Hội nhập ở Đông Á: Thực trạng và các vấn đề đặt ra – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Hội nhập ở Đông Á: Thực trạng và các vấn đề đặt ra

Ngày 8/12/2018 tại hội trường Sunwah, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm quốc tế với chủ đề “Hội nhập ở Đông Á: Thực trạng và các vấn đề đặt ra”. Đây là tọa đàm quốc tế về Đông Á lần thứ 2 do Trung tâm Hợp tác Đông Á thuộc Phòng HTPT phối hợp với Viện Nghiên cứu châu Á (Trường Đại học Saga, Nhật Bản) và Quỹ One Asia (Nhật Bản) tổ chức.

Đến dự tọa đàm có Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh, Phó Hiệu trưởng Ngô Minh Thủy, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, giảng viên và sinh viên học phần “Tìm hiểu Cộng đồng châu Á”. Tọa đàm đặc biệt có sự góp mặt của ông Étienne Rolland-Piègue – Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hóa Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; ông Park Wonhong – Cố vấn cao cấp ĐH Saga, ông Nakamura Hirokazu – Trưởng khoa Kinh tế ĐH Saga, ông Jang Hanmo – Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á ĐH Saga, và nhiều nhà nghiên cứu, học giả đến từ các trường đại học Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam

Phát biểu khai mạc, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh nhắc đến tọa đàm lần đầu tiên với chủ đề “Hợp tác ở Đông Á và phát triển nguồn nhân lực” diễn ra vào 29/03/2018 và đánh giá cao những hoạt động hợp tác tích cực và hiệu quả giữa Trường ĐH Ngoại ngữ và ĐH Saga từ đó đến nay. Hiệu trưởng cho biết tọa đàm lần này nằm trong chuỗi bài giảng Tìm hiểu về Cộng đồng châu Á do Quỹ One Asia tài trợ. Khóa học đầu tiên thu hút gần 50 sinh viên đăng ký tham gia. Trong đó, 10 em sinh viên có báo cáo xuất sắc đã tham gia trình bày báo cáo bằng poster tại hội trường. Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh khẳng định học phần Tìm hiểu về Cộng đồng châu Á là một sự phát triển mới trong CTĐT của Nhà trường, là khóa học chính thức mà sinh viên toàn trường đều có thể đăng ký học để tìm hiểu về khu vực châu Á.

Với chủ đề “Hội nhập ở Đông Á: Thực trạng và các vấn đề đặt ra”, Hiệu trưởng tin tưởng tọa đàm sẽ cung cấp nhiều quan điểm mới, đóng góp vào quá trình hội nhập ở Đông Á nói riêng và châu Á nói chung, vì một châu Á hòa bình và thịnh vượng.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Jang Hanmo – Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á ĐH Saga đánh giá cao những đề tài chia sẻ được trình bày tại tọa đàm. Qua đó, ông tin tưởng tương lai cộng đồng châu Á chắc chắn sẽ khởi sắc và khẳng định sẽ hỗ trợ, ủng hộ các tọa đàm về sau.

Trưởng khoa Kinh tế ĐH Saga Nakamura Hirokazu tin tưởng rằng, các vấn đề về kinh tế, xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa được trình bày tại tòa đàm sẽ đem lại nhiều kiến thức bổ ích, giúp các đại biểu hiểu được thực trạng hội nhập và vấn đề các quốc gia Đông Á đang phải đối mặt. Qua đó, ông hy vọng mỗi đại biểu sẽ cùng chung tay để tìm ra cách giải quyết vì một châu Á phát triển vững mạnh.

Ông Park Wonhong, cố vấn cao cấp của ĐH Saga là một trong những người đặt nền móng cho mối quan hệ hơn 10 năm giữa Trường ĐH Ngoại ngữ và ĐH Saga. Ông cũng dành nhiều tình cảm cho sinh viên trường thể hiện qua việc lập ra quỹ học bổng cho sinh viên Khoa NN&VH Phương Đông (Nay là Khoa NN&VH Nhật Bản và Khoa NN&VH Hàn Quốc) và đến nay đã có hơn 70 sinh viên được nhận học bổng này. Tại tọa đàm, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh đã trao tặng giấy khen và bó hoa như lời cảm ơn chân thành tới ông.

Trong phần chia sẻ tham luận đã có 4 bài trình bày của các học giả về các nội dung: Hợp tác giáo dục ở Đông Á (Park Wonhong – Cố vấn cao cấp ĐH Saga), Sự hình thành và phát triển của văn hóa Đông Á (Yun Jaeseug – Giáo sư ĐH Quốc gia Kyungpook), Khoảng cách phát triển theo khu vực tại Trung Quốc và hội nhập kinh tế ở Đông Á (Liu Wei – Trường Kinh tế, ĐH Liaoning), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương: Thách thức và cơ hội với Việt Nam (Nguyễn Anh Thu – Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế, ĐHQGHN).

Trong phiên thảo luận song song đã có các trình bày và thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến chủ đề tọa đàm như: hội nhập kinh tế Đông Á trong kỷ nguyên hậu toàn cầu hóa thứ hai, học thuyết vốn xã hội hóa ở Đông Á, thực tiễn việc giảng dạy ngoại ngữ ở Hàn Quốc, nghiên cứu về sự chênh lệch kinh tế và ô nhiễm ở thủ đô Trung Quốc, tác động của hội nhập tài chính AEC đến khả năng cạnh tranh của các ngân hàng thương mại ở Việt Nam. Chương trình đã thu hút sự chú ý theo dõi, phản biện, trao đổi, đóng góp ý kiến rất sôi nổi từ các đại biểu tham dự.

Phần cuối tọa đàm là phần trao thưởng cho các sinh viên có thành tích nổi bật trong học phần “Tìm hiểu về cộng đồng châu Á” năm 2018. Tọa đàm quốc tế với chủ đề “Hội nhập ở Đông Á: Thực trạng và các vấn đề đặt ra” khép lại sau một ngày làm việc sôi nổi với những phản hồi tích cực từ các đại biểu.

Một số hình ảnh tại tọa đàm:

Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media