Sinh viên ULIS tìm hiểu ngôn ngữ sử dụng trong làm đẹp đô thị và trật tự cộng đồng trong đời sống xã hội Thái Lan cùng Giáo sư Đại học Harvard – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Sinh viên ULIS tìm hiểu ngôn ngữ sử dụng trong làm đẹp đô thị và trật tự cộng đồng trong đời sống xã hội Thái Lan cùng Giáo sư Đại học Harvard

Ngày 5/3/2022, sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã có buổi học và giao lưu với Giáo sư Michael Herzfeld, đến từ Khoa Nhân học Trường Đại học Harvard, Mỹ.

Buổi diễn thuyết với chủ đề “Ánh xạ ngữ nghĩa và các khái niệm trừu tượng: Làm đẹp đô thị và Trật tự cộng đồng trong đời sống xã hội Thái Lan” nằm trong chương trình học của môn học Tìm hiểu về cộng đồng châu Á (FLF1004***).

Tham dự chương trình có TS. Chử Thị Bích – Trưởng Bộ môn NN&VH Việt Nam, TS. Trần Hữu Trí – Giảng viên phụ trách môn học, TS. Phan Thị Huyền Trang – Giảng viên Bộ môn NN&VH Việt Nam cùng các sinh viên đăng ký môn học.

TS. Chử Thị Bích phát biểu trước buổi thuyết trình

GS. Michael Herzfeld giới thiệu về chuyên đề

Buổi học được dạy bằng song ngữ Anh – Việt

Giáo sư Michael Herzfeld là giảng viên đang giảng dạy tại Trường Đại học Harvard, Mỹ từ năm 1991 với nhiều vị trí và vai trò khác nhau ở Trung tâm Châu Á, Khoa quy hoạch và thiết kế đô thị, Khoa xã hội học, Khoa Nhân học… Các nghiên cứu của ông ở Mỹ, Hy Lạp, Ý và Thái Lan gần đây nhất đã đề cập đến tác động xã hội và chính trị của việc bảo tồn và tiến bộ hóa lịch sử, động lực của chủ nghĩa dân tộc cũng như kiến ​​thức dân tộc học giữa các nghệ nhân và giới trí thức. Nhiều nghiên cứu của ông đã hoặc đang được dịch sang tiếng Bungary, Catalan, Trung Quốc, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Serbia, Tây Ban Nha và Việt Nam, … Ông có thể giảng dạy và xuất bản các nghiên cứu bằng tiếng Pháp, Hy Lạp, Ý. , và tiếng Thái ngoài tiếng Anh.

Trong buổi học, Giáo sự Michael Herzfeld đã giới thiệu với sinh viên ULIS những khái niệm về ánh xạ ngữ nghĩa, các khái niệm trừu tượng về quan niệm làm đẹp và trật tự cộng đồng đô thị ở Thái Lan. Ông khẳng định ‘tính thẩm mỹ’ theo quan điểm của người Thái Lan rất đặc biệt, có tính giai cấp và thường chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Ông cũng nêu các ví dụ thực tế về các từ chỉ cái đẹp, trang phục đẹp, món ăn đẹp, giấy vệ sinh đẹp, tòa nhà đẹp … trong đời sống đô thị của người Thái Lan.

Buổi học và giao lưu với Giáo sư Michael Herzfeld đã khép lại với nhiều kiến thức thú vị và bổ ích cùng với sự giải đáp tận tình nhiều câu hỏi của các bạn sinh viên tham gia buổi học. Sắp tới, sinh viên đăng ký học môn “Tìm hiểu về cộng đồng châu Á” cũng sẽ được tham gia ‘Cuộc thi thuyết trình Tìm hiểu cộng đồng Châu Á’ trước khi kết thúc học phần này trong học kỳ II năm học 2021-2022.

Một số hình ảnh khác:

Dự án xây dựng và giảng dạy môn học “Tìm hiểu cộng đồng châu Á” được hỗ trợ bởi Quỹ One Asia (từ năm 2020 đổi tên thành Quỹ Eurasia Foundation from Asia) nhằm nâng cao kiến thức về cộng đồng châu Á. Tính đến tháng 2 năm 2022, môn học đã được đào tạo tại 665 trường đại học của 57 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Sau 2 năm thực hiện thí điểm tại trường vào năm 2016 và 2017, Nhà trường đã chính thức thông qua đề cương học phần “Tìm hiểu cộng đồng châu Á” như là môn học tự chọn từ năm 2018. Học phần được giảng dạy với nhiều chuyên đề, do các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà ngoại giao trong và ngoài nước trực tiếp giảng dạy. Môn học do Bộ môn NN&VH Việt Nam phụ trách. (Xem clip giới thiệu về môn học: https://youtu.be/5pw1hxImgWw). Học kỳ II năm học 2021-2022 có 191 sinh viên đăng ký môn học.