TS. Hoa Ngọc Sơn: Nhiều cơ hội rộng mở cho thí sinh xét tuyển hệ liên kết quốc tế – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

TS. Hoa Ngọc Sơn: Nhiều cơ hội rộng mở cho thí sinh xét tuyển hệ liên kết quốc tế

Công tác tại Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN từ năm 2005 đến nay, TS. Hoa Ngọc Sơn hiện đang giữ chức vụ Trưởng Khoa Đào tạo và Bồi dưỡng Ngoại ngữ, đầu mối quản lý hệ liên kết quốc tế giữa ULIS và các trường đại học trên thế giới.


Trưởng khoa Đào tạo và Bồi dưỡng Ngoại ngữ Hoa Ngọc Sơn

Năm 2005, tốt nghiệp Tiến sĩ từ Đại học Sư phạm Nam Kinh, tôi quyết định trở về Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN, nơi tôi bắt đầu hành trình theo đuổi việc học tập và nghiên cứu. Ở thời điểm đó, một tiến sĩ 28 tuổi như tôi có rất nhiều lợi thế và cơ hội ở cả các cơ quan Bộ, ngành của nhà nước lẫn khối doanh nghiệp. Giữa lúc ấy, PGS. TS. Nguyễn Lân Trung – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN đã thuyết phục tôi ở lại trường và quản lý trực tiếp hệ đào tạo liên kết quốc tế, chỉ bằng một câu nói: “Thế giới dù có biến động đến đâu thì cũng có 2 điều không thay đổi: bố mẹ dù khó khăn đến mấy cũng không để con cái chịu khổ; dù nghèo khó đến mấy cũng không thể không dành quan tâm giáo dục.”

Huống chi, chúng ta đã qua thời ăn uống kham khổ.

Thế giới đã bước sang thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Các chương trình liên kết quốc tế hoặc hợp tác tạo nguồn tuyển sinh giữa các trường đại học liên quốc gia ra đời trong bối cảnh đó, khi khoảng cách giữa các quốc gia ngày càng được kéo gần lại, thế giới trở nên phẳng và trong suốt hơn, các chương trình hợp tác giữa các quốc gia không chỉ giới hạn ở kinh tế, thương mại, mà ngày càng mở rộng trong các lĩnh vực văn hóa – xã hội, đặc biệt là giáo dục.

Với các chương trình du học tại chỗ, sinh viên không cần phải xa gia đình, vượt qua sốc văn hóa ở nước bản xứ, mà có thể học hoàn toàn tại Việt Nam nhưng nhận được bằng tốt nghiệp từ các trường đại học nước ngoài, được công nhận toàn cầu. Đặc biệt, chương trình học này giúp sinh viên giảm tối đa chi phí học tập, sinh hoạt phí tại nước ngoài, mà vẫn được tiệm cận với nền giáo dục, phong cách giảng dạy tiên tiến các nước Âu – Mỹ.

Với các chương trình hợp tác tạo nguồn tuyển sinh du học chuyển tiếp, sinh viên có cơ hội hòa nhập vào các nền giáo dục hàng đầu châu Á với mức học phí ưu đãi hơn rất nhiều so với các sinh viên quốc tế khác. Sau thời gian học dự bị tiếng tại Việt Nam, sinh viên được chuẩn bị hành trang về kiến thức và kĩ năng ngôn ngữ – văn hóa đủ để sẵn sàng học tập và trải nghiệm giáo dục ở nước ngoài, cùng với các sinh viên bản xứ.

Khung chương trình đào tạo liên kết quốc tế: “Nhập khẩu nguyên chiếc”

  • Ưu điểm lớn nhất của hệ đào tạo liên kết quốc tế là Khung chương trình đào tạo được “nhập khẩu nguyên chiếc”: văn bằng do Đại học nước ngoài cấp, toàn bộ chương trình đào tạo do trường đại học nước ngoài thiết kế và giám sát thực hiện. Nói đơn giản là, việc thực hiện ở đâu không quan trọng, chỉ cần đảm bảo đúng nội dung, môn học và số lượng tín chỉ do ĐH nước ngoài xây dựng và ban hành.
  • Ngôn ngữ sử dụng: ngôn ngữ dạy học tất cả các môn học là ngoại ngữ Tiếng Anh/Tiếng Pháp.
  • Kiến thức chuyên ngành và năng lực ngoại ngữ đều được chú trọng và truyền tải bởi đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm và có trình độ cao. 100% giáo viên có trình độ Thạc sĩ trở lên và đã từng tu nghiệp tại nước ngoài, có trình độ ngoại ngữ từ B2 trở lên, được trường nước ngoài tuyển chọn.
  • Cơ sở vật chất: phòng học ưu tiên tốt nhất của nhà trường với điều hòa nhiệt độ và máy chiếu…
  • Cơ hội học bổng: hàng năm nhà trường dành nhiều học bổng khuyến khích sinh viên tương lai nhập học mới và sinh viên hiện tại đang theo học hệ LKQT.
  • Chương trình phát huy sự sáng tạo, sự tự tin và khả năng thuyết trình bằng ngoại ngữ của sinh viên thông qua hàng loạt các bài tập cá nhân/nhóm do giảng viên đứng lớp trực tiếp hướng dẫn ở hầu hết các môn học.
  • Sinh viên hệ liên kết quốc tế là sinh viên chính quy của nhà trường, được thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi: sử dụng thư viện, tham gia các câu lạc bộ sinh viên và các hoạt động của Đoàn TN & Hội sinh viên nhà trường, tham gia các hoạt động thực tập trải nghiệm do nhà trường tổ chức…
  • Hai chương trình đào tạo Cử nhân ngành Kinh tế – Tài chính và Kinh tế – Quản lý đều đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt nam kiểm định từ năm 2014. Việc công nhận văn bằng qua Cục Đảm bảo chất lượng, Bộ GDĐT thực hiện với thủ tục đơn giản.

Hình thức xét tuyển học bạ có lợi cho cả thí sinh và nhà trường

Năm 2018, bên cạnh các nguyện vọng xét tuyển bằng điểm thi THPTQG, Trường ĐH Ngoại ngữ còn có hình thức xét tuyển bằng học bạ đối với hệ đào tạo liên kết quốc tế.

So với kì thi THPTQG, học bạ THPT thể hiện năng lực trong suốt quá trình 3 năm THPT, do chính các giáo viên trực tiếp đứng lớp đánh giá kết quả học tập thường xuyên và rèn luyện cụ thể của từng học sinh.

Xét tuyển bằng học bạ, bên cạnh xét nguyện vọng bằng điểm thi THPTQG theo các tổ hợp nhà trường đã quy định, có lợi cho thí sinh và có lợi cho cả các cơ sở giáo dục đại học, vì đây là đánh giá năng lực cả quá trình học tập.

Điểm xét tuyển học bạ được tính theo công thức: Điểm xét tuyển = M1+ M2 + M3 + Điểm ƯT

(M1 là điểm trung bình các môn lớp 10; M2 là điểm trung bình các môn lớp 11; M3 là điểm trung bình các môn lớp 12. Điểm ưu tiên xét tuyển là điểm môn Toán, Ngoại ngữ và Văn THPT)

Đối với các thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia, Điểm xét tuyển là tổng điểm thi THPT quốc gia của các môn thi theo tổ hợp môn đăng ký xét tuyển (không nhân hệ số) cộng với điểm ưu tiên.

Ngoài các tổ hợp khối D truyền thống, thí sinh xét tuyển hệ liên kết quốc tế có thể sử dụng tổ hợp A01, A00 để đăng kí. Nhà trường xét tuyển từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu.

Chỉ tiêu tuyển sinh hệ Liên kết quốc tế năm 2018

Hiện nhà trường đang tuyển sinh hai chương trình đào tạo Cử nhân ngành Kinh tế – Tài chính do ĐH Southern New Hampshire (Mỹ) cấp bằng học trong 4 năm và Cử nhân ngành Kinh tế – Quản lý do ĐH Picardie Jules Verne (Pháp) cấp bằng học trong 3 năm.

Hai chương trình đã thực hiện được 10 năm, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp và tìm được việc làm rất cao.

  • Chỉ tiêu tuyển sinh đại học ngành Kinh tế – Tài chính (học bằng tiếng Anh) là: 140
  • Chỉ tiêu tuyển sinh đại học ngành Kinh tế – Quản lý (học bằng tiếng Pháp) là: 50

Ngoài ra, sinh viên có thể lựa chọn du học Hàn Quốc hoặc Đài Loan với 20+ ngành học.

  • Chỉ tiêu tuyển sinh chương trình hợp tác tạo nguồn tuyển sinh du học chuyển tiếp tại Hàn Quốc (22 ngành học tại Đại học Kookmin): 30
  • Chỉ tiêu tuyển sinh chương trình hợp tác tạo nguồn tuyển sinh du học chuyển tiếp tại Đài Loan (22 ngành học tại Đại học Chaoyang): 30

Tùy thuộc điều kiện kinh tế của bạn, lựa chọn du học tại chỗ hay du học chuyển tiếp. Thực tế hiện nay, các anh chị sinh viên đa số lựa chọn du học tại chỗ ngay tại Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN.

Chuẩn đầu ra và triển vọng nghề nghiệp

Chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, do đó sinh viên cần tham gia khóa tăng cường ngoại ngữ Anh/Pháp trong năm học đầu tiên: vừa nâng cao năng lực ngoại ngữ vừa được bổ sung ngoại ngữ chuyên ngành.

Sinh viên vừa cần tích lũy đủ số tín chỉ theo đúng chương trình đào tạo và có Chứng chỉ ngoại ngữ B2 trở lên.

Sau khi ra trường, sinh viên chương trình cử nhân Kinh tế Tài chính và Kinh tế Quản lý có thể linh động làm việc trong nhiều vị trí, lĩnh vực khác nhau như:

  • Chuyên viên ngân hàng
  • Chuyên viên phát triển kinh doanh
  • Chuyên viên phân tích hỗ trợ kinh doanh
  • Chuyên viên Marketing
  • Chuyên viên kiểm soát chi phí
  • Nghiên cứu viên kinh tế
  • Chuyên viên phân tích tài chính
  • Chuyên viên quản lý nguồn quỹ
  • Chuyên viên phân tích rủi ro
  • Chuyên viên môi giới chứng khoán
  • Chuyên viên tư vấn thuế

Sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình du học chuyển tiếp có nhiều cơ hội tìm được công việc phù hợp chuyên ngành với thu nhập cao trong các tập đoàn đa quốc gia hoặc công việc ngay tại nước sở tại.

Thông tin chi tiết xin liên hệ:

KHOA ĐÀO TẠO VÀ BỒI DƯỠNG NGOẠI NGỮ / Phòng tuyển sinh

Phòng 105 nhà A4, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội

Số 2, Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, Hà Nội

ĐT: 0986.45.55.99   |   Email: fle.ulis@vnu.edu.vn   |   Website: http://fle.ulis.vnu.edu.vn