Bối cảnh, tình hình Đảng bộ Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Bối cảnh, tình hình Đảng bộ Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN trong nhiệm kỳ 2020 – 2025

  • Tình hình quốc tế

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0) đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống, xã hội, trong đó có giáo dục – đào tạo, đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải đổi mới về nội dung và phương thức giáo dục – đào tạo cho phù hợp.

 

Quá trình hội nhập, quốc tế hoá trong mọi lĩnh vực của xã hội có tác động mạnh mẽ đối với hoạt động giáo dục và đào tạo trong đó có hoạt động giáo dục ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học.

Hiện nay, giáo dục ngoại ngữ có những thay đổi quan trọng về nhận thức luận, không chỉ giúp người học phát triển phương tiện giao tiếp, mà còn giúp người học phát triển tầm nhìn, năng lực, tư duy độc lập, phê phán, cũng như việc hình thành những giá trị nhân văn. Thay đổi để thực hiện được nhận thức mới cũng là một thách thức với các trường đại học ngoại ngữ truyền thống ở Việt Nam và một số quốc gia khác.

  • Tình hình trong nước

Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu rõ: “ Đối với giáo dục đại học, tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học. Hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia; trong đó, có một số trường và ngành đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế. Đa dạng hóa các cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển công nghệ và các lĩnh vực, ngành nghề; yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế”.

“Luật Giáo dục Đại học” được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2019; Nghị định số: 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ về: “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học”. Những văn bản này tạo ra những khung pháp lý quan trọng có tính bước ngoặt trong phát triển giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Đây cũng là cơ sở cho sự đổi mới về giáo dục đào tạo trong những năm tới.

Nghị định số 186/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Đại học Quốc gia và Quyết định số 26/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế về Tổ chức và Hoạt động của Đại học Quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên làm tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho ĐHQGHN và các trường đại học thành viên.

Trường Đại học Ngoại ngữ là một trong những thành viên sáng lập của ĐHQGHN. ĐHQGHN là đại học hàng đầu của Việt Nam với tầm nhìn: “Trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực có tính hội nhập cao, trong đó một số trường đại học, viện nghiên cứu thành viên thuộc các lĩnh vực khoa học cơ bản, công nghệ cao và kinh tế – xã hội mũi nhọn, đạt trình độ tiên tiến hàng đầu châu Á”, và sứ mệnh: “Đào tạo nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao trí thức đa ngành, đa lĩnh vực; góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước; làm nòng cột và đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam”.

Sự cạnh tranh các nguồn lực, nhất là đội ngũ giảng viên, nghiên cứu, người học, và các nguồn lực tài chính, trong lĩnh vực giáo dục đại học ngày càng quyết liệt, vừa là một thách thức và cơ hội phát triển cho các trường đại học muốn trở thành các tổ chức năng động, sáng tạo, có khả năng giải quyết các vấn đề mà xã hội đặt ra.

Giáo dục ngoại ngữ ngày càng nhận được sự quan tâm của Chính phủ. Ngày 22/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2080/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2017 – 2025. Ngày 19/11/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1659/QĐ-TTg phê duyệt  Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 – 2030”.

  • Tình hình Đảng bộ

Đảng bộ Trường ĐHNN-ĐHQGHN hiện có 21 chi bộ đảng với 378 đảng viên, trong đó có 329 đảng viên chính thức và 49 đảng viên dự bị. Đảng bộ Nhà trường là một khối đoàn kết, trong sạch, vững mạnh. Mỗi đảng viên luôn ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong mọi hoạt động của Đảng bộ và Nhà trường. Các đồng chí bí thư chi bộ hầu hết thực hiện vai trò người đứng đầu của các đơn vị và thực sự gương mẫu trong công tác, nhanh chóng và hiệu quả trong việc đưa các nghị quyết của Đảng uỷ vào thực tế.