Chia sẻ của giáo sinh ULIS khi tham gia Đề án Ba Vì năm học 2020-2021 – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Chia sẻ của giáo sinh ULIS khi tham gia Đề án Ba Vì năm học 2020-2021

Đề án nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh tại Ba Vì là sự hợp tác giữa Trường ĐH Ngoại ngữ và Huyện Ba Vì. Tới nay, Đề án đã được triển khai 3 năm liên tiếp và phát huy trách nhiệm cộng đồng của Nhà trường, tạo cơ hội để sinh viên phát triển, rèn luyện chuyên môn, kỹ năng và tích lũy trải nghiệm. Mới đây, ULIS Media đã có cơ hội trò chuyện với một số bạn giáo sinh đang tham gia đề án để lắng nghe những chia sẻ, cảm xúc của các bạn về đề án này. 

Pv: Xin chào các bạn, cảm ơn các bạn vì đã nhận lời tham gia cuộc phỏng vấn này. Trước hết các bạn có thể cho biết bạn đang tham gia thực địa tại ngôi trường nào được không?

Nguyễn Linh: Em đang tham gia thực địa tại trường THCS Cổ Đô.

Thùy Trang: Ngôi trường em đang thực địa là trường THCS Châu Sơn.

Ngọc Huyền: Em thực địa tại trường Tản Đà – Tây Đằng.

Thu Hà: Đó là trường THCS Ba Trại ạ.

Thu Huyền: Em tham gia thực địa tại trường THCS Phú Đông ạ.

Pv: Các bạn có mong muốn, kỳ vọng gì khi tham gia vào đề án không? 

Nguyễn Linh: Em hi vọng đây là một cơ hội tốt để mình có thể trải nghiệm và học tập nhiều hơn các kĩ năng sư phạm và làm việc với các bạn học sinh đồng thời  góp một phần sức nho nhỏ giúp đỡ và lan tỏa niềm yêu thích tiếng Anh tới các bạn ở trường Trung học cơ sở. 

Thùy Trang: Khi tham gia đề án, điều đầu tiên mà em mong muốn đó là đem lại nhiều hoạt động bổ ích cũng như niềm vui cho các em học sinh trong việc học tiếng Anh nói riêng, đồng thời giúp các em bước qua vùng an toàn của chính mình để phát triển bản thân. 

Ngọc Huyền: Tham gia Đề án Ba Vì đã giúp em tiếp cận gần hơn, hiểu hơn về tâm lý các trẻ từng lứa tuổi, học hỏi cách dạy phù hợp cũng như những điều trẻ mong muốn ở mỗi lớp Tiếng Anh. Từ đó có thể giúp các em ở Ba Vì cảm thấy hứng thú và yêu thích học Tiếng Anh hơn và không sợ nó nữa ạ.

Thu Hà: Em đăng kí tham gia Đề án Thực địa Ba Vì đơn giản với mong muốn được đem những kiến thức  mà mình học được vào thực hành tại một ngôi trường thực tế, một dự án giáo dục thực tế. Em hi vọng mình có thể học hỏi được từ thầy cô, qua đó tự rút kinh nghiệm cho mình để có những trải nghiệm đứng lớp hiệu quả sau này.

Thu Huyền: Em tham gia Đề án với một tâm thế, tinh thần sẵn sàng học hỏi và rút kinh nghiệm. Em kỳ vọng rằng mình có thể học thêm được nhiều kinh nghiệm đứng lớp, đồng thời trở nên tự tin hơn; làm việc với nhiều thầy cô, anh chị khóa trên và gặp gỡ các em học sinh của tỉnh Ba Vì.  

                         Bạn Nguyễn Thị Linh – giáo sinh tại trường THCS Cổ Đô

Pv: Cảm nhận của bạn sau khi tham gia thực địa là gì? 

Nguyễn Linh:  Em cảm nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình từ cô giảng viên hướng dẫn, các thầy cô ở trường trung học cơ sở. Các bạn học sinh cũng khá vui mừng với sự xuất hiện của cô giảng viên và các giáo sinh, các bạn tham gia hoạt động khá là tích cực. Chính điều này cũng thôi thúc bản thân mình cần phải cố gắng hơn nữa để giúp các bạn học sinh nơi đây.

Ngọc Huyền: Trước đó em rất hồi hộp và lo mình sẽ làm không tốt. Nhưng nhờ sự cố gắng cũng như sự động viên từ các bạn cùng nhóm và thầy hỗ trợ, các buổi em dạy diễn ra nhẹ nhàng và thoải mái. Năm nay là năm đầu em tham gia, các bé rất ngoan và thông minh, nhiệt tình hưởng ứng. Em cũng cảm nhận được sự ham học, yêu thích ngoại ngữ cùng mong muốn học tốt của các bé. 

Thu Hà: Năm nay là năm thứ ba của em với Đề án, em cảm thấy may mắn vì mình đã có một quyết định đúng đắn khi đăng kí. Em đã học được rất nhiều điều từ chính các bạn sinh viên cùng nhóm và giảng viên hướng dẫn cho đến các em học sinh dễ thương ở huyện Ba Vì. Dù dự án được triển khai online nhưng em vẫn dành rất nhiều tình cảm cho các thầy cô và học sinh ở THCS Ba Trại. 

Thu Huyền: Em cảm nhận được thêm niềm yêu thích đối với công việc giảng dạy và đứng lớp. Các bạn học sinh ở đây, dù ở trình độ nào cũng rất thân thiện, nhiệt tình và chào đón, khiến chúng em cảm thấy mình đang đi trên đúng hành trình. 

Pv: Khi tham gia đề án, bạn thấy bản thân đã phát triển và tiến bộ như thế nào? 

Nguyễn Linh: Sau một tuần ngắn ngủi tham gia đề án, em thấy bản thân đã tiếp thu được các kĩ năng sư phạm trong các lớp học online. Mình cũng học được các cách chuẩn bị bài, lên hoạt động sao cho phù hợp với các bạn học sinh và đặc biệt là quan sát và lắng nghe các bạn học sinh nhiều hơn. 

Thùy Trang: Em thấy bản thân mình trưởng thành hơn từ suy nghĩ đến hành động. Và qua 1 tuần tham gia đề án, em cũng đã phần nào hiểu được nỗi lòng của các thầy cô khi đứng trên bục giảng. 

Ngọc Huyền: Qua một tuần tham gia đề án, em cảm thấy mình nhiệt huyết trong việc dạy học hơn và càng mong muốn mang khả năng, kiến thức của mình đến cho nhiều em nhỏ. Em sẽ cố gắng tạo ra những tiết học thú vị để các em cảm thấy yêu thích môn tiếng Anh và gắn bó với nó.

Thu Hà: Em nghĩ mình có nhiều trải nghiệm thực tế hơn, đúng như những gì em mong đợi khi đăng kí tham gia đề án. Bên cạnh những kinh nghiệm liên quan đến chuyên ngành như kĩ năng xây dựng giờ học, kĩ năng tương tác với học sinh, … em cảm thấy mình tự tin hơn khi giảng. 

Thu Huyền: Sau khi bước vào Đề án, em đã được làm quen, học hỏi và rút kinh nghiệm rất nhiều, được truyền thêm động lực và cảm hứng để tiếp tục theo đuổi nghề giáo. Hơn nữa, em cũng thấy tự tin hơn và tích lũy được nhiều trải nghiệm khi được gặp gỡ, làm quen với các thầy cô, các bạn giáo sinh và các em học sinh Ba Vì. 

                 Nguyễn Thị Ngọc Huyền – giáo sinh tại trường Tản Đà – Tây Đằng

Pv: Các bạn có muốn nhắn nhủ gì tới các bạn sinh viên đang và sẽ tham gia đề án không? 

Thùy Trang: Khởi đầu nào cũng có khó khăn, tuy nhiên hãy cứ lạc quan và bước tiếp trên hành trình của mình các bạn nhé! Kết quả sẽ khiến chúng ta bất ngờ đó. 

Thu Hà: Chuyến thực địa theo Đề án sẽ là một quãng thời gian đẹp trong thời sinh viên của các bạn! Tất cả đã chờ đợi bạn ở trước, các em học sinh dễ mến, các thầy cô với những nụ cười ấm áp, các giảng viên ULIS luôn nhiệt tình và cởi mở. Quan trọng là bạn có muốn bước ra khỏi vùng an toàn của mình để thực sự dấn thân hay không. Chúc các bạn sẽ có một trải nghiệm thật ý nghĩa.

Thu Huyền: Các bạn hãy mang trong mình một tâm thế rộng mở, sẵn sàng học hỏi, vì mình tin rằng Đề án Ba Vì của trường Đại học Ngoại Ngữ sẽ là một trải nghiệm vô cùng đáng nhớ trong quãng đời sinh viên của các bạn. Không chỉ tích lũy cho mình thêm nhiều kinh nghiệm giảng dạy, giao tiếp, mở rộng network, mà các bạn còn thu về rất nhiều lợi ích cho một hồ sơ thực tập xịn sò đấy! 

                             Nguyễn Thu Hà – giáo sinh tại trường THCS Ba Trại 

Pv: Bạn có mong muốn, đề xuất gì cho những đợt thực địa sắp tới không? 

Nguyễn Linh: Em hi vọng trong các đợt thực địa sẽ vẫn luôn nhận được sự đồng hành và hỗ trợ sát sao của ban chỉ đạo. Hi vọng chúng em sẽ có cơ hội về các trường để gặp mặt và tương tác trực tiếp với các thầy cô và các bạn học sinh. 

Ngọc Huyền: Em mong muốn nếu đợt thực địa tới được thực hiện trực tiếp tại các trường, các giáo sinh sẽ hợp tác theo nhóm và tạo ra các sân chơi, cuộc thi Tiếng Anh ngay trong các lớp để khuyến khích, trao quyền cho các bé, giúp các bé hứng thú với việc học hơn ạ. 

Thu Huyền: Em hy vọng rằng đợt thực địa tiếp theo chúng em sẽ được trực tiếp gặp gỡ và làm việc với các thầy cô cũng như các bạn học sinh Ba Vì. Em cũng mong mình sẽ luôn giữ được sự nồng nhiệt, truyền động lực cảm hứng học tập tới các em học sinh.

               Nguyễn Thu Huyền cùng các em học sinh tại trường THCS Phú Đông

Cảm ơn các bạn vì cuộc trò chuyện!

Khánh Huyền – ULIS Media