[UNC2024] Tọa đàm “Chương trình tiếng Pháp bậc phổ thông và công tác xây dựng học liệu”   – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

[UNC2024] Tọa đàm “Chương trình tiếng Pháp bậc phổ thông và công tác xây dựng học liệu”  

Ngày 23/9/2023, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Chương trình tiếng Pháp bậc phổ thông và công tác xây dựng học liệu”. Đây là hoạt động đầu tiên nằm trong khuôn khổ Hội thảo Quốc gia 2024 “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam”, hội thảo thường niên của Nhà trường.  

Tham dự chương trình có đại diện lãnh đạo Nhà trường, Phòng KHCN, lãnh đạo và giảng viên, sinh viên Khoa NN&VH Pháp. Bên cạnh đó, tọa đàm cũng thu hút nhiều đại biểu ngoài trường quan tâm.

Tọa đàm nhằm cung cấp những thông tin về: Mục tiêu, các yêu cầu cần đạt, nội dung, phương pháp giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Pháp; và Triết lý giáo dục, mục tiêu, tiêu chí lựa chọn học liệu và phương pháp khai thác học liệu tiếng Pháp ở các bậc học khác.

Diễn giả của tọa đàm gồm có PGS. TS. Nguyễn Quang Thuấn (Trường ĐHNN – ĐHQGHN, Tổng chủ biên Chương trình và Sách giáo khoa tiếng Pháp phổ thông); ThS. Hoàng Hồng Lê (Trường THPT chuyên Quốc học Huế, tác giả SGK); TS.Nguyễn Việt Quang (Trường ĐHNN – ĐHQGHN, tác giả SGK).

Tại tọa đàm, PGS. TS. Nguyễn Quang Thuấn đã trình bày báo cáo với chủ đề “Chương trình tiếng Pháp bậc phổ thông”. Trong đó, ông cho biết: “Chương trình hiện nay được thiết kế đảm bảo tính linh hoạt, mềm dẻo, không quy định bắt buộc mà chỉ đưa ra định hướng để tạo điều kiện cho các trường, các cơ quan, giáo viên, tác giả phát huy tính chủ động, sáng tạo khi triển khai”. Ông cũng chỉ ra những bất cập của chương trình trước và gợi ý một số yêu cầu đổi mới để việc dạy học tiếng Pháp phù hợp và hiệu quả hơn.

Báo cáo 2 với tựa đề “Xây dựng Kế hoạch dạy học, giáo dục môn tiếng Pháp NN1 và tìm kiếm, biên soạn học liệu ở bậc Trung học phổ thông” do ThS. Hoàng Hồng Lê, trường THPT chuyên Quốc học Huế, tác giả SGK trình bày. Dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của mình, diễn giả đã chia sẻ cụ thể về cách xây dựng kế hoạch dạy tiếng Pháp và làm thế nào để tìm kiếm, biên soạn học liệu tiếng Pháp ở bậc THPT.

Báo cáo của TS. Nguyễn Việt Quang (Trường ĐHNN-ĐHQGHN, tác giả SGK) có nội dung về “Xây dựng học liệu tiếng Pháp bậc tiểu học và trung học cơ sở”. Báo cáo viên cho biết SGK hiện nay hướng đến tạo điều kiện cho học sinh phát triển toàn diện ở 4 lĩnh vực nghe, nói, đọc, viết. Ông cũng chia sẻ về những yêu cầu của việc xây dựng học liệu và làm sao phân chia thời gian phù hợp cho việc ôn tập và đánh giá. Theo TS. Nguyễn Việt Quang cần đặc biệt chú ý đến vấn đề hình ảnh của học liệu và phải đảm bảo có được sự thống nhất về nội dung và hình thức.

Sau đó, các đại biểu đã tham gia thảo luận và trao đổi ý kiến. Nhiều góp ý, đề xuất thực tiễn đã được các thầy cô đưa ra.

Tọa đàm “Chương trình tiếng Pháp bậc phổ thông và công tác xây dựng học liệu” đã khép lại sau thời gian thảo luận tích cực.

Diệu Phương-Danh Vũ/ULIS Media