[UNC2023] Tọa đàm quốc tế: “Triển vọng về giảng dạy tiếng Hàn ở bậc phổ thông tại Việt Nam” – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

[UNC2023] Tọa đàm quốc tế: “Triển vọng về giảng dạy tiếng Hàn ở bậc phổ thông tại Việt Nam”

Ngày 24/2/2023 tại Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm khoa học quốc tế “Triển vọng về giảng dạy tiếng Hàn ở bậc phổ thông tại Việt Nam” nằm trong chuỗi Hội thảo Quốc gia UNC2023. Được tài trợ bởi Dự án “Xây dựng trường đại học trọng điểm về Hàn Quốc học tại Việt Nam” (AKS CORE), tọa đàm đã thu hút đông đảo đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến.

Năm 2022 đã đánh dấu mốc 30 năm quan hệ ngoại giao Việt – Hàn. Kể từ thiết lập quan hệ hai nước vào năm 1992, việc giảng dạy tiếng Hàn đã được triển khai ngày càng rộng rãi ở Việt Nam với nhiều chương trình đào tạo đa dạng ở các cấp khác nhau. Năm 2021, chương trình tiếng Hàn ngoại ngữ 1 được ban hành, môn thi tiếng Hàn lần đầu chính thức được đưa vào danh mục các môn thi tốt nghiệp THPT, đánh dấu mối mốc lịch sử quan trọng của ngành giáo dục tiếng Hàn trong hệ thống quốc dân.

Tọa đàm khoa học quốc tế “Triển vọng về giảng dạy tiếng Hàn ở bậc phổ thông tại Việt Nam” được tổ chức nhằm đánh giá về triển vọng và tương lai của việc giảng dạy tiếng Hàn ở bậc phổ thông tại Việt Nam.

Tham dự tọa đàm có đại diện ĐANNQG, các đơn vị đối tác, trường đại học có giảng dạy tiếng Hàn tại Việt Nam, lãnh đạo và cán bộ Trường Đại học Ngoại ngữ.

Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông đánh giá cao triển vọng giảng dạy tiếng Hàn ở bậc phổ thông tại Việt Nam, tuy vậy cũng cho rằng chúng ta cần bàn thảo, trao đổi nhiều hơn để chất lượng đào tạo được nâng cao hơn nữa. Tọa đàm lần này có nhiều báo cáo quan trọng với nội dung sâu sát, cập nhật chắc chắn đem lại nhiều kiến thức bổ ích cho các đại biểu.

Mở đầu chương trình tọa đàm là báo cáo có chủ đề “Khảo sát chủ đề luận văn chuyên ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy tiếng Hàn của sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc” của GS.Song Hyangeun. Báo cáo chỉ ra Lý luận và Phương pháp giảng dạy tiếng Hàn đang nhận được nhiều sự quan tâm của sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc.

Trên thực tế tại Trường Đại học Ngoại ngữ, NCS.Nguyễn Thuỳ Dương đã có bài tham luận về Nghiên cứu điều chỉnh CTĐT ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc phù hợp với tình hình mới. Báo cáo nêu lên những thông tin về quá trình, mục tiêu, nội dung, chuẩn đầu ra… việc triển khai điều chỉnh CTĐT ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc của Trường bắt đầu áp dụng từ khóa QH.2022. Được xây dựng dựa trên những nghiên cứu, khảo sát, so sánh với các trường đại học trong và ngoài nước, CTĐT Ngôn ngữ Hàn Quốc điều chỉnh của năm 2022 đã cập nhật theo hướng đáp ứng nhiều hơn nữa nhu cầu của thị trường lao động và xã hội.

Tiếp đó, NCS. Hà Thu Hường đã trình bày báo cáo với chủ đề “Xây dựng khung năng lực đánh giá ngoại ngữ và phương pháp kiểm tra đánh giá tiếng Hàn” với những thông tin giá trị về việc xây dựng khung năng lực tiếng Hàn 3 bậc của Trường Đại học Ngoại ngữ hiện nay.

Hai tham luận “Tình hình giảng dạy tiếng Hàn tại Hải Phòng” của  GV Nguyễn Nhật Linh và “Tình hình giảng dạy tiếng Hàn tại THPT CNN” của GV Nguyễn Hương Giang đã chia sẻ những thông tin thú vị, cập nhật về việc dạy và học tiếng Hàn hiện nay ở quy mô địa phương, trường học.

Sau phần thảo luận giữa các chuyên gia đã diễn ra sôi nổi, tọa đàm “Triển vọng về giảng dạy tiếng Hàn ở bậc phổ thông tại Việt Nam” đã khép lại với những phản hồi tích cực.

Một số hình ảnh khác:

ULIS Media