[UNC2023] Hội thảo Khoa học giảng dạy và kiểm tra đánh giá môn tiếng Anh chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng tiếp cận năng lực trong bối cảnh hậu Covid-19 – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

[UNC2023] Hội thảo Khoa học giảng dạy và kiểm tra đánh giá môn tiếng Anh chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng tiếp cận năng lực trong bối cảnh hậu Covid-19

Ngày 26/11/2022, tại Trường Đại học Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN đã phối hợp với Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trường Đại học Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội thảo Khoa học giảng dạy và kiểm tra đánh giá môn tiếng Anh chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng tiếp cận năng lực trong bối cảnh hậu Covid-19. Đây là cơ hội để các nhà quản lý, thầy cô giáo lắng nghe, trao đổi kinh nghiệm về giảng dạy, kiểm tra đánh giá và xây dựng các hoạt động phù hợp cho môn tiếng Anh để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ khóa bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ về nâng cao năng lực sư phạm thuộc Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2022 và Hội thảo Quốc gia về nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học (viết tắt là UNC2023).

Hội thảo có mục đích là cùng các thầy cô giảng dạy bộ môn tiếng Anh gặp gỡ nhau trực tuyến và trực tiếp để cùng nhau sẻ chia những kinh nghiệm, những điều tâm đắc rút ra từ thực tế hoạt động thường nhật về dạy học/kiểm tra đánh giá môn tiếng Anh, nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh các cấp học, đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông mới và nhu cầu của xã hội trong bối cảnh hiện nay.

Tham dự Hội thảo có Đ/c Đỗ Thanh, Phó giám đốc Sở GDĐT tỉnh Phú Thọ, Đ/c Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Lạng Sơn; Đ/c Lê Thanh Cường, Trưởng Phòng giáo dục Trung học Sở GDĐT tỉnh Hải Dương; Đ/c Trần Thị Kim Thanh, cán bộ chuyên trách Đề án Ngoại ngữ Sở GDĐT tỉnh Yên Bái; Đ/c Ngô Xuân Ban, Sở GDĐT Phú Thọ; Đ/c Khúc Hải Yến, cán bộ Phòng GDĐT Thành phố Hải Phòng; cùng hơn 1300 các thầy cô giáo đến từ 18 tỉnh/thành trên cả nước, gồm: Phú Thọ, Lạng Sơn, Hải Dương, Yên Bái, Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Hòa Bình, Ninh Bình, Long An, Quảng Bình, Quảng Ngãi,  Đắc Nông, Lâm Đồng, Sài Gòn, Cà Mau….

Về phía Trường ĐH Hùng Vương có TS. Đỗ Tùng – Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo; TS. Vũ Thị Quỳnh Dung – Trưởng Khoa Ngoại ngữ; cùng 10 giảng viên và 77 sinh viên ngành Sư phạm tiếng Anh.

Về phía Trường ĐHNN-ĐHQGHN có Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh, Chủ tịch Hội đồng tư vấn hợp tác và phát triển Nguyễn Lân Trung, Trưởng Phòng Khoa học – Công nghệ Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, Trưởng Khoa Sư phạm tiếng Anh Nguyễn Thị Hồng Nhung; Trưởng khoa ĐT&BDNN Hoa Ngọc Sơn; cùng các thầy cô giảng viên.

Mở đầu chương trình, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh đã gửi lời cảm ơn đến các thầy cô đến từ 18 tỉnh thành vì đã đến tham dự hội thảo trực tiếp và trực tuyến. Hiệu trưởng cũng gửi lời cảm ơn đến Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ và Trường Đại học Hùng Vương vì đã tạo điều kiện để Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN tổ chức hội thảo tại địa phương. Thầy đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các thầy cô giáo trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, đặc biệt là những kết quả đạt được trong đổi mới phương pháp giảng dạy và ứng dụng CNTT trong giảng dạy ngoại ngữ. Thầy hy vọng thông qua hội thảo các thầy, cô sẽ thu được những kiến thức mới, cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm để từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả giảng dạy.

Sau đó, hội thảo đã lắng nghe 2 báo cáo phiên toàn thể với các chủ đề liên quan đến công tác giảng dạy và kiểm tra đánh giá môn tiếng Anh.

Báo cáo 1:  Th.S NCS Trần Thị Hiếu Thủy, Khoa SPTA “Teaching language in context: why and how”

Báo cáo 2: Th.S NCS Đỗ Trọng Hoàng, Khoa SPTA “Teaching reading: reading comprehension or searching for information?”

Hai báo cáo phiên toàn thể đã nêu lên được nhiều điểm quan trọng trong giảng dạy và kiểm tra đánh giá môn tiếng Anh và nhận được sự chú ý và phản hồi tích cực từ phía các đại biểu và thầy, cô tham dự.

Sau phiên báo cáo toàn thể, các đại biểu tham dự đã được di chuyển về 3 tiểu ban song song để thảo luận về các ván đề giảng dạy và kiểm tra đánh giá môn tiếng Anh tại cấp tiểu học, THCS và THPT. Tại 3 tiểu ban, 18 báo cáo tham luận đã được trình bày. Các tham luận đều nêu lên được những đặc trưng giảng dạy và kiểm tra đánh giá môn tiếng Anh tại các địa phương và chia sẻ được nhiều phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá mới trong thời kỳ hậu Covid-19.

Kết thúc Hội thảo, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh đã trao giấy chứng nhận cho các báo cáo viên.

Hội thảo Khoa học giảng dạy và kiểm tra đánh giá môn tiếng Anh chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng tiếp cận năng lực trong bối cảnh hậu Covid-19 đã diễn ra tốt đẹp và mang lại nhiều kết quả và ý nghĩa tích cực.

ULIS Media