Học tập và trải nghiệm thực tế tại Ireland: Đi để học, để khám phá, để làm mới mình
Nằm trong khuôn khổ khóa 2 của chương trình “Nâng cao năng lực cho cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý của ĐHQGHN theo phương pháp tiếp cận tư duy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (tư duy hướng đến hiệu quả) nhằm thúc đẩy và tăng cường các kỹ năng trong thế kỷ 21 và nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong sinh viên” do ĐHQGHN và Học viện Sáng tạo, Đại học Dublin, Ireland phối hợp tổ chức, đoàn cán bộ và giảng viên của ĐHQGHN đã có chuyến đi thực tế tại Ireland từ ngày 10/3 đến ngày 22/3/2019.
Đoàn cán bộ ĐHQGHN trong chuyến học tập tại Ireland
Đoàn có sự tham gia của hai giảng viên ULIS là cô Đào Thị Diệu Linh (Bộ môn Tâm lý – Giáo dục) và cô Lê Thị Hồng Duyên (Khoa SPTA). Hai cô giáo đã thu được nhiều trải nghiệm giá trị, những kiến thức và kinh nghiệm thực tế quý báu từ khóa học này. Hiện tại, khóa đào tạo đang tuyển sinh khóa 3. (Đăng ký tham gia khóa đào tạo tại đây.)
Với mong muốn giới thiệu khóa đào tạo ý nghĩa này, chuyển tải những kiến thức được thụ hưởng cho đội ngũ cán bộ ULIS để tiến tới ứng dụng xây dựng các khóa đào tạo đổi mới tư duy và phương pháp giảng dạy tương tự cho giảng viên và triển khai các khóa học phát triển kỹ năng cho sinh viên, Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN sẽ tổ chức buổi tọa đàm chia sẻ do cô Diệu Linh và cô Hồng Duyên làm diễn giả vào 8h30 ngày 12/4/2019 tại Phòng 406 A1.
Nhân dịp này, hãy cùng ULIS Media trò chuyện để tìm hiểu về trải nghiệm làm thay đổi tư duy giảng dạy của hai nữ giảng viên tại Ireland nhé.
PV: Từ đâu mà hai cô biết đến khóa học này và lý do quyết định đăng ký tham gia?
Linh: Mình tình cờ biết đến khóa học khi nhận được email từ dự án Vibe, và email của mình nằm trong số email của các thầy cô của trường KHXH và nhân văn, vì mình có tham gia giảng dạy tại khoa Tâm lý học của trường. Mình quyết định tham gia vào phút chót và gửi thư apply chỉ trước 1 ngày.
Cô Đào Thị Diệu Linh
Duyên: Mình cũng tình cờ biết đến khóa học thông qua 1 người bạn và sau đó cũng nhận được email từ trưởng khoa. Bản thân mình rất thích tìm hiểu những phương pháp tiếp cận mới trong giảng dạy nên khi đọc thông tin về khóa học trên web, mình thấy rất muốn tham gia. Ban đầu có hơi căng về thời gian nhưng mình đã cố gắng thu xếp để có thể tham gia.
Cô Lê Thị Hồng Duyên
PV: Để tham gia khóa học có yêu cầu gì không?
Linh: Không có yêu cầu gì đặc biệt cả, chỉ cần gửi bài luận về lý do tham gia khóa học và CV. Tuy nhiên, bài luận các thầy cô cần viết rất rõ mục đích cũng như mong muốn của mình khi tham gia khóa học này, vì sao các thầy cô cho rằng khóa học này phù hợp với mình…
PV: Nếu muốn tham gia khóa học thì cần chuẩn bị những gì?
Duyên: Việc đầu tiên cần chuẩn bị đó là sắp xếp thời gian. Đối với các thầy cô, đặc biệt là với thầy cô giảng dạy ngoại ngữ, đó thực sự là một khó khăn, tuy nhiên thời gian tháng 5 tới cũng là lúc kết thúc học kỳ nên hy vọng với khóa 3 này các thầy cô sẽ có thể hoàn toàn chủ động được thời gian. Đợt mình học tháng 11 năm ngoái, mình đang phải đảm nhiệm 4 lớp trong 1 tuần, mình đã rất băn khoăn nhưng cuối cùng mình đã thu xếp dạy bù cho sinh viên để có thể tham gia đầy đủ cả khóa học. Ngoài ra, các thầy cô cũng cần chuẩn bị bài luận, CV theo yêu cầu đã được ghi rất rõ trên trang web.
Những ngày tại Ireland
PV: Chia sẻ về những trải nghiệm có được từ khóa học? Hai cô cảm thấy đã có thêm những kiến thức, kỹ năng mới nào?
Linh: Mình biết ở ULIS, rất nhiều thầy cô đi nước ngoài như “cơm bữa”, với cá nhân mình, đây là chuyến đầu tiên trải nghiệm ngoài lãnh thổ Việt Nam, nên bảo mình chia sẻ, thực lòng mình thấy hơi ngại 🙂 . Tuy nhiên, để trả lời đúng câu hỏi của bạn, mình có một chút chia sẻ như sau: với mình chuyến đi hơn cả sự mong đợi. Khóa học “Design thinking for your life” mình đăng kí đã cho mình những kiến thức rất mới mẻ, một khóa học mới và thực sự có giá trị cho sinh viên nên mình và Duyên đều lên kế hoạch áp dụng ngay để sinh viên ULIS cũng được thụ hưởng những khóa học bổ ích đó. Các giờ học tại University College Dublin không chỉ cho mình những kiến thức về khóa học mà còn về cách thức tổ chức lớp học, tổ chức các hoạt động trong bài học, các hoạt động này còn góp phần phát triển các kỹ năng mềm cho sinh viên – một trong những mục tiêu quan trọng mà ULIS đã và đang hướng tới.
Việc tham gia khóa học cũng cho mình cơ hội được trải nghiệm môi trường học tập cởi mở, hiện đại và đầy tính sáng tạo, từ những bài tập giảng viên giao khi thực tế tại bảo tàng đến việc trải nghiệm kính thực tế ảo, trò chuyện với Ms Robot Pepper… Tất cả đều rất tuyệt vời!
Hai tuần là chưa đủ để có thể tìm hiểu và học hỏi từ một nền giáo dục tiên tiến, một thành phố đầy tính nhân văn, hiện đại và giàu truyền thống, vì thế trong thời gian ngắn này, mình đã cố gắng tận dụng để tìm hiểu nhiều nhất có thể, ngay cả những lúc ngồi trên bus hay đi lang thang một mình, mình cũng cố gắng quan sát và ngấm từng chút một 🙂
Duyên: Vâng, đó là trải nghiệm mà 2 chị em có được trong chuyến đi Ireland và về khóa học mà chúng mình được học bên đó. Mình muốn chia sẻ thêm về khóa học mà chúng mình tham gia ở giai đoạn 1 tại Việt Nam. Trong suốt đợt học tập trung của khóa học này, mình đã học được rất nhiều bài học bổ ích cho việc phát triển cá nhân cũng như phát triển chuyên môn. Khóa học giúp mình nhìn nhận rõ hơn về lối tư duy hiện tại của bản thân cũng như hướng tới lối tư duy mới. Mình đã được học nhiều khái niệm mới như “design thinking”, “empathy”, “resilience”, … và quan trọng hơn là được trải nghiệm các khái niệm đó thông qua các hoạt động mà các thầy cô tổ chức cho lớp. Đó là những hoạt động tưởng như rất đơn giản nhưng lại giúp mình tiếp nhận kỹ năng một cách rất tự nhiên giúp mình sáng tạo hơn, tự tin hơn và tư duy mở hơn.
PV: Điều hai cô thích nhất hoặc ấn tượng nhất trong chuyến đi Ireland?
Linh: Môi trường học tập tuyệt vời, Campus rộng với rất nhiều tiện ích cho giảng viên và sinh viên, cơ sở vật chất và trang thiết bị đều rất hiện đại nhằm phát huy tối đa sự sáng tạo cho sinh viên. Còn về cảnh quan thì ngắn gọn là Dublin đẹp như một bức tranh!!!
Duyên: Chuyến đi Ireland lần này với mình vô cùng tuyệt vời vì mình được trải nghiệm không chỉ môi trường học tập khang trang, hiện đại và gần gũi thiên nhiên, những giờ học thú vị, sáng tạo mà còn được hiểu thêm nhiều nét văn hóa, cảnh đẹp và con người Ireland. Mỗi trải nghiệm đều để lại trong mình những ấn tượng thật sự khó quên.
“Sống ảo” tại Ireland
PV: Các cô sẽ chia sẻ những thông tin gì trong buổi tọa đàm 12/4 tới?
Linh: Mình và Duyên sẽ chia sẻ những thông tin cơ bản về khóa học, những trải nghiệm của tụi mình khi tham dự khóa 2 và một số bài học kinh nghiệm để những ai tham gia khóa 3 có thể biết và khắc phục.
Duyên: Đúng vậy, mình và chị Linh rất mong có thể chia sẻ thật nhiều đến các thầy cô trong trường mình để có nhiều người biết đến chương trình và sẽ có cơ hội được trải nghiệm những điều tuyệt vời mà hai chị em đã có được từ khóa học và chuyến đi Ireland vừa qua.
PV: Được biết hai cô đang áp dụng những kiến thức có được từ khóa học để xây dựng môn học phát triển kỹ năng cho sinh viên. Hai cô có thể chia sẻ thêm về dự định này?
Linh: Thực tế, những kiến thức về Design Thinking đã đang đươc áp dụng ở một số lớp học của mình rồi. Còn về khóa học “Design thinking for your life”, trước mắt, mình và Duyên sẽ xây dựng chương trình và áp dụng cho sinh viên CLC, sau đó sẽ áp dụng rộng rãi và dành cho tất cả sinh viên có nguyện vọng và đăng ký tham gia.
Duyên: Mình cũng muốn chia sẻ thêm, trong chuyến đi Ireland, mình và chị Linh đã có cơ hội tham gia học khóa học “Design thinking for your life”- được hiểu là môn học thiết kế cuộc đời. Đây được tính là một môn học tự chọn của SV ĐH Dublin. Thông qua khóa học, các bạn được hiểu hơn về giá trị của bản thân, có định hướng tốt hơn cho cuộc đời của mình và cảm thấy tự tin hơn. Mình rất mong sinh viên ULIS cũng sẽ nhận được những giá trị tương tự khi tham gia những khóa học kiểu như vậy. Chúng mình đã có buổi trao đổi cùng Thầy Tuấn Minh – Hiệu trưởng nhà trường và được Thầy rất ủng hộ và tạo điều kiện. Hy vọng chúng mình sẽ sớm đưa hoạt động này vào triển khai trong thực tế.
Linh: Nhân dịp này, một lần nữa, xin được cảm ơn thầy Hiệu trưởng đã tạo điều kiện cho em và Duyên được áp dụng những kiến thức được học từ khóa học cho sinh viên nhà trường. Trân trọng cảm ơn Thầy!!!
Khóa học “Nâng cao năng lực cho cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý của ĐHQGHN theo phương pháp tiếp cận tư duy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (tư duy hướng đến hiệu quả) nhằm thúc đẩy và tăng cường các kỹ năng trong thế kỷ 21 và nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong sinh viên” (Building capacity of academic staff members and senior leaders at Vietnam National University, Hanoi by entrepreneurial approach to foster 21st century skills and attributes in students) được triển khai nhằm tăng cường năng lực, trang bị kỹ năng và thúc đẩy tư duy đổi mới sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp cho đội ngũ cán bộ giảng dạy và quản lý của ĐHQGHN. Khóa học hướng tới hình thành cho người học khả năng thiết kế và trình bày về kinh nghiệm học tập theo cách riêng nhằm tạo ra tư duy sáng tạo trong một môi trường đa ngành; hiểu về sự tương ứng và tầm quan trọng của tư duy sáng tạo và cách áp dụng trong rất nhiều trường hợp để có kết quả như mong muốn; có khả năng sử dụng các công cụ và kỹ năng giải quyết vấn đề, hiểu được quy trình khởi phát và sử dụng các kỹ thuật sáng tạo trong khuôn khổ dự án; hiểu các nguyên tắc sư phạm chung trong bối cảnh tư duy đổi mới và sáng tạo; có kiến thức về các phương pháp và kỹ năng để khơi gợi tư duy sáng tạo; tham gia sâu hơn trong các quá trình sáng tạo và đổi mới từ một góc nhìn khác, đồng thời liên tục phát triển mạng lưới và xây dựng các kỹ năng thuyết trình và giao tiếp; có hiểu biết rộng hơn về hoạt động đổi mới sáng tạo và vai trò của nó trong bối cảnh dạy và học của sinh viên… Chương trình học được xây dựng dựa trên các phương pháp tiếp cận thực tiễn quốc tế tốt nhất cho việc giảng dạy và có học hỏi kinh nghiệm từ các tổ chức giáo dục và trường đại học danh tiếng như Đại học Stanford, Đại học Babson, Đại học Oxford và Đại học Kaos Pilots (Đan Mạch), cũng như tiếp cận nhiều phương pháp từ các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hoá. Khóa học được giảng dạy bởi các chuyên gia giáo dục hàng đầu của Ireland, đó là GS. Suzi Jarvis – Giám đốc sáng lập của Học viện Sáng tạo, ĐH UCD và TS. Colman Farrell – người giành giải thưởng Nhà Doanh nghiệp Xã hội. Các chuyên gia này đã triển khai thí điểm, phát triển và mở rộng chương trình cho hơn 500 cán bộ giảng dạy tại Ireland, Malaysia, Thụy Sĩ và Việt Nam. Khóa học được thực hiện theo cách tiếp cận thực tế, dựa trên hoạt động, đồng thời được thiết kế linh hoạt một cách có chủ đích nhằm tạo không gian cho người học tham gia đóng góp ý kiến và “cùng sáng tạo” nên khóa học. Tham gia chương trình này, học viên được cùng tham gia sáng tạo, các hoạt động đội nhóm, học thông qua thực hành và hoạt động lặp lại có chủ đích. Giảng viên cũng sẽ dẫn dắt vấn đề theo từng tình huống cụ thể, từ đó giúp học viên thực hành phản xạ; khợi gợi sự tò mò, ham học hỏi và tính sáng tạo. Một khía cạnh quan trọng của khóa học là thiết lập một cộng đồng học tập mang tính hỗ trợ. Người tham gia được chia thành các nhóm và hoạt động với một loạt các thách thức và các dự án lớn và nhỏ, để tìm hiểu và trải nghiệm các phương pháp tiếp cận mới cũng như phát triển ý tưởng của riêng mình. Cùng với sự hỗ trợ từ giảng viên giàu kinh nghiệm và chuyên môn, khi tham gia khóa học này, người học sẽ được gặp gỡ và học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với nhiều học viên khác cả trong nước và quốc tế – những người có nền tảng, kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm và cách nhìn nhận vấn đề khác nhau. Thông qua việc tham gia vào khóa đào tạo này, mỗi người tham gia đang đầu tư đáng kể cho sự phát triển nghề nghiệp của mình với là một nhà giáo dục và nâng cao năng lực cá nhân. Khóa học cung cấp cho người tham gia thời gian và không gian để phát triển khả năng sáng tạo, kích thích tư duy đổi mới sáng tạo và khả năng lãnh đạo, cũng như làm việc theo nhóm, khả năng thuyết trình, khả năng phục hồi và phương pháp tiếp cận trong học tập. Những người tham gia sẽ trải nghiệm “Thiết kế tư duy” (Design thinking), “Tư duy doanh nhân” (entreupreneurial mind-set) và các phương pháp tiếp cận mới trong giáo dục từ khắp nơi trên thế giới và khám phá những thách thức thay đổi hàng đầu. Học viên có cơ hội phát triển khả năng chuyên môn với tư cách là một nhà giáo dục, giúp họ thăng tiến trong sự nghiệp và cải thiện kết quả học tập của sinh viên. Học viên được hoạt động trong một môi trường đặc biệt, đầy tính thách thức (môi trường của sự sáng tạo, sự tò mò, khám phá, chấp nhận thử và sai), khuyến khích họ bước ra ngoài “vùng an toàn” để khám phá hết tiềm năng. Chương trình được thiết kế linh hoạt để tạo cơ hội cho học viên có thể tham gia “đồng xây dựng và sáng tạo” các hoạt động trong chương trình. Một số chủ đề học được tích hợp trong suốt chương trình bao gồm: Sự sáng tạo, Học về việc học; Khả năng lãnh đạo, dẫn dắt; Làm việc nhóm và Hợp tác; Đạt các kết quả sáng tạo; Kỹ năng giao tiếp; Phát triển mạng lưới; Cộng đồng thực hành; Khả năng tự chăm sóc và chịu đựng. (Theo VNU Media). |
Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media