Hội thảo Quốc tế: Giảng dạy tiếng Ả Rập trong thời đại mới – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Hội thảo Quốc tế: Giảng dạy tiếng Ả Rập trong thời đại mới

Ngày 18/12/2021, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Giảng dạy tiếng Ả Rập trong thời đại mới” nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế tiếng Ả Rập 18/12 và đánh dấu mốc 25 năm giảng dạy tiếng Ả Rập tại Việt Nam.

Hội thảo nhằm tạo cơ hội để các nhà khoa học Việt Nam và Ả Rập được trình bày những nghiên cứu của mình về ngôn ngữ Ả Rập và khả năng ứng dụng nghiên cứu ngôn ngữ trong lĩnh vực liên ngành về ngôn ngữ và giảng dạy ngôn ngữ trong bối cảnh hiện nay.

Tham dự hội thảo, về phía Trường Đại học Ngoại ngữ có Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh, đại diện lãnh đạo các đơn vị, giảng viên và sinh viên Bộ môn NN&VH Ả Rập. Hội thảo cũng thu hút nhiều đại biểu là các học giả nước ngoài và đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế.

Ngày 18/12/1973, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chính thức đưa tiếng Ả rập trở thành một trong sáu ngôn ngữ được sử dụng tại Liên Hợp Quốc. Để kỷ niệm sự kiện này, cũng như ghi nhận vai trò của Ngôn ngữ Ả Rập trong sự hình thành và phát triển của văn hóa nhân loại, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã quyết định chọn ngày 18/12 là ngày Quốc tế tiếng Ả rập. Từ đó, hàng năm chúng ta có một ngày lễ tôn vinh tiếng Ả Rập – ngôn ngữ chính thức của 26 quốc gia và được sử dụng bởi hơn một tỷ tín đồ Islam giáo trên khắp thế giới. Hơn thế nữa, đây cũng là ngày hội kết nối cộng đồng những người nói tiếng Ả Rập, yêu ngôn ngữ và văn hóa Ả Rập.

Phát biểu tại Hội thảo, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh cho biết: Là đơn vị có bề dày truyền thống, kinh nghiệm, có nhiều đóng góp giá trị trong đào tạo, nghiên cứu ngoại ngữ, ngôn ngữ học và quốc tế học tại Việt Nam, Trường Đại học Ngoại ngữ đến nay vẫn tự hào là cơ sở giáo dục duy nhất tại Việt Nam đào tạo cử nhân chuyên ngành Ngôn ngữ Ả rập hệ chính quy. Trường đã có những đóng góp không nhỏ vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Ngôn ngữ Ả rập trong suốt 25 năm qua.

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế tri thức thời đại công nghệ 4.0, nhận thấy nhu cầu trao đổi và đổi mới hoạt động giảng dạy tiếng Ả Rập, Nhà trường quyết định tổ chức Hội thảo quốc tế “Giảng dạy tiếng Ả Rập trong thời đại mới” với mong muốn tạo ra một không gian học thuật để mọi người có thể thảo luận, trao đổi, chia sẻ những phương pháp giảng dạy tiếng Ả Rập trong thời đại mới. Đây là hội thảo quốc tế bằng tiếng Ả Rập đầu tiên được Nhà trường tổ chức tuy nhiên đã được sự ủng hộ rất nhiệt tình từ phía các nhà nghiên cứu của các Trường Đại học nổi tiếng tại Ả Rập.”

Tại phiên toàn thể đã có 3 phần trình bày báo cáo từ các đại biểu quốc tế, bao gồm: “Yếu điểm ngôn ngữ của người nước ngoài khi học tiếng Ả Rập – biểu hiện và các phương pháp khắc phục (GS. Ibrahim Awad, Giáo sư Văn học Ả Rập, Khoa Nghệ thuật, Đại học Ain Shams, Ai Cập), “Sự thích ứng và cập nhật của tiếng Ả Rập trong phát triển khoa học kỹ thuật” (GS. Muhammad Salam, Trưởng Bộ môn Văn học và Phê bình, Khoa Nghiên cứu Hồi giáo và Ả Rập cho nữ sinh Damanhour, Đại học Al-Azhar, Ai Cập) và “Giảng dạy tiếng Ả Rập trực tuyến – giải pháp của hiện tại với tầm nhìn tương lai (PGS.TS. Mohamed Al-Najjar, Bộ môn Hùng biện và Phê bình, Khoa Ngôn ngữ Ả Rập, Đại học Al-Azhar, Ai Cập).

Trong phiên song song ở 2 tiểu ban, với 8 báo cáo, các giảng viên và chuyên gia quốc tế của Bộ môn đã chia sẻ các vấn đề lý luận và phương pháp trong việc giảng dạy tiếng Ả Rập. Những trao đổi, thắc mắc trong phần thảo luận cũng đem đến nhiều thông tin hữu ích cho các đại biểu tham dự.

Hội thảo Quốc tế “Giảng dạy tiếng Ả Rập trong thời đại mới” khép lại đánh dấu một bước phát triển nữa trong đào tạo và nghiên cứu tiếng Ả Rập của Trường Đại học Ngoại ngữ.

Một số hình ảnh khác:

ULIS Media