Hội thảo quốc tế: “Giảng dạy – Nghiên cứu tiếng Pháp và Văn hóa Pháp ngữ” – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Hội thảo quốc tế: “Giảng dạy – Nghiên cứu tiếng Pháp và Văn hóa Pháp ngữ”

Ngày 26/08/2022, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ OIF, Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “Giảng dạy – Nghiên cứu tiếng Pháp và Văn hóa Pháp ngữ”. Đây là hoạt động nằm trong chương trình kỷ niệm 60 năm thành lập Khoa NN&VH Pháp và mở màn cho chuỗi sự kiện tiền Hội thảo khoa học quốc gia năm 2023 “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam” (UNC2023).

Tham dự hội thảo có đại diện đến từ các tổ chức, đại sứ quán, cơ quan, trường học và đặc biệt là các giáo sư, nhà giáo, nhà ngôn ngữ học, nghiên cứu sinh, sinh viên quan tâm.

Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông cho biết để chuẩn bị cho hội thảo, Nhà trường đã tổ chức 2 buổi sinh hoạt chuyên đề (3-4/8) về những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc viết luận khoa học và những vướng mắc trong nghiên cứu khoa học nói chung và giảng dạy tiếng Pháp nói riêng. Hội thảo này là cơ hội để các nhà ngôn ngữ, các chuyên gia về Giáo học pháp, giáo viên, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước trao đổi về các phương pháp và thực tế giảng dạy tiếng Pháp, về vai trò của Văn hóa Pháp ngữ trong nghiên cứu, giảng dạy tiếng Pháp hoặc thông qua tiếng Pháp, từ đó có thể điều chỉnh phương pháp giảng dạy và nghiên cứu để phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội, giáo dục và văn hóa Việt Nam, cũng như phù hợp sứ mạng, tầm nhìn và triết lý giáo dục “kiến tạo xã hội” với giá trị cốt lõi Đổi mới sáng tạo – Trách nhiệm quốc gia – Phát triển bền vững.

Được tổ chức theo hình thức kết hợp, hội thảo tập trung vào 5 chủ đề: Giảng dạy tiếng Pháp, Văn học Pháp ngữ học và văn hóa cộng đồng Pháp ngữ, Ngôn ngữ học, Dịch thuật. 

Với sự tham gia của rất nhiều giảng viên, nhà nghiên cứu đến từ 9 quốc gia trong khu vực và trên thế giới, Hội thảo đã trở thành nơi mà các giảng viên, nhà khoa học giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi ý tưởng, phương pháp, kết quả nghiên cứu, đồng thời tạo lập một mạng lưới kết nối rộng lớn các nhà nghiên cứu về tiếng Pháp, giảng dạy tiếng Pháp và Văn hóa các nước cộng đồng Pháp ngữ.

Đã có 3 báo cáo tham luận được trình bày tại phiên toàn thể, bao gồm: Giảng dạy về văn hóa các nước Pháp ngữ (L’enseignement des cultures francophones en question) – GS. Pierre MARTINEZ; Nhìn về việc dạy học tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp tại Việt nam. Cách tiếp cận lịch đại và triển vọng tương lai (Regard sur l’enseignement-apprentissage du et en français au Vietnam. Approche diachronique et perspectives d’avenir) – PGS. Trần Đình Bình; Những lưu ý khi viết nghiên cứu bằng tiếng Pháp (Écrire la recherche en français: Que prendre en compte ?) – TS. Phạm Đức Sử.

Ngoài ra, có 61 báo cáo được trình bày tại 5 tiểu ban (Bao gồm các tiểu ban: Giảng dạy tiếng Pháp; Giảng dạy tiếng Pháp chuyên ngành; Đổi mới trong giảng dạy; Văn học, Pháp ngữ học và kỹ năng liên ngành; Ngôn ngữ học và Dịch thuật). Những nghiên cứu, kinh nghiệm, đề xuất được trình bày bởi các học giả trong nước và quốc tế đem lại kiến thức bổ ích, góc nhìn mới mẻ cho các đại biểu.

Hội thảo quốc tế “Giảng dạy – Nghiên cứu tiếng Pháp và Văn hóa Pháp ngữ” khép lại sau thời gian làm việc tích cực. Hoạt động trong khuôn khổ kỷ niệm 60 năm thành lập Khoa NN&VH Pháp sẽ tiếp tục được tổ chức trong ngày 27 và 28/8.

Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội – tiền thân là phân Khoa tiếng Pháp, Trường Đại học Sư phạm, thành lập năm 1962 – luôn được biết đến là một trong những đơn vị giảng dạy bậc đại học có uy tín tại Việt Nam. Các cựu sinh viên của Khoa đã và đang hoạt động năng nổ trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trong và ngoài nước.

Năm nay, Khoa kỷ niệm 60 năm thành lập. Ngày hội mang tên Khoa Pháp – Một ngôn ngữ – Ngàn cánh cửa, diễn ra vào các ngày 26-27-28 tháng 8 năm 2022 nhằm tôn vinh truyền thống lâu đời và đáng tự hào của Khoa, kết nối các hệ giảng viên, sinh viên, đồng thời kết hợp Khoa với các doanh nghiệp tạo đà hợp tác và phát triển trong tương lai. Bên cạnh đó, sự kiện này cũng góp phần khẳng định vai trò của tiếng Pháp, ngôn ngữ giúp chúng ta tiếp cận nhiều giá trị khác nhau trong cuộc sống, cũng như nhiều kiến thức văn hóa nghệ thuật đầy màu sắc.

Những không gian văn hóa trong lễ kỷ niệm phản ánh sự đa dạng của các quốc gia, giúp người xem tiếp cận với các giá trị văn hóa, văn minh của Pháp và cộng đồng Pháp ngữ. Chương trình sẽ có sự tham gia của đại diện các tổ chức Pháp ngữ (OIF, AUF), Đại sứ quán các nước có sử dụng tiếng Pháp tại Việt Nam, các phái đoàn ngoại giao, đại diện nhiều trường đại học giảng dạy tiếng Pháp, đại diện doanh nghiệp và nhà tuyển dụng, cũng như của toàn thể cán bộ, giảng viên, cựu giáo chức, sinh viên, cựu sinh viên.

Chuỗi hoạt động kỷ niệm sẽ mở màn vào ngày 26 tháng 8 với Hội thảo Quốc tế về giảng dạy-nghiên cứu tiếng Pháp và văn hóa Pháp ngữ. Hội thảo sẽ quy tụ nhiều nhà nghiên cứu uy tín trong và ngoài nước với hàng chục báo cáo chất lượng về tình hình dạy-học tiếng Pháp, nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa, văn minh Pháp ngữ. Gala giao lưu văn hóa văn nghệ mang đậm tính nghệ thuật, tổ chức vào tối 27 tháng 8, kỳ vọng sẽ kết nối tâm hồn của rất nhiều thế hệ giảng viên và sinh viên đã và đang gắn bó với khoa Pháp.

Điểm nhấn của chương trình là Lễ kỷ niệm diễn ra trọng thể vào sáng ngày 28 tháng 8 song song với các hoạt động ngoài trời được chia thành nhiều không gian khác nhau :

– Khoa Pháp – 60 năm xây dựng và trưởng thành

– Nhìn ra thế giới

– Cơ hội nghề nghiệp, học tập và trải nghiệm

– Văn học – nghệ thuật – di sản

– Ẩm nhạc và Ẩm thực.

Tất cả hứa hẹn sẽ mang đến cho người tham gia những cảm nhận khác biệt về Khoa  Pháp, tiếng Pháp và cộng đồng Pháp ngữ.

Lễ kỷ niệm là điểm đến đầy hứa hẹn cho các thế hệ giảng viên, sinh viên của Khoa, cũng như những người quan tâm đến tiếng Pháp và mong muốn làm việc và học tập tại Khoa Pháp trong tương lai.

Ngày hội cũng là dịp để chúng ta gặp lại nhau, ôn lại những kỷ niệm đã qua, cùng thảo luận, trao đổi suy nghĩ về những định hướng cho tương lai.

Một số hình ảnh khác:

ULIS Media