa học công nghệ, chuyển giao tri thức và đổi mới sáng tạo, đăng ký, bảo hộ, quản lý và khai thác sở hữu trí tuệ, phát huy tiềm năng của cán bộ và người học.

Tăng cường hiệu quả hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, sinh hoạt chuyên môn cấp Trường cũng như ở các khoa, bộ môn.

Xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu liên khoa, liên cấp, giải quyết những vấn đề cấp thiết và các nhiệm vụ của Trường, kết hợp nghiên cứu và đào tạo, đáp ứng nhu cầu đổi mới giảng dạy ở các cấp đào tạo và nhu cầu của xã hội.

Xây dựng và phát triển cộng đồng học thuật, mạng lưới ULIS Connect với nòng cốt là giảng viên, giáo viên Trường Đại học Ngoại ngữ. Xây dựng Khung hỗ trợ đặc thù cho nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao những nhiệm vụ trọng tâm của Trường và nhà khoa học trẻ tài năng.

Phát triển Trung tâm Khảo thí của Trường thành một trung tâm xuất sắc (COE) và nhóm nghiên cứu mạnh, phát triển theo 03 định hướng (tổ chức hoạt động khảo thí, tổ chức hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về năng lực khảo thí và nghiên cứu, chuyển giao tri thức về năng lực khảo thí ngoại ngữ).

Tăng cường và đa dạng hóa các sản phẩm khoa học công nghệ có chất lượng cao. Đặt hàng sản phẩm khoa học theo định hướng phát triển của Trường, của ĐHQGHN và Bộ GDĐT, tập trung vào các hạng mục ưu tiên phục vụ đào tạo đại học và sau đại học. Tăng cường tham gia các đề tài, dự án, các hoạt động nghiên cứu được các tổ chức, các quĩ tài trợ, hỗ trợ.

Số hóa toàn phần hệ thống quản lý hội thảo trực tiếp/trực tuyến, hệ thống quản lý xuất bản tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài, thực hiện hiệu quả kế hoạch chuyển đổi số của Trường và các đơn vị.

Đưa tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài vào các danh mục thống kê, phân loại, xếp hạng uy tín quốc tế như ACI (2022), Scopus (2025), v.v.

Tăng cường hợp tác, phối hợp trong các hoạt động khoa học công nghệ. Liên kết với các đối tác để đầu tư nghiên cứu, chế tạo sản phẩm công nghệ cao nhằm tạo ra những sản phẩm cụ thể, phục vụ nhu cầu cụ thể của người dùng ngoại ngữ.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng, phát triển và chuyển giao đối với các đề tài, dự án khoa học công nghệ phục vụ các nhiệm vụ trọng điểm của đất nước và các địa phương. Xây dựng cơ chế đối tác song phương hoặc đa phương trong đầu tư cho các dự án nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp nhằm chuyển giao sản phẩm dựa trên nhu cầu thực tiễn theo quan điểm ‘có địa chỉ’ và dựa trên nghiên cứu khả thi có qui mô phù hợp.

Đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ đối với người học, thực hiện và phát huy hiệu quả Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp của sinh viên (ULIS FIRE).

6.4.   Phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu, quản lí và phục vụ đào tạo

Thực hiện quy hoạch phát triển đội ngũ phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững của một đại học định hướng nghiên cứu có tính ứng dụng cao, phù hợp với sứ mệnh của Trường. Rà soát và điều chỉnh, cụ thể hóa Đề án vị trí việc làm đã được ĐHQGHN phê duyệt để xây dựng kế hoạch tuyển dụng việc chức hợp lý, chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ lãnh đạo, quản lý đương nhiệm và cán bộ thuộc diện quy hoạch của các đơn vị trực thuộc thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, dự án về phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chương trình thu hút học giả quốc tế.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phục vụ đào tạo của Trường, tạo ra hiệu suất và hiệu quả công việc cao.

Xây dựng và triển khai Đề án thí điểm về phát triển đội ngũ cán bộ khoa học (chuyên gia) đầu ngành của Trường. Thực hiện cơ chế đặc thù để thu hút, sử dụng và đãi ngộ nhà khoa học đạt chuẩn khu vực và quốc tế của Trường và ĐHQGHN. Tạo điều kiện để hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh trên cơ sở thực hiện các chương trình nghiên cứu quan trọng hoặc có tính chiến lược.

Nâng cao chất lượng cuộc sống của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động trong Trường thông qua việc tạo các công việc có thu nhập cao, tạo môi trường làm việc thân thiện, áp dụng các chính sách mang lại cơ hội phát triển và cống hiến.

Đổi mới phương thức đánh giá viên chức, người lao động gắn với hiệu quả công việc và sản phẩm đầu ra. Đổi mới, cải tiến công tác thi đua, khen thưởng; tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên giao nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu đối với cán bộ trẻ để bồi dưỡng, giúp họ sớm đạt chuẩn chức danh phó giáo sư, tiến sỹ.

6.5.   Hợp tác phát triển

Tăng cường liên kết với cộng đồng, phát huy hiệu quả của mạng lưới ULIS Connect, hợp tác với các đơn vị sử dụng nhân lực, đối tác và mạng lưới cựu sinh viên ULIS Alumni.

Tăng cường các đầu mối quan hệ hợp tác quốc tế mới để có được thêm nhiều nguồn tài trợ học bổng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, học liệu phục vụ công tác đào tạo và NCKH; tăng các chương trình giao lưu, trao đổi giảng viên và học sinh, sinh viên.  Có chiến lược phù hợp thu hút sinh viên các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á cũng như các nước khác trên thế giới.

Khai thác mọi nguồn lực, đảm bảo số lượng giáo viên nước ngoài giảng dạy tại Trường hoặc trực tuyến hàng năm. Ưu tiên việc mời các học giả có uy tín của quốc tế sang giảng dạy ngắn hạn, hoặc mời giảng dạy trực tuyến theo chuyên đề sâu.

Xây dựng chương trình hợp tác quốc tế nghiên cứu với các đơn vị nghiên cứu có uy tín ở khu vực và thế giới. Thực hiện hiệu quả và mở rộng một số chương trình liên kết quốc tế.

Khai thác, huy động các nguồn tài trợ và sự giúp đỡ của các doanh nghiệp phục vụ công tác đào tạo, NCKH, và xây dựng cơ sở vật chất của Trường.

6.6.   Đổi mới công tác tổ chức và quản trị đại học, quản lí và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, gia tăng các nguồn lực tài chính, hiện đại hoá cơ sở vật chất

Điều chỉnh, sắp xếp lại và hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Trường gồm các khoa/ đơn vị đào tạo, trung tâm/viện nghiên cứu, công ty dịch vụ, các phòng chức năng theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, phù hợp với một trường đại học phát triển theo định hướng nghiên cứu. Quy hoạch các trung tâm/viện nghiên cứu theo hướng gắn kết nhiệm vụ đào tạo và NCKH với các khoa trực thuộc. Đổi mới, nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của các bộ môn.

Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 186/2013/NĐ- CP của Chính phủ và Quyết định số 26/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sử dụng nguồn nhân lực có hiệu suất và hiệu quả. Tăng cường phân cấp, giao quyền tự chủ hơn nữa cho các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là các đơn vị có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Áp dụng mô hình quản trị đại học tiên tiến phù hợp với tình hình thực tế của Trường. Chuyển đổi mô hình quản trị từ lãnh đạo, kiểm soát sang mô hình trao quyền và giám sát, đề cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của Trường đối với xã hội.

Xây dựng văn hóa học đường, đảm bảo chất lượng, tạo dựng môi trường thân thiện, chuyên nghiệp, tiết kiệm, khuyến khích tầm nhìn chiến lược, đổi mới sáng tạo và linh hoạt.

Đa dạng hóa hơn nữa các nguồn thu từ việc tăng cường chuyển giao tri thức, các hoạt động dịch vụ đào tạo và NCKH, liên kết đào tạo với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm nâng cao vị thế của Trường và tăng nguồn thu phát triển cho Trường và các cá nhân thực hiện. Chủ động mở rộng tìm kiếm các đối tác nhằm khai thác chung nguồn tài nguyên cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ. Khai thác triệt để các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất của Trường. Khuyến khích và khen thưởng các đơn vị, cá nhân mang lại nguồn thu, đối tác mới cho Trường.

Thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ tài chính. Quản lí và sử dụng các nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất đúng quy định. Rà soát các khoản chi, sử dụng cơ sở vật chất theo hướng có hiệu quả, tiết kiệm.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm mang tính cung cấp dịch vụ, mang lại nguồn thu cho Trường và các cá nhân thực hiện.

Xây dựng phương án tự chủ đại học, phương án tài chính sử dụng một phần kinh phí sự nghiệp, vốn xã hội hóa, vay vốn và trả lãi ngân hàng từ các ngân hàng thương mại để phát triển cơ sở tại Hòa Lạc phù hợp với kế hoạch chung của ĐHQGHN.

Nâng cao chất lượng phục vụ của Trung tâm Học liệu, bảo đảm nguồn chi phí mua bổ sung học liệu, tài liệu tham khảo. Đầu tư nâng cấp và sử dụng hiệu quả các cơ sở thiết bị hiện có cũng như hệ thống công nghệ thông tin.

Phát triển các đề án đầu tư chiều sâu trong lĩnh vực khoa học công nghệ, các dự án có quy mô đủ lớn với các đối tác nước ngoài để kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa, vốn viện trợ nước ngoài bổ sung cho hoạt động đầu tư nhằm đem lại hiệu quả đầu tư cao, thương mại hóa được sản phẩm khoa học và công nghệ.

8.   TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Chiến lược phát triển Trường ĐHNN – ĐHQGHN đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được thực hiện thông qua các kế hoạch 5 năm và được cụ thể hóa thành kế hoạch, nhiệm vụ năm học của Trường, được phổ biến rộng rãi đến từng phòng, trung tâm, khoa và các bộ môn trực thuộc trong toàn Trường.

Các đơn vị trong Trường xây dựng, triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm học của đơn vị mình trên cơ sở kế hoạch 5 năm của Trường. Các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên chủ động, sáng tạo xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện Chiến lược.

Hàng năm, Trường tổ chức đánh giá việc thực hiện Chiến lược nhằm tháo gỡ khó khăn và xây dựng kế hoạch hành động phù hợp để thực hiện hiệu quả Chiến lược này.

PHỤ LỤC 1: CHỈ TIÊU CHIẾN LƯỢC

stt

Tiêu chí

Mô tả tiêu chí

Chỉ tiêu ĐHQG

Chỉ tiêu ĐHNN

2025

2030

2025

2030

2045

1

Đào tạo

1.1.

Đại học

Số lượng SV đại học

50.000

60.000

8.200

12.200

20.000

1.2.

THPT CNN

Số lượng học sinh

2.500

2.700

3.000

1.3.

THCS NN

Số lượng học sinh

400

800

1.200

1.4.

Vừa          làm          vừa học

Số lượng học viên

250

?

800

800

1.000

1.5.

Quy mô đào tạo sau đại học

Tỷ lệ đào tạo sau đại học (thạc sĩ và tiến sĩ) trên tổng quy mô đào tạo

30%

35%

6%

12%

20%

Trong đó quy mô đào tạo tiến sĩ

Tỷ lệ đào tạo tiến sĩ trên tổng quy mô đào tạo

5%

7%

2%

5%

7%

1.5.

Quy mô giảng viên

Tỷ lệ giảng viên trên tổng quy mô đào tạo đại học và sau đại học (tỷ lệ giảng viên/sinh viên)

7%

10%

8%

9%

10%

1.6.

Trình độ giảng viên

Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trên tổng số giảng viên cơ hữu.

70%

80%

45%

50%

75%

1.7.

Uy    tín    giảng viên

Tỷ lệ giảng viên  có chức danh GS, PGS trên tổng số giảng viên cơ hữu

25%

30%

25%

30%

35%

1.8.

Việc           làm           của người học

Tỷ lệ người học tốt nghiệp đại học có việc làm sau 12 tháng.

95%

98%

85%

95%

98%

1.9

Kiểm định chất lượng

Tỷ lệ CTĐT hệ ĐH và ThS được kiểm định và đánh giá chất lượng trên tổng số các CTĐT ĐH và ThS phù hợp với quy định về KĐCL

100%

ĐH 30%

ThS

100%

ĐH 100%

ThS

100%

ĐH 20%

ThS

100%

ĐH 100%

ThS

100%

ĐH 100%

ThS

2

Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo

2.1.

Công bố trong nước

Trung bình số công trình khoa học công bố xuất bản trong nước  trên tổng số cán bộ khoa

1,2

1,2

0,8

1,0

1,5

học/năm

2.2.

Công bố quốc tế

Trung bình số công trình khoa học công bố trên CSDL ISI và Scopus trên tổng số cán bộ khoa học/năm

1,5

1,8

0.2

0.5

1,0

2.3.

Chất                lượng công bố quốc tế

Tỷ lệ công bố khoa học trong CSDL Scopus thuộc nhóm Q1, Q2 trên tổng số công bố thuộc Scopus

50%

60%

50%

60%

65%

2.4

Nguồn thu cho hoạt                  động KHCN

Tỷ lệ nguồn thu cho hoạt động KHCN/tổng nguồn thu cho các hoạt động của đơn vị

10%

20%

8%

15%

20%

2.5.

Sở hữu trí tuệ

Số đơn đăng ký giải pháp hữu ích, sáng chế được chấp nhận hợp lệ/năm

100

150

2.6

Số                doanh

nghiệp                   khởi nghiệp

Số doanh nghiệp khởi nghiệp mở mới/năm của đơn vị, cán bộ khoa học, sinh viên và cựu sinh viên

25

50

10

20

25

2.7.

Môi trường đào tạo gắn với nghiên cứu và ứng dụng

Tỷ lệ các ngành đào tạo đại học có đủ (i) PTN, trung tâm nghiên cứu, cơ sở phục vụ thực hành, thực tập (ii) các hoạt động KH&CN, chương trình/dự án/đề tài nghiên cứu gắn với lĩnh vực đào tạo

75%

90%

70%

80%

90%

3

Năng lực số hóa

3.1.

Tài nguyên số

Tỷ lệ học liệu bắt buộc trong các học phần đào tạo được số hóa

100%

100%

100%

100%

100%

3.2.

Môi trường đào tạo trực tuyến

Tỷ lệ học phần được tổ chức giảng dạy theo tiếp cận đào tạo kết hợp (blended learning) của mỗi CTĐT

10%-

20%

20%

20%

30%

50%

3.3.

Thủ tục hành chính                   trực tuyến

Tỷ lệ các thủ tục hành chính được thực hiện hoàn toàn (mức 4)  thông qua hệ thống  công nghệ thông tin trực tuyến

100%

100%

100%

100%

100%

4

Mức độ quốc tế hóa

4.1.

Sinh viên quốc tế

Tỷ lệ sinh viên có quốc tịch nước ngoài đến học tập (từ cấp độ có chứng nhận, trao đổi ngắn hạn, tới học tập toàn khóa)/tổng quy mô đào tạo

10%

15%

10%

15%

20%

4.2.

Giảng                   viên quốc tế

Tỷ lệ giảng viên có quốc tịch nước ngoài (đến giảng dạy tối thiểu 01 chuyên đề hoặc có thời gian giảng  dạy hoặc nghiên cứu tại trường liên tục tối thiểu 3 tháng) trên tổng quy mô giảng viên

10%

15%

10%

15%

20%

4.3.

Hợp tác quốc tế về nghiên cứu

Tỷ lệ công bố ISI/Scopus có hợp tác quốc tế

70%

75%

20%

30%

35%

PHỤ LỤC 2: PHÂN TÍCH ĐIỂM MẠNH, ĐIỂM YẾU, CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC (SWOT)

1. ĐIỂM MẠNH

Là trường đại học công lập, thành viên sáng lập Đại học Quốc gia Hà Nội với truyền thống hơn 65 năm đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giáo dục ngoại ngữ, có vị trí và uy tín cao trong hợp tác quốc tế về nghiên cứu, giảng dạy các ngoại ngữ phổ biến trên thế giới và có một hệ sinh thái giáo dục ngoại ngữ liên cấp từ hệ trung học cơ sở đến trung học phổ thông, đại học và sau đại học.

Là trường đại học có mô hình đào tạo theo định hướng nghiên cứu gắn kết chặt chẽ với hoạt động thực hành, có tiềm năng phát triển kết hợp với nhiều ngành khoa học khác.

Có đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành, tập thể sư phạm chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, có năng lực tham gia và thực hiện các dự án, đề án lớn mang tầm quốc gia và quốc tế.

Có môi trường quản trị đại học tiên tiến, cơ sở vật chất hiện đại, cơ chế thu hút nguồn lực chất lượng cao về làm việc lâu dài đủ hấp dẫn.

2.       ĐIỂM YẾU

Quy mô đào tạo ngày càng tăng và có sự chuyển đổi nhanh sang cơ chế tự chủ song có biểu hiện mất cân đối giữa các ngành đào tạo, cần có sự chuyển đổi và quy hoạch. Chính sách về phát triển giáo dục, khoa học công nghệ, chế độ chuyển đổi sang cơ chế tự chủ chưa ổn định, nền tảng pháp lí cho việc chuyển đổi chưa chắc chắn… có tác động và ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của Trường.

Mức độ nhận thức và khả năng sẵn sàng của đội ngũ cán bộ cũng như người học có sự khác biệt, không đồng đều khi tham gia vào các xu thế phát triển mới của giáo dục đại học như lộ trình chuyển đổi số, xây dựng đại học thông minh trên nền tảng đổi mới và sáng tạo các giá trị đã tích lũy, khả năng đáp ứng các nhu cầu xã hội về lĩnh vực thuộc thế mạnh của Trường, năng lực hợp tác và chuyển giao khoa học công nghệ …

Cơ sở vật chất hiện tại chưa tương xứng và đồng bộ với quy mô đào tạo ngày càng mở rộng trong trung hạn và dài hạn. Mặc dù trong tương lai có tiềm lực về hạ tầng, cơ sở vật chất và khoa học công nghệ tại Hòa Lạc nhưng khả năng đầu tư xây dựng và phát triển chưa có đủ các yếu tố đảm bảo.

3.       CƠ HỘI

Sự phát triển ổn định của xã hội và nhu cầu hợp tác về mọi mặt giữa các quốc gia trên thế giới đã thúc đẩy nhu cầu học tập ngoại ngữ cho nhiều người, nhiều tầng lớp trong xã hội. Đây là cơ hội tự nhiên và cũng là động lực để Trường nhanh chóng nắm bắt, hấp thụ nhu cầu và thúc đẩy khả năng phát triển đột phá ở một số lĩnh vực.

Những thành tựu của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang và sẽ góp phần đẩy nhanh việc học tập, xây dựng dung lượng thông tin và kiến thức toàn cầu, tạo cơ hội hết sức thuận lợi cho người học đồng thời cũng tạo điều kiện cho các nhà quản lý giáo dục, các nhà khoa học trao đổi, chia sẻ thông tin tốt hơn.

Cơ chế tự chủ về tổ chức, tự chủ về tài chính, tự chủ về học thuật và tự chủ về nhân sự tạo cơ hội để Trường phát triển năng động, sáng tạo, nâng cao được năng lực tìm kiếm giải pháp để chuyển mình, thích ứng và tạo sức cạnh tranh phù hợp trong từng giai đoạn.

4.       THÁCH THỨC

Năng lực nhận thức, khả năng hành động và tâm thế sẵn sàng của đội ngũ cán bộ trước những cơ hội phát triển và trước sự thay đổi về cơ chế quản lí, quản trị đại học đòi hỏi phải có những chính sách kịp thời để đáp ứng và nâng cao trong ngắn và trung hạn.

Chính sách về tài chính và các nguồn lực không còn dựa chủ yếu vào ngân sách và học phí của người học. Do đó cần có cơ chế để tạo nguồn thu đa dạng hơn, đồng đều hơn và ổn định hơn ở các lĩnh vực hoạt động khác.

Mức độ cạnh tranh trong tuyển sinh, tuyển dụng cán bộ sẽ ngày càng cao. Trường cần có chính sách phù hợp để vừa đảm bảo quy mô, vừa đảm bảo chất lượng đào tạo; có chính sách tuyển dụng và thu hút đội ngũ cán bộ có trình độ cao để đảm bảo vận hành hiệu quả bộ máy và cơ cấu tổ chức.

Tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới phức tạp, căng thẳng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt hoạt động của Trường.

****Văn bản có dấu.

****Infographic và Video.