Sơ kết giai đoạn 1 triển khai Đề tài KHCN trọng điểm cấp Nhà nước thuộc chương trình Tây Bắc – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Sơ kết giai đoạn 1 triển khai Đề tài KHCN trọng điểm cấp Nhà nước thuộc chương trình Tây Bắc

Ngày 7/2/2018, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Sơ kết giai đoạn 1 triển khai Đề tài KHCN trọng điểm cấp Nhà nước thuộc chương trình Tây Bắc.

Tham dự buổi sơ kết có Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh, Trưởng phòng KHCN, Trưởng phòng KHTC và các thành viên trong nhóm nghiên cứu đề tài.

Chương trình Tây Bắc

Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2013 – 2018 “KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” là sự cụ thể hoá chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước: Coi KH&CN là quốc sách hàng đầu. Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức các ngành Hải quan, Ngoại vụ, Du lịch và Biên phòng để thực thi công vụ và dịch vụ trong xu thế hội nhập quốc tế ở vùng Tây Bắc” thuộc Chương trình này là dự án trọng điểm cấp Nhà nước lớn nhất từ trước đến nay mà Trường Đại học Ngoại ngữ đã đấu thầu thành công, được Giám đốc ĐHQGHN, Chủ nhiệm Chương trình phê duyệt và ký hợp đồng ngày 30/10/2017.

Đề tài có sự tham gia của những cán bộ khoa học, chuyên gia đào tạo nhiều năm kinh nghiệm trong việc tổ chức và quản lý đào tạo cho các đối tượng khác nhau, cả sinh viên, học viên chuyên ngữ lẫn không chuyên với mục đích và nhu cầu sử dụng ngoại ngữ đa dạng. Được thừa hưởng các thành quả của các công trình nghiên cứu đi trước, trên quan điểm kế thừa những giá trị trong kho tàng văn hóa bản địa, tiếp thu những bài học kinh nghiệm đã được đúc kết từ những dự án, đề tài hứa hẹn có những đề xuất mang tính đột phá về mặt hiệu quả trong việc xây dựng mô hình nâng cao năng lực tiếng Anh và tiếng Trung Quốc phù hợp với điều kiện thực tiễn và đặc biệt nhấn mạnh việc đáp ứng đúng và hiệu quả nhu cầu sử dụng của cán bộ viên chức các ngành Hải quan, Ngoại vụ, Du lịch và Biên phòng trong thực tế thực thi công vụ và dịch vụ.

Tại cuộc họp, PGS. TS. Nguyễn Lân Trung đã trình bày kết quả sơ kết triển khai giai đoạn 1 của đề tài. Trong thời gian vừa qua, nhóm đã tiến hành khảo sát tại một số tỉnh Tây Bắc như Điện Biên, Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai. Nhóm nghiên cứu đã nhận được sự giúp đỡ của các đơn vị tham gia khảo sát. Nhu cầu nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức các ngành Hải quan, Ngoại vụ, Du lịch và Biên phòng được đánh giá rất cao nhưng công tác bồi dưỡng vẫn còn nhiều hạn chế. Nhóm cũng đã thu được những tư liệu giá trị, xây dựng được các sản phẩm về 5 nội dung như: Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí, bộ công cụ đánh giá thực trạng năng lực tiếng Anh, tiếng Trung và nhu cầu sử dụng ngoại ngữ của cán bộ, công chức, viên chức các ngành Hải quan, Ngoại vụ, Du lịch và Biên phòng; Nghiên cứu thực tiễn đánh giá năng lực sử dụng ngoại ngữ của cán bộ, công chức, viên chức các ngành Hải quan, Ngoại vụ, Du lịch và Biên phòng; Nghiên cứu xây dựng mô hình nâng cao năng lực ngoại ngữ để thực thi công vụ và dịch vụ vùng Tây Bắc; Nghiên cứu phát triển chương trình, xây dựng tài liệu giảng dạy và các điều kiện thực thi để nâng cao năng lực tiếng Anh; Nghiên cứu phát triển chương trình, xây dựng tài liệu giảng dạy và các điều kiện thực thi để nâng cao năng lực tiếng Trung.

Ngoài ra, nhóm cũng đã thảo luận về những đề xuất, hướng triển khai, giải pháp, sản phẩm, lộ trình triển khai công việc trong thời gian tới theo tiêu chí hiệu quả, thực tiễn là quan trọng nhất.

Chương trình Tây Bắc

Phát biểu tại buổi sơ kết, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh nhận định “Nghiên cứu xây dựng mô hình nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức các ngành Hải quan, Ngoại vụ, Du lịch và Biên phòng để thực thi công vụ và dịch vụ trong xu thế hội nhập quốc tế ở vùng Tây Bắc” là một đề tài mang nhiều ý nghĩa. Do đó, Hiệu trưởng mong rằng các thành viên trong nhóm sẽ tích cực triển khai các công việc để hoàn thành đề tài đúng thời hạn. Bên cạnh đó, nhóm cũng cần chú trọng thực hiện các sản phẩm cụ thể liên quan đến đề tài này để nâng cao tính thực tiễn của công trình. Những ý kiến chỉ đạo của Chủ nhiệm đề tài đã được các thành viên trong nhóm ghi nhận và tiến hành triển khai thực hiện các nhiệm vụ còn lại.

Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media