Hội thảo Pháp ngữ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: Giảng dạy và đào tạo tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp trong bối cảnh đa ngôn ngữ
Ngày 13/11/2017, Trường đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Trung tâm Pháp ngữ châu Á-Thái Bình Dương (CREFAP/OIF) đã tổ chức khai mạc Hội thảo Pháp ngữ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với chủ đề “Giảng dạy và đào tạo tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp trong bối cảnh đa ngôn ngữ” tại hội trường Vũ Đình Liên.
Đến dự hội thảo có ông Phan Thanh Bình – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; Giám đốc Văn phòng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ OIF; Chánh Văn phòng Châu Á – Thái Bình Dương của Cơ quan Đại học Pháp ngữ AUF; Giám đốc Trung tâm tiếng Pháp Châu Á – Thái Bình Dương CREFAP/OIF; Đại sứ và nhân viên ngoại giao các nước tại Hà Nội.
Về phía Trường Đại học Ngoại ngữ có TS. Đỗ Tuấn Minh – Hiệu trưởng Nhà trường, PGS. TS. Ngô Minh Thủy – Phó Hiệu trưởng, đại diện lãnh đạo các đơn vị trong toàn trường cùng các đại biểu đăng ký tham gia.
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh đã gửi lời chào mừng đến các đại biểu tham dự đã đến tham dự hội thảo như một hành động vì sự nghiệp chung của khối Pháp ngữ và sự thịnh vượng của các dân tộc, đồng thời cảm ơn tổ chức CREFAP/OIF đã tin tưởng lần thứ 3 giao cho trường tổ chức hội thảo này.
Hiệu trưởng nhận định Hội thảo Pháp ngữ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với chủ đề “Giảng dạy và đào tạo tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp trong bối cảnh đa ngôn ngữ” có nhiều ý nghĩa trong hoạt động hỗ trợ nghiên cứu và giảng dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp. Do đó, ông mong rằng các đại biểu sẽ tận dụng cơ hội này để cùng tạo nên một hội thảo thành công rực rỡ.
Chương trình hội thảo diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 13-15/11/2017, với các báo cáo viên đến từ nhiều nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nội dung báo cáo tập trung vào 3 vấn đề: Những thách thức, hệ quả và tác động, cũng như những trở ngại và hạn chế của công tác giảng dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp trong bối cảnh đa ngôn ngữ, đa văn hóa của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; Đóng góp của các hoạt động thực tiễn mới trong các lĩnh vực giảng dạy và công nghệ thiết kế quy trình đào tạo; Đóng góp của công nghệ thông tin (TICE) trong việc đa dạng hóa các hoạt động trên lớp. Từ những phân tích đó, hội thảo có thể xây dựng các mô hình hành động dựa trên các tiêu chí và điều kiện cần thiết để chuyên nghiệp hóa các loại hình đào tạo ban đầu và liên tục hiện đang được triển khai trong các lĩnh vực nói trên.
Kết thúc hội thảo, các báo cáo đều được đánh giá cao về đề tài và chất lượng nội dung. Hội thảo đã tạo nên một không gian phát triển các đường hướng nghiên cứu và trao đổi giữa các nhà nghiên cứu, các giáo viên giảng dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Với sự tham gia của các chuyên gia ngôn ngữ và sư phạm, cùng các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu, những trao đổi này đang góp phần thúc đẩy tính năng động của công tác nghiên cứu, nhằm đáp ứng những đòi hỏi mới của khu vực.
Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media