“Cảm ơn Ngoại ngữ đã chắp cánh cho những hoài bão mà tôi đang theo đuổi” – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

“Cảm ơn Ngoại ngữ đã chắp cánh cho những hoài bão mà tôi đang theo đuổi”

ULIS Media trân trọng giới thiệu bài phát biểu của em Bùi Thanh Hằng, Sinh viên CTĐT thứ hai tại lễ trao bằng cho các sinh viên tốt nghiệp đợt tháng 3/2019 diễn ra vào ngày 12/4/2019.

BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐẠI DIỆN TÂN SINH VIÊN TẠI LỄ BẾ GIẢNG VÀ TRAO BẰNG TỐT NGHIỆP ĐỢT THÁNG 3/2019

Kính thưa Ban Giám Hiệu Nhà trường,

Thưa các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh,

Cũng như toàn thể các bạn sinh viên, hay nói đúng hơn là các bạn tân cử nhân đang có mặt tại buổi lễ tốt nghiệp ngày hôm nay!

Tôi tên là Bùi Thanh Hằng, sinh viên bằng kép khóa QH2015. Hôm nay, rất vinh dự cho tôi được đại diện cho các sinh viên bằng kép của Trường Đại học Ngoại ngữ được chia sẻ đôi điều dưới góc độ của một tân cử nhân khóa QH2015 về quãng thời gian mà chúng ta đã cùng đi qua.

Tại buổi lễ tốt nghiệp này, tôi xin kể một câu chuyện như gói lại những chặng đường mà chúng ta đi qua trước khi bước đến một đoạn đường mới với những thử thách mới. Tôi nghĩ câu chuyện này không hẳn là của riêng tôi mà đâu đó sẽ nhìn thấy những nét chung với nhiều bạn tân cử nhân tốt nghiệp ngày hôm nay.

Thời gian đầu đối với tôi không có quá sốc lắm về cuộc sống đại học tại Ngoại ngữ vì ít nhiều tôi đã trải qua 2 năm học ở bên trường ngành 1 của mình là Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn. Tôi hiểu học đại học là như thế nào và chẳng còn quá bỡ ngỡ nữa. Thế nhưng điều mà bắt đầu làm tôi choáng đó chính là những ngày phải chạy deadline cho cả việc học bên trường Nhân văn và trường Ngoại ngữ. Và việc đó thì là một việc thường như cơm bữa. Tôi vẫn nhớ những ngày làm bài tập nhóm, tất cả mọi người gần như khó tìm được thời gian rảnh để gặp mặt nhau vì tôi và các bạn trong lớp đều đến từ nhiều trường, nhiều ngành khác nhau, có mỗi người một thời gian biểu; có chăng nếu tìm ra điểm chung thì đó là sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Như học chính quy thì làm bài tập nhóm có thể sẽ đỡ vất vả hơn vì thường xuyên gặp nhau nhưng với những sinh viên bằng kép thì thực sự là phải tranh thủ, cố gắng tận dụng từng giây từng phút để sao cho mọi thành viên trong nhóm có mặt đầy đủ. Đôi khi không chỉ dừng lại ở việc học 2 trường, tôi cũng như nhiều bạn khác cũng có những công việc làm thêm. Nhiều hôm tối muộn mới nhắn tin được cho nhau thảo luận về bài học hay ngồi chỉnh sửa, làm video đến gần 2-3h sáng để cho kịp bài thuyết trình lúc 7h. Dù vất vả là vậy, nhưng chính những điều ấy lại tạo ra cho chúng tôi biết bao kỷ niệm để thỉnh thoảng lại ngồi kể cho nhau nghe. Và cũng nhờ những khó khăn ấy mà tôi và các bạn lớn lên, trưởng thành hơn. Tuyệt vời hơn nữa, các thầy cô luôn bên cạnh với những câu chuyện chia sẻ như lời động viên và là những người khơi nguồn cảm hứng cho sinh viên khiến con đường phía trước bớt gian nan hơn. Tấm bằng đại học là quan trọng, nhưng đó mới chỉ là một minh chứng, một chứng nhận cho những cố gắng nỗ lực mà chúng ta đã có suốt những năm tháng vừa qua mà thôi. Điều quan trọng nhất chúng ta có được đó chính là kiến thức, và những kỹ năng thông qua những thử thách mà chúng ta đã trải qua.

Điều tôi muốn nói đó chính là Ngoại ngữ không chỉ mang đến cho chúng ta một hành trang vững chắc cho quãng đường đời mà còn đưa đến cho chúng ta những người đồng hành tuyệt vời luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, có thể đi cùng ta đến bất cứ nơi đâu.

Thưa các bạn, để đến được ngày hôm nay, tôi nghĩ cần phải có những lời tri ân và sự biết ơn.

Lời tri ân trước tiên xin được dành tặng đến bố mẹ, những người luôn bên cạnh ta, động viên ta qua những gian khó… Trong suốt những năm tháng qua, dưới mái trường này, chúng con đã lớn lên nhờ “Cơm Cha, áo Mẹ, chữ Thầy”. Lặng lẽ, ân tình và gửi gắm biết bao hi vọng, Cha Mẹ và gia đình luôn là nguồn động viên vững chắc, luôn dõi theo bước đường chúng con đi. Tận đáy lòng mình, chúng con xin chân thành cảm ơn và khắc ghi công ơn trời biển này.

Lời tri ân thứ 2, là lời trân trọng chúng em xin gửi tới các thầy, các cô. tục ngữ có câu “Không thầy đố mày làm nên”. Thầy cô như những ngọn nến thắp lên trong mỗi chúng em những ước mơ và niềm tin vào tương lai tươi sáng. Thầy cô không những là người trang bị những kiến thức, kỹ năng mà còn là chỗ dựa tinh thần, là tấm gương về đạo đức, nhân cách cho mỗi sinh viên chúng em. Công việc của các cán bộ công nhân viên của Nhà trường lại càng lặng lẽ và âm thầm hơn. Thay mặt cho các bạn sinh viên, em xin trân thành cảm ơn các thầy, các cô đã luôn giúp đỡ và ở bên cạnh chúng em.  Người ta có câu “Thành công của học trò là hạnh phúc của người thầy”. Vì vậy, chúng em xin hứa, sẽ cố gắng hơn nữa để không phụ sự kì vọng của các thầy cô.

Lời cảm ơn cuối cùng chính là dành tặng cho tất cả chúng ta bởi chúng ta đã luôn cố gắng, đã không bỏ cuộc, và đã cùng nhau đi đến ngày hôm nay. Có một câu nói rất nổi tiếng mà tôi vô cùng tâm đắc. Khi kết thúc bài phát biểu của mình tại buổi lễ Tốt nghiệp tại Trường Đại Học Stanford năm 2005, Cố chủ tịch Apple, ngài Steve Jobs thay vì chúc những Tân cử nhân thành công, ông lại chúc “Stay Hungry, Stay Foolish” – “Hãy cứ khát khao, hãy luôn dại khờ”. Chúng ta bắt đầu ngưng ước mơ từ khi nào? Từ khi chúng ta biết: Đời không đánh thuế ước mơ, bởi vì ước mơ vốn không có giá trị gì cả” Ước mơ không giúp chúng ta qua được cơn đói, ước mơ không giúp chúng ta không gặp thất bại… Vậy thì, người ta vẫn cứ khuyên nhau hãy cứ ước mơ để làm gì? Vì còn ước mơ mới còn nỗ lực. Cũng giống như việc trồng một cái cây, nhưng mãi mà nó chẳng lớn. Ngày nào mình còn mơ một ngày nào đó nó sẽ vươn rộng thân mình che bóng mát, thì ngày ấy mình còn nỗ lực chăm sóc, tỉa tót cho nó. Và biết đâu được, nó sẽ phát triển trong một tương lai không xa. Nhưng nếu một ngày, mình không còn mơ đến việc nó sẽ cao hơn, sẽ ra thêm lá, sẽ mọc thêm cành nữa, thì tự nhiên mình sẽ mặc nhiên bỏ mặc chờ nó chết, và tất nhiên nó sẽ chết. Cuộc sống của chúng ta cũng như cái cây kia. Có đôi lúc, chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống của chúng ta là một chuỗi thất bại liên tiếp, mình hoang mang, mình mất tinh thần, mình sống cùng với những sợ hãi và buồn chán… Bản thân chúng ta cũng nhiều khi hoài nghi về con đường mình đang đi. Nó có quá ngu ngốc không? Nó có rủi ro không? Dẫu vậy, chúng ta cũng đừng ngừng theo đuổi ước mơ, đừng đánh mất niềm tin vào chính mình. Tài sản lớn nhất khi chúng ta còn trẻ không phải là tuổi thanh xuân, cũng không phải là dung mạo đẹp đẽ, không phải là sức lực dồi dào, mà là chúng ta có cơ hội để phạm sai lầm. Nếu như khi còn trẻ chúng ta không thể theo đuổi những ước mơ cháy bỏng trong tim, làm theo những việc bản thân mình cảm thấy nên làm, đương đầu với mọi thử thách, vậy thì tuổi trẻ của chúng ta quả là đã lãng phí.

Từ ngày mai, chúng ta sẽ chính thức không còn đăng nhập vào portal sinh viên và lo lắng về việc đăng ký môn học, mong ngóng những điểm số hiện trên hệ thống. Tất cả giờ sẽ chỉ còn là những kỉ niệm để ta nhớ về. Tuy nhiên, chúng ta sẽ mãi mãi là một phần của nhau, mãi mãi là một phần của Ngoại ngữ. Tôi xin cảm ơn Ngoại ngữ đã là một phần tuổi trẻ của tôi, đã là nơi chắp cánh cho những hoài bão mà tôi đang theo đuổi và tôi cũng xin cảm ơn các bạn đã là một phần của tuổi thanh xuân này. Lời cuối cùng, tôi xin mạn phép được nhắc lại lời chúc của Cố chủ tịch của Apple, ngài Steve Jobs, để chúc cho chính chúng ta: “Hãy luôn khát khao, hãy luôn dại khờ”.

Xin trân trọng cảm ơn!

Kính thưa thầy cô, cho phép em và sinh viên cho khóa bằng kép QH2015 được gửi tới thầy cô một bó hoa tươi thắm cùng lời biết ơn sâu sắc nhất. Xin trân trọng kính mời TS. thầy Đỗ Tuấn Minh, Hiệu trưởng trường ĐHNN, DDHQGHN, đại diện cán bộ, giảng viên Nhà trường nhận tấm lòng của chúng em. (Xin mời các bạn sinh viên cùng đứng dậy để cùng gửi tặng món quà này tới thầy cô).