Hội thảo khoa học quốc tế về Giảng dạy tiếng Hán Khu vực văn hóa chữ Hán lần thứ III
Trong hai ngày từ 7 đến 8/12/2018 tại hội trường Sunwah, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Khoa học Quốc tế “Giảng dạy tiếng Hán Khu vực Văn hóa Chữ Hán” lần thứ III. Hội thảo do Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc tổ chức với sự tài trợ của Quỹ Sunwah và Tổ chức Hanban Trung Quốc.
Tham dự hội thảo có bà Doãn Hải Hồng – Tham tán Công sứ Đại sứ quán nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam; GS. Xin Shi Chang – Chủ tịch Hiệp hội Giảng dạy tiếng Hán Khu vực Văn hóa Chữ Hán; bà Nguyễn Thị Nhã – Cố vấn cao cấp Tập đoàn Sunwah tại Việt Nam; ông Võ Hạnh Phúc, Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo Dục Đào tạo; GS. Nguyễn Văn Khang – Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ Đời sống; Đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, các cơ quan thông tấn, báo chí.
Về phía Trường Đại học Ngoại ngữ có Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông; đại diện lãnh đạo các đơn vị; Ban Chủ nhiệm Khoa NN&VH Trung Quốc. Hội thảo cũng thu hút đông đảo các chuyên gia, học giả, các nhà nghiên cứu Hán học trong nước và quốc tế, giáo viên và nghiên cứu sinh, học viên cao học chuyên ngành Hán ngữ các trường đại học tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông cho biết hội thảo là diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi học thuật của các học giả – những người quan tâm vun đắp cho sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ văn hoá Trung Quốc. Thành công của hội thảo chắc chắn đóng góp tích cực cho việc tăng cường mối quan hệ giao lưu hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy tiếng Hán và tìm hiểu văn hoá chữ Hán giữa các nước trong khu vực trong thời kỳ hội nhập. Với chủ đề “Giảng dạy tiếng Hán với sự Phát triển Ngôn ngữ Văn hóa trong Khu vực Văn hóa Chữ Hán”, Hội thảo phát đi thông điệp: Nghiên cứu kế thừa và phát huy các yếu tố ngôn ngữ văn hoá là nền tảng vững chắc cho hội nhập bền vững.
Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông phát biểu khai mạc hội thảo
Sau thành công và lan tỏa của hai lần hội thảo trước, Hội thảo quốc tế “Giảng dạy tiếng Hán Khu vực Văn hóa Chữ Hán” lần thứ 3 ngay sau khi phát đi thông báo thứ nhất đã nhận được sự ủng hộ và nhiệt tình đăng ký tham gia của đông đảo học giả trong và ngoài nước. Ban tổ chức đã nhận được 132 bài viết tâm huyết và kỹ lưỡng của 150 đại biểu đến từ 8 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các đề tài báo cáo tập trung vào các vấn đề như: Lịch sử giảng dạy và nghiên cứu tiếng Hán, thực tiễn và hướng phát triển giảng dạy tiếng Hán, chính sách giảng dạy tiếng Hán, sự tương đồng và khác biệt trong giảng dạy tiếng Hán, giảng dạy chữ Hán, biên soạn giáo trình và phương pháp giảng dạy tiếng Hán, giảng dạy tiếng Hán với nâng cao năng lực giao tiếp liên văn hóa và hợp tác quốc tế trong giảng dạy và nghiên cứu tiếng Hán Khu vực Văn hóa Chữ Hán,…
Ban tổ chức đã lựa chọn, biên tập những bài viết tốt nhất và đưa vào cuốn kỷ yếu. Đây là nguồn tư liệu tham khảo tốt cho những độc giả muốn tìm hiểu về lịch sử cũng như sự phát triển của tiếng Hán với vai trò là ngoại ngữ đang được sử dụng rộng rãi trong khu vực.
GS. Xin Shi Chang phát biểu
Phát biểu tại hội thảo, GS. Xin Shi Chang – Một trong những nhà sáng lập Hội thảo về Giảng dạy tiếng Hán khu vực văn hóa chữ Hán đã chia sẻ về lịch sử phát triển của khu vực văn hóa chữ Hán. Ông khẳng định sau mỗi kỳ hội thảo, số lượng bài viết lại tăng lên, phạm vi lĩnh vực cũng ngày càng rộng. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm của các học giả đối với việc giảng dạy tiếng Hán khu vực văn hóa chữ Hán. Dân số của các quốc gia trong khu vực văn hóa chữ Hán đông, số người học tiếng Hán trên thế giới cũng rất nhiều, nên những nghiên cứu này có giá trị trực tiếp đối với việc giảng dạy theo đặc thù của quốc gia, cũng giúp thúc đẩy giao lưu giữa những người làm công tác giảng dạy tiếng Hán trong khu vực.
Bà Nguyễn Thị Nhã – Đại diện Quỹ Sunwah của Tập đoàn Sunwah – Hongkong phát biểu chúc mừng lần đầu tiên Hội thảo khoa học quốc tế về Giảng dạy tiếng Hán Khu vực Văn hóa chữ Hán được tổ chức tại Việt Nam
Hoạt động báo cáo và trao đổi đã diễn ra sôi nổi trong 2 ngày làm việc. Chất lượng báo cáo, ý nghĩa và giá trị của các đề tài, sự chuyên nghiệp trong công tác tổ chức là những phản hồi của các đại biểu về hội thảo lần này.
Bên lề hội thảo cũng diễn ra một số hoạt động liên quan khác như: Toạ đàm “Nghiên cứu dạy học ngoại ngữ (2005-2016): Diễn biến và Phát triển” của GS. Ngô Dũng Nghị – Viện Trưởng Học viện Hán ngữ đối ngoại Đại học Sư phạm Hoa Đông (sáng 6/12); Toạ đàm “Lý luận ngôn ngữ và lý giải văn hoá” của PGS. Lâm Cảnh Tô đến từ Trường Đại học Ngoại ngữ Văn Tảo (chiều 6/12); Lễ ký kết thoả thuận xuất bản tài liệu tham khảo giữa Khoa Ngôn ngữ Văn hoá Trung Quốc Trường Đại học Ngoại ngữ và Khoa Hán ngữ ứng dụng của Trường Đại học Ngoại ngữ Văn Tảo (chiều 6/12).
Một số hình ảnh tại hội thảo:
Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media