Chia sẻ kinh nghiệm dạy và đánh giá sinh viên nhằm phát triển kỹ năng bổ trợ trong tổ chức dạy – học các môn chuyên môn – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Chia sẻ kinh nghiệm dạy và đánh giá sinh viên nhằm phát triển kỹ năng bổ trợ trong tổ chức dạy – học các môn chuyên môn

Ngày 11/01/2019, thực hiện kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm năm học, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo tập huấn về phát triển kỹ năng bổ trợ trong tổ chức dạy và học các môn chuyên môn cho lãnh đạo các đơn vị đào tạo.

Tham dự có Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh; Lãnh đạo Phòng Đào tạo, Phòng CT&CTHSSV, TT.ĐBCL; Toàn thể Ban Chủ nhiệm các khoa và bộ môn: Khoa SPTA, Khoa NN&VH CNNTA, Khoa Tiếng Anh, Khoa ĐT&BDNN, Khoa NN&VH Nga, Khoa NN&VH Pháp, Khoa NN&VH Trung Quốc, Khoa NN&VH Hàn Quốc, Khoa NN&VH Nhật Bản, Khoa NN&VH Đức, Bộ môn Tâm lý – Giáo dục học, Bộ môn NN&VH Việt Nam, Bộ môn NN&VH Ả Rập.

Phát biểu tại hội thảo, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh khẳng định để tồn tại và phát triển trong môi trường giáo dục cạnh tranh cao như hiện nay, Nhà trường phải cạnh tranh bằng việc đào tạo nên những sinh viên chất lượng. Trong môi trường học tập khang trang và hiện đại về cơ sở vật chất (tỷ lệ máy chiếu và điều hòa tại các phòng học là 100%, phủ sóng wifi miễn phí, có khu tự học riêng cho sinh viên, có nhà đa năng và sân vận động hiện đại, thư viện đa dạng các đầu sách, khuôn viên đẹp và rộng,…), ngoài trình độ ngoại ngữ cao, sinh viên ULIS được đào tạo các kỹ năng để thích ứng với môi trường làm việc hiện đại.

Với mục tiêu như vậy, trong thời gian qua, Nhà trường đã có một loạt các hành động thể hiện sự quyết tâm như: Thành lập Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên và Trung tâm Tư vấn học đường trực thuộc Phòng CT&CTHSSV; Ban hành Đề án Học tập qua trải nghiệm với Quy chế 1955 về công tác thực hành thực tập; Rà soát đề cương các môn học để xác định chuẩn đầu ra tối ưu; Định hướng phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên qua các hoạt động kiểm tra đánh giá; Bồi dưỡng và nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho giảng viên; Phát triển mạnh các hoạt động Đoàn Hội tiêu biểu là chương trình Đại sứ ULIS đã thể hiện được hiệu quả cao;… Nhờ vậy, sinh viên ULIS ra trường có tỷ lệ có việc làm cao với mức lương tốt.

Hoàn thành kiểm định chất lượng AUN-QA vào cuối năm 2018 và được đánh giá rất cao, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh tin rằng CTĐT CLC Ngôn ngữ Anh sẽ có nhiều điểm ưu việt có thể áp dụng vào các CTĐT, nhất là các CTĐT CLC mới. Do đó, Hiệu trưởng mong rằng các thầy cô lãnh đạo các đơn vị đào tạo sẽ tận dụng những buổi chia sẻ như thế này để học hỏi, nâng cao kỹ năng của bản thân và áp dụng sáng tạo, hiệu quả kinh nghiệm của các thầy cô Khoa SPTA vào việc quản lý và giảng dạy của mình.

Trong chương trình, các giảng viên Bộ môn Tiếng Anh CLC của Khoa SPTA đã chia sẻ những kinh nghiệm khi xây dựng, giảng dạy CTĐT CLC. Hai tiêu chuẩn được AUN-QA đánh giá cao nhất (Mức độ không có gì cần cải thiện thêm) của CTĐT CLC Ngôn ngữ Anh là Phương pháp dạy người học và Đánh giá sinh viên đã được TS. Nguyễn Thu Lệ Hằng truyền tải đến các thầy cô. Theo đó, triết lý của việc dạy học là phải theo phương pháp lấy người học làm trung tâm, trao quyền cho người dạy, giúp giảng viên phát huy tối đa các ưu điểm. Thiết kế hoạt động dạy và học để đánh giá người học chính xác nhất được xây dựng theo hai nguyên tắc là Nhằm đạt chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất (việc đào tạo kỹ năng và rèn luyện phẩm chất được thực hiện xuyên suốt các môn học) và Dựa trên nền tảng là triết lý giáo dục (Tạo ra cơ hội cho người học tương tác; gắn học tập với các tình huống/bối cảnh xã hội, phát huy tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của người học, mở cho mọi sáng tạo và mọi hình thức học tập). Bên cạnh đó cũng cần đảm bảo hai nguyên tắc về Đảm bảo độ khó tăng dần qua các kỳ học và Phát triển năng lực liên ngành thông qua dựa trên chủ điểm (Theme-based), dựa trên thể loại (Genre-based), dự án gắn với bối cảnh xã hội (Socially contextualized projects).

Cô Đỗ Hạnh Chi cũng đã giới thiệu đến các thầy cô về các bài tập minh họa với những ví dụ cụ thể sản phẩm bài tập của các em sinh viên. Những thắc mắc của các thầy cô cũng đã được giải đáp cụ thể.

Hội thảo tập huấn về phát triển kỹ năng bổ trợ trong tổ chức dạy và học các môn chuyên môn cho lãnh đạo các đơn vị đào tạo đã diễn ra trong bầu không khí tập trung, xây dựng và cởi mở. Những kinh nghiệm được chia sẻ chắc chắn sẽ giúp việc phát triển kỹ năng bổ trợ trong tổ chức dạy và học các môn chuyên môn ỏ trường có những đổi mới và chuyển biến tích cực.

Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media