Cô Phan Thị Nguyệt Hoa: Cơ duyên, nỗ lực và nghề giáo viên – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Cô Phan Thị Nguyệt Hoa: Cơ duyên, nỗ lực và nghề giáo viên

Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội quy tụ rất nhiều thầy cô giỏi, có cả tâm với nghề và tình với sinh viên. Nhân dip Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, ULIS Media trân trọng giới thiệu đôi nét với quý độc giả về một trong hai Phó Giáo sư mới nhất của trường là PGS. TS. Phan Thị Nguyệt Hoa.

dsc02318

Cô Phan Thị Nguyệt Hoa và nụ cười tỏa nắng quen thuộc

Một cơ duyên bất ngờ

Cô Phan Thị Nguyệt Hoa là giảng viên của Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam. Được sinh viên yêu thích bởi kiến thức sâu rộng về ngôn ngữ, văn hóa dân tộc cũng như cách “thổi hồn” vào những bài giảng làm cho ai nấy cũng phải say mê, cô còn khiến đồng nghiệp mến mộ bởi luôn chăm chỉ, nỗ lực trong công tác.

Và cũng thật may mắn bởi nếu không có chữ “duyên”, Trường Đại học Ngoại ngữ đã không có được một nữ giáo viên tâm huyết như vậy. Đam mê và yêu thích tiếng Việt từ thuở bé kèm theo ước mơ về một ngày đứng trên bục giảng truyền cảm hứng cho các em về thứ mình rất “nặng lòng”, cô Phan Thị Nguyệt Hoa đã theo học Khoa Ngữ Văn tại Trường Đại học Vinh. Ngay sau khi ra trường, được sự định hướng của các thầy cô giáo và ước mơ trở thành cô giáo đã thôi thúc, cô tiếp tục nâng cao trình độ của bản thân. Do đó, cô đã ôn thi vào cao học chuyên ngành Lý luận Ngôn ngữ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và học thêm Chuyên ngành 2 tiếng Pháp tại Trường Đại học Ngoại ngữ. Dù được miễn các môn cùng mã ngành sư phạm từ bằng 1 sang bằng 2 nhưng vì muốn được trở thành cô giáo nên cô Phan Thị Nguyệt Hoa vẫn khắc phục điều kiện thời gian để đi học những môn đó để vừa củng cố kiến thức vừa học tập về phương pháp giảng dạy.

Cũng nhờ vậy, cô đã gặp được một số thầy cô của Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam và được biết là trường đang tuyển giáo viên. Khi ấy, dù đã được nhận vào một trường đại học khác trên địa bàn thành phố nhưng cô Phan Thị Nguyệt Hoa vẫn không do dự mà quyết định gắn bó với ULIS vì yêu mến môi trường năng động, văn hóa với truyền thống, lịch sử lâu đời của trường.

Nỗ lực, nỗ lực và nỗ lực không ngừng

Sau khi trở thành giảng viên, cô Phan Thị Nguyệt Hoa ngày càng trở thành một gương mặt nổi bật ở ULIS. Dù đã thể hiện được thực lực của mình, cô vẫn cảm thấy cần phải nỗ lực không ngừng để tiếp tục nâng cao trình độ của bản thân. Do đó, chẳng ai bất ngờ khi cô được cấp bằng Tiến sĩ trước thời hạn với 7/7 phiếu xuất sắc. Sau đó, tuy cũng “thở phào” nhẹ nhõm như mọi người nhưng như một thói quen từ áp lực của việc làm luận án, cô Phan Thị Nguyệt Hoa đã tự đặt ra mục tiêu là cố gắng viết bài, xuất bản sách, học thêm tiếng Anh. Ngoài ra, cũng nhờ Nhà trường tạo điều kiện, Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam đã có nhiều chính sách nhắc nhở, động viên việc trau dồi kiến thức và đạt các tiêu chuẩn sau bảo vệ luận án nên cô đã luôn chủ động cập nhật những điều kiện cần và đủ cho việc đề nghị xét đạt tiêu chuẩn học hàm. Việc cố gắng để viết bài và học ngoại ngữ trong một quãng thời gian dài đã giúp cho cô Phan Thị Nguyệt Hoa có đủ điều kiện và qua các vòng xét tuyển để được chứng nhận đạt chuẩn Phó Giáo sư.

Dĩ nhiên, là phụ nữ vừa đảm đương công việc chuyên môn vừa bận chuyện gia đình nên việc vẫn phải lên lớp tiếng Anh hàng tuần mặc mưa rét trong một thời gian khá dài cũng là một nhiệm vụ vất vả đòi hỏi sự quyết tâm cao và cô đã phải lên một kế hoạch rất cụ thể để phấn đấu.

“Nếu cứ sợ khổ hoặc ca thán thì khó để theo đuổi”, cô Hoa nhẹ nhàng chia sẻ và cho rằng không riêng gì mình mà các đồng nghiệp cũng đều đã phải nỗ lực rất nhiều mới đạt được học hàm này.

dsc02281

Cô Phan Thị Nguyệt Hoa trong buổi lễ trao chức danh Phó Giáo sư

“Học hàm PGS là một chức danh của nghề nghiệp. Vì vậy, khi đạt được chức danh rồi, mình cảm thấy cần phải cố gắng nhiều hơn để xứng đáng với niềm tin với đồng nghiệp và thầy cô giáo của mình. Trong thời gian tới, mình tiếp tục triển khai các hướng nghiên cứu đang theo đuổi và có một số dự định khác xin được phép bí mật bạn nhé”, cô vui vẻ chia sẻ khi được hỏi về dự định sắp tới.

“Giáo viên là một nghề đặc biệt thú vị!”

Trong thời đại xã hội phát triển như ngày nay, áp lực đặt lên vai giáo viên ngày càng “nặng ký” hơn. Ở một thế giới phẳng khi mà người học có nhiều điều kiện để cập nhật kiến thức qua nhiều kênh khác nhau thì nếu không có đủ kiến thức, không vững vàng về kinh nghiệm, người giáo viên sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tự nhận định như vậy, cô Phan Thị Nguyệt Hoa cho rằng đã làm nghề giáo thì phải học hỏi không bao giờ ngừng.

Nhọc là vậy, cô vẫn cảm thấy chẳng nghề nào thú vị như nghề giáo, đặc biệt trong môi trường làm việc của Trường Đại học Ngoại ngữ. Giải thích về điều này, cô có chia sẻ về một kỷ niệm khi mới “chân ướt chân ráo” đến trường dạy.

“Nhân ngày 8-3, một bạn trai đại diện lớp lên tặng hoa cô giáo. Mình nói với em ấy: lớp mình có rất nhiều bạn nữ, vì vậy, cô đề nghị em hát một bài để dành tặng cho các bạn ấy. Bạn trai vui vẻ nhận lời và hát ca khúc “Mối tình đầu” của nhạc sĩ Thế Duy. Em ấy đứng giữa lớp một cách rất chuyên nghiệp và hát to: Ngày xưa, tôi thầm yêu một LÀNG thiếu nữ… Bạn trai đã không thể hát tiếp vì cả lớp cười ầm lên do phát hiện ra lỗi nói ngọng của bạn từ “nàng” thành “làng”. Và bạn gái ngồi bên cạnh cười ngặt nghẽo kéo áo ra vẻ trách móc: “yêu một cô còn chả xong nữa là yêu một làng thiếu nữ”. Thật là một câu chuyện vui có thực và bổ sung cho tôi một ví dụ minh họa về âm đầu trong hệ thống âm vị tiếng Việt”, cô cười tươi khi nhớ lại chuyện cũ mà tưởng chừng mới hôm qua.

dsc_1495

Bên cạnh giảng dạy, cô Phan Thị Nguyệt Hoa cũng rất thích du lịch để khám phá về các nền văn hóa đặc sắc

Vẫn cứ là trẻ con khi đến ngày 20/11

Đã làm giáo viên được nhiều năm, trải qua bao cái “ngày của chúng ta” nhưng mỗi khi gần đến ngày Nhà giáo Việt Nam là cô Phan Thị Nguyệt Hoa lại cảm thấy xốn xang, thấy mình như trẻ con khi mong ngóng tới “Tết” của giáo viên. Cô vẫn còn rất nhiều dự định và kế hoạch sắp tới, nhưng trong ngày này hàng năm, cô đều tạm gác khối công việc đồ sộ này để trân trọng cảm giác của một người đứng trên bục giảng.

Cô Phan Thị Nguyệt Hoa: “Nhân ngày 20/11, mình xin được chúc các thầy cô, các bạn đồng nghiệp và các em sinh viên mạnh khỏe, gặt hái nhiều thành công trong nghề nghiệp và học tập.”

Nguyễn Thủy – Việt Khoa/ULIS Media