Hội thảo quốc tế “Trí tuệ nhân tạo – Chất xúc tác trong giáo dục tiếng Anh” – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Hội thảo quốc tế “Trí tuệ nhân tạo – Chất xúc tác trong giáo dục tiếng Anh”

Ngày 26/4/2025, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo Quốc tế “Trí tuệ nhân tạo – Chất xúc tác trong giáo dục tiếng Anh” (AI as a catalyst for English Language Education). Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện UNiC 2025, hướng tới kỷ niệm 70 năm truyền thống Trường Đại học Ngoại ngữ, và được diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến qua nền tảng Zoom Meeting.

Tham dự hội thảo, về phía Trường Đại học Ngoại ngữ có Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông; Phó Hiệu trưởng, Trưởng phòng KHCN&HTPT Hoa Ngọc Sơn; Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Nguyễn Hòa; lãnh đạo và cán bộ Khoa NN&VH Anh cùng đông đảo các sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước quan tâm.

Về phía khách mời có đại diện Văn phòng tiếng Anh khu vực (RELO Việt Nam); Đề án Ngoại ngữ Quốc gia; các học giả khách mời cùng nhiều đại biểu và báo cáo viên trong và ngoài nước quan tâm. 

Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông đã gửi lời cảm ơn các học giả, khách mời tham gia hội thảo quốc tế lần này. Đánh giá cao vai trò của hội thảo nhằm hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập Trường cũng như những nỗ lực của Khoa NN&VH Anh trong việc tổ chức hội thảo, PGS. TS. Lâm Quang Đông hy vọng rằng hội thảo quốc tế này có thể  là nơi để tất cả các học giả, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước cùng nhau chia sẻ, bày tỏ quan điểm về những vấn đề mới mẻ trong lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ và dạy học trong bối cảnh của sự chuyển đổi của công nghệ số và đặc biệt là sự nổi lên mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI); ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục và dạy học tiếng Anh. 

Phát biểu tại hội thảo, về phía Văn phòng Tiếng Anh khu vực (RELO), ông Lê Thùy Dương – Giám đốc Văn phòng Phụ trách khu vực Việt Nam đã gửi lời cảm ơn chân thành tới Trường Đại học Ngoại ngữ vì sự hợp tác bền chặt giữa hai bên trong suốt thời gian qua, đặc biệt trong việc trao đổi sinh viên và chuyên gia trong lĩnh vực đánh giá ngoại ngữ và giảng dạy tiếng Anh. Điểm lại quá trình hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác trên toàn thế giới cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống hằng ngày, ông Lê Thùy Dương bày tỏ tin tưởng sự hợp tác giữa đôi bên có thể giúp sinh viên ULIS vừa thành thạo tiếng Anh, vừa nắm bắt được trí tuệ nhân tạo, từ đó đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ, giảng dạy tiếng Anh đóng góp cho xã hội trong kỷ nguyên số hiện nay. 

Tại phiên toàn thể buổi sáng, TS. Anne Pomerantz đến từ Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ) đã trình bày báo cáo với chủ đề “Funny Business: Chatbots and the Future of English Language Education”. Bài báo cáo đã chỉ rõ cách trí tuệ nhân tạo hoạt động và cách nó thay đổi chúng ta. Đồng thời, bài báo cáo cũng đưa ra cách thiết kế các hoạt động dạy học được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo cùng với những cách để đánh giá, phản biện lại các sản phẩm do trí tuệ nhân tạo tạo ra và các chính sách khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công việc học thuật. 

Tại phiên báo cáo toàn thể buổi chiều, báo cáo với chủ đề “The Interdependent Nature of Social, Emotional, and Academic Learning” được trình bày bởi TS. Betsy Nordell, đã chỉ rõ phương pháp dạy học, học tập gắn liền từng mục đích khác nhau bao gồm học thuật, cảm xúc và xã hội, từ đó nhấn mạnh về tính phụ thuộc lẫn nhau và gắn bó chặt chẽ với nhau của các yếu tố này trong giảng dạy. 

Ngoài báo cáo tại phiên toàn thể, hội thảo được chia thành 6 tiểu ban song song bao gồm Công nghệ trong giáo dục tiếng Anh; Phương pháp giảng dạy sáng tạo; Kiểm tra đánh giá và phát triển tài liệu; Nghiên cứu, đào tạo và thực hành biên phiên dịch; Nghiên cứu ngôn ngữ học ứng dụng; Giảng dạy tiếng Anh cho đối tượng khác nhau & Đào tạo và phát triển nghề nghiệp giáo viên, và một tiểu ban trưng bày poster.

Hội thảo Quốc tế “Trí tuệ nhân tạo – Chất xúc tác trong giáo dục tiếng Anh” đã diễn ra thành công tốt đẹp. Qua hội thảo, các nghiên cứu sinh và học giả đã mở rộng thêm nhiều kiến thức về giáo dục, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Anh, từ đó gợi mở nhiều hướng nghiên cứu trong tương lai.

Một số hình ảnh khác: Link.

Hoàng Anh-Dũng Hồ-Diệu Thu/ĐSTT