[UNC2022] Hội thảo Khoa học Quốc tế: “Giáo dục ngoại ngữ trong thời đại 4.0” – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

[UNC2022] Hội thảo Khoa học Quốc tế: “Giáo dục ngoại ngữ trong thời đại 4.0”

Ngày 18/12/2021, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức thành công Hội thảo Khoa học Quốc tế với chủ đề “Giáo dục ngoại ngữ trong thời đại 4.0” (Foreign Language Education 4.0: Good practices to share)

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội thảo Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam năm 2022 (UNC 2022).

Tham dự hội thảo có Ban Giám hiệu, đại diện lãnh đạo các đơn vị, lãnh đạo và cán bộ Phòng KHCN và hơn 900 thầy cô giáo, học giả đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hội thảo Giáo dục ngoại ngữ trong thời đại 4.0 tổ chức theo hình thức trực tuyến, sử dụng cả hai ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng Anh (có phiên dịch đồng thời).

Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông gửi lời chào mừng và bày tỏ tin tưởng hội thảo sẽ đem đến nhiều kiến thức bổ ích, cũng kêu gọi các đại biểu tiếp tục đồng hành với Nhà trường trong các hoạt động nghiên cứu và kết nối

Trong khoảng 4 giờ đồng hồ, người tham gia đã được lắng nghe các phần trình bày đến từ 5 diễn giả, tập trung vào việc giảng dạy và nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong giảng dạy ngoại ngữ ở một số trường đại học Việt Nam và quốc tế trong thời đại 4.0. Qua  đó, hội thảo đáp ứng nhu cầu học hỏi kinh nghiệm, giao lưu của giảng viên, giáo viên ngoại ngữ các cấp từ các chuyên gia đầu ngành.

Mở đầu hội thảo, PGS.TS. Mónica S. Cárdenas-Claros (Đại học Pontificia Universidad Católica de Valparaíso, Chile) đã trình bày nghiên cứu: “Teaching and research opportunities to enhance (computer- based) listening comprehension in foreign language contexts” (Cơ hội về giảng dạy và nghiên cứu để thúc đẩy kỹ năng nghe hiểu sử dụng máy tính trong giáo dục ngoại ngữ). Qua việc chỉ ra những điểm khác biệt trong việc học nghe giữa học sinh Việt Nam và học sinh Chile, những cơ hội cải thiện khả năng nghe tiếng Anh dựa vào việc học qua máy tính cùng các ví dụ và kết quả khảo sát, diễn giả đã đưa ra những lựa chọn, giải pháp hữu ích giúp các giáo viên Việt Nam giảng dạy kỹ năng nghe hiệu quả.

Ở phần trình bày tiếp theo, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Vũ – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen đã chia sẻ về “Khai thác công cụ AI miễn phí giúp tăng năng suất làm việc và tạo hứng thú cho người học ngoại ngữ” để thông qua các đánh giá tài liệu, thực trạng AI ở Việt Nam và giới thiệu các nền tảng, phần mềm công nghệ giúp ích cho việc học ngoại ngữ như Plot generator, Youglish, Phonetizer,…

CEO của nền tảng học tập tiếng Anh trực tuyến – eJOY English – ThS. Bùi Thị Hoàng Điệp đã có những chia sẻ ấn tượng về chủ đề: “Công nghệ thay thế giáo viên hay là thư ký cần mẫn của giáo viên và là người bạn đồng hành với học viên”. Diễn giả đã nêu ra những lợi ích tiềm năng của việc ứng dụng công nghệ vào học tập như giúp cá nhân hóa việc học, duy trì sự tập trung, đưa ra đa dạng thử hách phù hợp với nhu cầu khác nhau, giúp lựa chọn bối cảnh học tập khơi gợi sự hứng thú, vui thích, chuẩn bị giáo án điện tử độc đáo mới mẻ, hỗ trợ đắc thụ kiến thức, đa dạng phương thức thể hiện, cung cấp phản hồi, hỗ trợ. Bên cạnh đó, diễn giả cũng chỉ ra những khoảng trống công nghệ và đưa ra những giải pháp, đồng thời khẳng định công nghệ chỉ là người bạn, người hỗ trợ học sinh và giáo viên chứ không thể hoàn toàn thay thế vai trò của giáo viên trong việc dạy và học.

Hội thảo cũng vinh dự có sự góp mặt của ThS. Nhữ Đình Ngọc Anh đến từ Đại học VinUni với báo cáo “Sử dụng AI và sổ điểm All-in-one tạo hứng thú cho người học”. Trong báo cáo của mình, diễn giả thể hiện mong muốn có thể tận dụng AI để nâng cao khả năng tiếng Anh cho các y bác sĩ Việt Nam nhằm giúp đội ngũ y tế Việt Nam có thể tiếp cận nhiều hơn đến các báo cáo, hội thảo hội tế, trao đổi hiệu quả trong các ca phẫu thuật với bác sĩ nước ngoài. Anh cũng giới thiệu đến người tham gia Andy AI Chatbot – học tiếng Anh online tích hợp vào messenger của người dùng Facebook. Điểm đặc biệt của Andy là sự kết hợp giữa nhiều nền tảng học tiếng Anh như quizizz, duolingo,…; linh hoạt về thời gian nhưng vẫn nhận được sự hướng dẫn; hỏi và nhận kết quả nhanh chóng, trực tiếp; học nhóm; công nghệ bảng điểm kết nối với messenger và tự động xuất bảng điểm; tận dụng chức năng livestream và bình luận Facebook để làm bài, chấm điểm.

Cuối cùng là báo cáo đến từ ThS. Nguyễn Thị Lan Hường – Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN với chủ đề “Hướng dẫn thiết kế một khóa học trực tiếp kết hợp trực tuyến”. Diễn giả đã giới thiệu đến người tham gia các mô hình học tập, phân biệt học tập trực tuyến với học tập kết hợp, cũng như hướng dẫn các quy trình để thiết kế một khóa học kết hợp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập trong thời buổi công nghệ phát triển và sự ảnh hưởng của đại dịch Covid như hiện nay.

Kết thúc chương trình, Ban Tổ chức cũng đã giới thiệu khóa tập huấn chuyên sâu “Xây dựng và triển khai khóa học (ngoại ngữ) theo hình thức kết hợp” và quay số trúng thưởng cho 8 người may mắn nhất.

Đăng ký: bit.ly/Workshopkhoahockethop

Hội thảo khoa học quốc tế Giáo dục ngoại ngữ trong thời đại 4.0 đã thu hút 1.887 đơn đăng ký và 941 người tham dự. Qua buổi hội thảo về các vấn đề liên quan đến nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam, Ban Tổ chức hy vọng có thể góp phần tạo sự hứng khởi, đam mê và nhu cầu nghiên cứu đổi mới sáng tạo trên toàn quốc. Đó cũng chính là mong muốn và cam kết của ULIS đối với UNC 2022.

Một số hình ảnh khác:

M.N