Tổ chức buổi ra mắt CTĐT cử nhân Văn hóa & Truyền thông Xuyên quốc gia (Transnational Cultural and Media Studies) – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Tổ chức buổi ra mắt CTĐT cử nhân Văn hóa & Truyền thông Xuyên quốc gia (Transnational Cultural and Media Studies)

Ngày 22 tháng 04 năm 2023, Trường Đại học Ngoại ngữ-Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức buổi giới thiệu và trải nghiệm chương trình đào tạo đại học Văn hoá và Truyền thông Xuyên quốc gia (Transnational Cultural and Media Studies) tại tầng 1, hội trường Sunwah, cùng với đó là sự tham gia góp mặt của đông đảo các quý phụ huynh, các em học sinh quan tâm đến chương trình đào tạo mới này của Nhà trường. 

Tham dự buổi ra mắt có Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông, Trưởng phòng đào tạo Nguyễn Thúy Lan, Trưởng phòng CT & CT HSSV Vũ Văn Hải, Phó trưởng phòng CT & CT HSSV Phạm Đình Lượng, Ban chủ nhiệm và giảng viên Khoa Ngôn ngữ & Văn hóa các nước nói tiếng Anh.

Trong buổi giới thiệu và trải nghiệm đã diễn ra rất nhiều những hoạt động thú vị và bổ ích như: Giới thiệu và giải đáp về chương trình Văn hoá và Truyền thông Xuyên quốc gia, tham gia trải nghiệm những tiết học thử khuôn mẫu của một vài môn học, trải nghiệm bảo vệ khóa luận hay tham gia tour tham quan khuôn viên trường Đại học Ngoại ngữ-Đại học Quốc gia Hà Nội. Cũng trong khuôn khổ chương trình, nhiều câu hỏi thắc mắc liên quan đã được đặt ra và đều nhận được những lời giải đáp vô cùng đầy đủ và chi tiết. 

Như chúng ta có thể thấy, văn hoá về truyền thông trong thời đại mới ngày càng trở nên phức tạp, thấm sâu và lan rộng hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, xuyên quốc gia không phải chỉ là đặc tính của những sản phẩm văn hoá và truyền thông, những vấn đề khu vực và thế giới, mà còn nằm trong chính sự kiến tạo đời sống cá nhân và cộng đồng ngay tại địa phương.

Chương trình đào tạo Văn hoá và Truyền thông Xuyên quốc gia (Transnational Cultural and Media Studies) xây dựng theo triết lý giáo dục khai phóng, giúp người học phát triển tri thức liên ngành, tư duy phê bình, bản sắc cá nhân và khả năng thiết lập các mối quan hệ nhân văn trong đời sống và công việc. 

“Chúng ta đang chứng kiến những biến động và thay đổi to lớn của thế giới và xã hội. Trong tương lai không xa, nhiều công việc của con người sẽ được thay thế bởi máy móc hoặc có sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Rất nhiều ngành nghề sẽ biến mất và nhiều ngành nghề mới chưa từng có trong lịch sử loài người sẽ ra đời. Sự dịch chuyển lao động, xu hướng kết nối đa quốc gia, đa châu lục hay kết nối toàn cầu là tất yếu. Do đó con con người cần hội tụ những năng lực để thích ứng với sự thay đổi, để tôn trọng, thấu hiểu và kết nối sâu sắc với nhau hơn, đặc biệt là sự kết nối đến từ các nền văn hoá, các quốc gia khác nhau. Trong bối cảnh đó, ngành Văn hoá và Truyền thông Xuyên quốc gia ra đời để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh giao tiếp và tiếng Anh học thuật, có khả năng vận dụng sáng tạo những hiểu biết sâu rộng về ngôn ngữ, văn hoá các nước nói tiếng Anh, về quốc tế học, giao tiếp liên văn hoá, truyền thông để tạo ra những sản phẩm ứng dụng và nghiên cứu về lĩnh vực này. Sự ra đời của ngành học Văn hoá và Truyền thông Xuyên quốc gia có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với trường Đại học Ngoại ngữ-ĐHQGHN, mở ra hướng phát triển mới bên cạnh giáo dục ngoại ngữ và ngôn ngữ học vốn là thế mạnh của nhà trường”. PGS. TS. Hà Lê Kim Anh-Phó Hiệu trưởng trường ĐHNN-ĐHQGHN chia sẻ trong Boolet chia sẻ về chương trình. 

CHUYÊN NGÀNH VĂN HOÁ VÀ TRUYỀN THÔNG XUYÊN QUỐC GIA

Mã ngành: 7220212QTD

Bắt đầu tuyển sinh từ năm 2023 với 50 chỉ tiêu, bao gồm: 

  • 25 chỉ tiêu xét theo kết quả thi THPT (Tổ hợp xét tuyển D01: Ngữ văn-Toán-Tiếng Anh; D78: Ngữ Văn-KHXH-Tiếng Anh; D90: Toán-KHTN-Tiếng Anh; D14: Ngữ Văn-Lịch Sử-Tiếng Anh).
  • 15 chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi Đánh giá Năng lực của ĐHQGHN.
  • 10 chỉ tiêu dành cho các phương án khác (Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, xét tuyển bằng chứng chỉ Ngoại ngữ)

Chương trình đào tạo cử nhân Văn hoá và Truyền thông Xuyên quốc gia là sự kết hợp thế mạnh truyền thống của Trường về ngôn ngữ-văn hoá với hai lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ là báo chí-truyền thông và khoa học phát triển. Năm 2023-2024, ULIS lần đầu tiên quyết định tuyển sinh chương trình mới này nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển lĩnh vực Quốc tế học tại ULIS. Ý tưởng này đã được “thai nghén” từ những năm đầu của thiên niên kỷ mới về việc thay đổi tên của trường thành “University of Languages and National Studies”, được khẳng định tại nghị quyết của Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII, và Chiến lược Phát triển gia đoạn 2010-2015.

Qua một chặng đường dài gần 20 năm, những cố gắng của Nhà trường đã mang lại thành quả với quyết định của ĐHQGHN phê duyệt và triển khai chương trình đào tạo Văn hoá và Truyền thông Xuyên quốc gia. 

Chương trình gồm 138 tín chỉ (không tính Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng-an ninh), thông thường được hoàn thành trong 08 học kỳ (thời hạn tối đa theo quy chế của Đại học Quốc gia Hà Nội là 08 năm). Các khối môn học bao gồm: 

  • Quốc phòng và thể chất
  • Kiến thức chung
  • Ngôn ngữ
  • Văn hoá văn minh
  • Phát triển toàn cầu
  • Báo chí-truyền thông
  • Phân tích và nghiên cứu

NHỮNG ĐIỂM NỔI BẬT CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Mặc dù tên ngành là Văn hoá và Truyền thông Xuyên quốc gia thế nhưng lại được cho ra đời tại trường Đại học Ngoại ngữ-Đại học Quốc gia Hà Nội, chương trình đào tạo sẽ giảng dạy chủ yếu bằng tiếng Anh và các bạn sinh viên sẽ có cơ hội được học thêm một ngoại ngữ thứ hai. Bên cạnh đó, giảng viên đến từ ngành Văn hoá và Truyền thông Xuyên quốc gia sẽ đều là các chuyên gia về ngôn ngữ, văn hoá, báo chí-truyền thông và phát triển, trong và ngoài ULIS. 

Với phương châm “học phải đi đôi với hành”, chương trình đào tạo sẽ mang đến cho các bạn sinh viên một trải nghiệm học tập không những thú vị, bổ ích mà còn vô cùng thực tiễn, với các cơ hội được thực tập tại những cơ quan báo chí-truyền thông và phát triển hàng đầu. 

06 NHÓM NĂNG LỰC ĐẠT ĐƯỢC KHI TỐT NGHIỆP

  1. Năng lực giao tiếp tiếng Anh đạt C1 theo CEFR
  2. Kiến thức liên ngành ngôn ngữ, văn hoá-xã hội, báo chí-truyền thông và phát triển từ góc nhìn lịch sử.
  3. Kỹ năng nghiên cứu, phân tích, đánh giá, xử lý và tạo lập các hiện tượng, sản phẩm văn hoá và truyền thông.
  4. Nắm vững các xu hướng văn hoá, truyền thông và thực hành nghề nghiệp.
  5. Ứng dụng công nghệ thông tin và các kỹ năng của thế ký 21 trong công việc.
  6. Tư duy toàn cầu, khả năng dẫn dắt, lãnh đạo về chuyên môn, khả năng học tập suốt đời. 

CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP

  1. Phóng viên, Biên tập viên, Nhân sự phụ trách xây dựng nội dung truyền thông, Cán bộ truyền thông.
  2. Cán bộ hợp tác quốc tế, Cán bộ phụ trách Văn hoá, Cán bộ quản lý dự án.
  3. Nghiên cứu viên về văn hoá, ngôn ngữ, quốc tế học.
  4. Giảng viên, Giáo viên, Nhân sự phụ trách đào tạo, truyền thông tại các cơ sở giáo dục. 
  5. Biên dịch viên, Phiên dịch viên. 
  6. Thư ký văn phòng, Trợ lý đối ngoại. 

Buổi giới thiệu và trải nghiệm chương trình đào tạo Đại học ngành Văn hoá và Truyền thông Xuyên quốc gia đã khép lại với những phản hồi tích cực đến từ phía các bậc phụ huynh cùng các bạn học sinh, sinh viên.

 Hẳn là một điều hết sức đặc biệt và mới lạ đối với các sĩ tử K57 của mái nhà ULIS khi nay các em đã có thể bỏ túi cho mình thêm một sự lựa chọn về ngành học mới hết sức thú vị này đúng không nào? Hãy học tập thật chăm chỉ ở giai đoạn nước rút này và còn chần chừ gì nữa mà không nhanh tay đăng ký ngành học mới này của Nhà trường trong mùa tuyển sinh 2023: Văn hoá và Truyền thông Xuyên quốc gia? ULIS chờ các em!