Tọa đàm đóng góp ý kiến cho Nghị quyết 29/NQTW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Ngày 13/12/2016, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm nhằm đóng góp ý kiến cho Nghị quyết 29/NQTW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Buổi lễ do Ban chấp hành Công đoàn trường và Ban chấp hành Công đoàn Hội cựu giáo chức phối hợp tổ chức. Tới dự tọa đàm có ông Trần Huy Hổ – Tổng thư ký Hội cựu giáo chức ĐHQGHN, ông Trần Phú – Phó Chủ tịch Hội cựu giáo chức Trường ĐHSPHN, ông Nguyễn Văn Lợi – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHNN, ông Trần Hữu Luyến – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐHNN và các thành viên trong Ban chấp hành Công đoàn, Hội cựu giáo chức, khách mời trong và ngoài trường.
Thay mặt Ban tổ chức, ThS. Nguyễn Văn Đoàn đã trân trọng gửi lời cảm ơn tới các nhà giáo, nhà khoa học, các cán bộ quản lý đã tới dự và đóng góp ý kiến cho buổi tọa đàm. Ông Nguyễn Công Nhàn – Chủ tịch Hội cựu giáo chức là người điều hành chương trình.
Nghị quyết 29/NQTW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kí ban hành tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Năm 2013) với nội dung Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Buổi tọa đàm đóng góp ý kiến cho nghị quyết này đã diễn ra trong không khí sôi nổi với tinh thần xây dựng cao. Cụ thể, đã có 5 báo cáo được trình bày về các vấn đề như: Công tác đào tạo cán bộ, Sử dụng khoa học công nghệ trong giáo dục, Đổi mới cơ bản toàn diện giáo dục, Một số nguyên nhân và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, Một số loại hình đánh giá chất lượng trong giáo dục đào tạo. Các báo cáo này đều thu hút sự chú ý theo dõi và phản hồi tích cực của đông đảo thành viên tham dự.
Cũng trong buổi tọa đàm, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến, quan điểm về vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Các góp ý được đưa ra với mong muốn xây dựng một nền giáo dục hiện đại, vừa đáp ứng yêu cầu của xã hội vừa đảm bảo được các yếu tố truyền thống, nhân văn.
Sau phần thảo luận sôi nổi, buổi tọa đàm đã chính thức khép lại. Các đề xuất được đưa ra sẽ được gửi lên Ban Khoa giáo Trung Ương để tổng kết, xem xét.
Nguyễn Thủy – Việt Khoa/ULIS Media