Tiến sĩ Đào Thị Tuyết Nhung và những kỳ vọng của Cộng đồng chuyên môn Kinh tế – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Tiến sĩ Đào Thị Tuyết Nhung và những kỳ vọng của Cộng đồng chuyên môn Kinh tế

Vào ngày 9/11/2021, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh đã ký quyết định về việc thành lập cộng đồng chuyên môn Kinh tế tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Cộng đồng gồm 10 thầy cô đến từ Khoa Đào tạo và Bồi dưỡng Ngoại ngữ và Khoa Sư phạm Tiếng Anh.

Để tìm hiểu về cộng đồng chuyên môn Kinh tế, hãy cùng ULIS Media trò chuyện với Trưởng nhóm là TS. Đào Thị Tuyết Nhung.

Xin chào chị. Chị có thể cho biết cộng đồng chuyên môn Kinh tế được thành lập với nhiệm vụ gì và tại sao chị lại có ý tưởng thành lập cộng đồng này không?

Cộng đồng chuyên môn Kinh tế được thành lập với định hướng tạo ra một môi trường học thuật đa dạng về lĩnh vực Kinh tế nói chung. Đây là nơi những học giả, giảng viên, nhà nghiên cứu có đam mê giảng dạy, nghiên cứu các vấn đề trong lĩnh vực kinh tế có thể trao đổi, giao lưu, học hỏi lẫn nhau. 

Khi ý tưởng thành lập cộng đồng chuyên môn Kinh tế ra đời, mình đã rất mong muốn rằng, trong một môi trường thuần về Ngôn ngữ như ULIS, nếu có thể phát triển thêm 1 lĩnh vực học thuật như Kinh tế thì thực sự đây có thể là một sự khác biệt, một điểm nhấn mới ở ULIS.

Cô Đào Thị Tuyết Nhung là tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế

Kế hoạch của cộng đồng trong thời gian tới là gì?

Kế hoạch tới của cộng đồng là hướng tới củng cố và phát triển mạnh mẽ hơn nữa lĩnh vực học thuật kinh tế ở ULIS. Bước đầu có thể là dần xây dựng các buổi workshop, tọa đàm, hội thảo liên quan đến các chủ đề kinh tế nói chung, nhằm lan toả những khía cạnh thú vị, và thực tiễn ở lĩnh vực kinh tế đến các ULISer. Sau đó, cộng đồng sẽ hướng tới mục tiêu tham gia các hội thảo khoa học lớn quốc tế, hay có các sản phẩm công bố báo quốc tế, mục tiêu phát triển cộng đồng bền vững hơn. Về giảng dạy, cộng đồng chuyên môn cũng mong muốn xây dựng được các hệ thống môn học và bài giảng phù hợp, phong phú, thú vị và thực tiễn cho sinh viên ULIS, đặc biệt là sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ nói chung, những bạn không có nhiều nền tảng về lĩnh vực kinh tế.

Chị có thể giới thiệu đôi chút về việc lựa chọn thành viên cho nhóm được không?

Thực sự cũng không có khó khăn nào trong việc lựa chọn thành viên nhóm. Môi trường cộng đồng chuyên môn được xây dựng và phát triển theo định hướng mở, khuyến khích mọi người tham gia để chia sẻ, trao đổi một cách cởi mở và thoải mái nhất. Vậy nên, bất cứ cá nhân nào có đam mê hay yêu thích về các khía cạnh trong lĩnh vực kinh tế đều có thể tham gia. May mắn là khi thành lập cộng đồng chuyên môn Kinh tế, đã có rất nhiều thầy cô trong trường đăng ký tham gia một cách tự nhiên và tích cực nhất. Các thầy cô đều là những thầy cô đang giảng dạy trong lĩnh vực này và muốn phát triển chuyên môn của mình hơn nữa khi tham gia cộng đồng chuyên môn Kinh tế.

Là trưởng nhóm, chị có kỳ vọng như thế nào về sự phát triển của cộng đồng Kinh tế?

Mình kỳ vọng môi trường cộng đồng chuyên môn sẽ mang đến cho các thành viên được sự hứng khởi và những thành quả tốt đẹp. Những thành quả ở đây có thể là các toạ đàm, workshop, hội thảo chuyên đề để mọi người có môi trường chia sẻ, trao đổi, bổ sung kiến thức cho nhau. Tiếp theo, cộng đồng hướng tới mục tiêu cao hơn là có các sản phẩm công bố quốc tế. Những điều trên nhằm nâng cao và củng cố kiến thức chuyên môn của mỗi thành viên qua từng giai đoạn phát triển của cộng đồng.

Cô tốt nghiệp Đại học Hull, Vương quốc Anh

Chị cảm thấy việc Nhà trường có chủ trương phát triển các cộng đồng chuyên môn sẽ có lợi ích như thế nào?

Đến hiện nay thì đã có gần 20 cộng đồng chuyên môn đã được thành lập, và con số được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng lên nữa. Mỗi một cộng đồng chuyên môn lại mang một màu sắc riêng và rất đặc biệt. Việc phát triển các cộng đồng chuyên môn thực sự là một sự đổi mới của Nhà trường nhằm tạo điều kiện, môi trường riêng biệt, đặc thù cho mỗi lĩnh vực phát triển một cách cụ thể, và chuyên biệt nhất. Từ đó tăng hiệu quả phát triển từng ngạch nhỏ trong học thuật, giáo dục và đào tạo. Vì vậy, theo mình thấy, lợi ích tức thì được mang lại là mỗi một nhóm ngành nhỏ trong nhà trường sẽ được chuyên môn hoá, được phát triển tốt nhất và mang lại kết quả cao nhất, tạo nên một môi trường giáo dục phát triển đồng nhất, đa ngành nghề và bền vững ở ULIS.

Câu hỏi ngoài lề một chút, thời gian vừa qua chị đã hướng dẫn nhiều đề tài nghiên cứu sinh viên đạt thành tích cao (1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 1 giải 3 cấp ĐHNN, 1 Top 6 VNU, và 1 Top 10 Bộ KHCN). Từ đâu chị có nhiều động lực để làm vậy và kinh nghiệm hướng dẫn của chị cho sinh viên?

Xuất phát từ đam mê làm việc và cống hiến hết mình cho công việc thôi (cười). Thực sự thì mình cũng rất may mắn khi được làm việc trong môi trường mà được ban lãnh đạo Khoa, và Ban Lãnh đạo Nhà trường tạo mọi điều kiện để mình được làm việc một cách tốt nhất. Các em sinh viên thì đều rất giỏi giang, nhanh nhẹn và thông minh. Nên là quá trình hướng dẫn của mình cũng không có gì áp lực, mọi thứ diễn ra rất tự nhiên và cứ thế gặt hái được các thành quả như vậy (cười).

Hy vọng với sự quyết tâm và nhiệt huyết, TS. Đào Thị Tuyết Nhung cùng 9 thành viên của mình sẽ phát triển thật tốt cộng đồng chuyên môn Kinh tế, trở thành những người đồng hành, kết nối cộng đồng thông qua việc lan tỏa tri thức trong lĩnh vực của mình. Từ đó, cộng đồng sẽ có những chiến lược phát triển dài hạn cũng như tham mưu cho nhà trường trong các hoạt động giảng dạy môn học liên quan.

ULIS Media