Tọa đàm Xu hướng nghiên cứu về dạy-học ngoại ngữ trong thời kỳ mới và định hướng khoa học công nghệ của ULIS giai đoạn 2019-2025 – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Tọa đàm Xu hướng nghiên cứu về dạy-học ngoại ngữ trong thời kỳ mới và định hướng khoa học công nghệ của ULIS giai đoạn 2019-2025

Ngày 9/5/2019, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Xu hướng nghiên cứu về dạy – học ngoại ngữ trong thời kỳ mới và định hướng khoa học công nghệ của Trường giai đoạn 2019 – 2025” nhân kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5/2019).

Tham dự có Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông, lãnh đạo và chuyên viên Phòng Khoa học công nghệ, diễn giả và các cán bộ, giảng viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh quan tâm.

Tại tọa đàm, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông đã trình bày tham luận “Đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển KHCN Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN đến năm 2020”. Tham luận nêu rõ mục tiêu Trường ĐHNN – ĐHQGHN tiếp tục phát triển trở thành một trường đại học có uy tín trong khu vực theo định hướng nghiên cứu có tính ứng dụng, phát triển năng lực nghiên cứu phục vụ đất nước, đáp ứng nhu cầu xã hội, và cung cấp các luận cứ khoa học góp phần giải quyết các nhiệm vụ lớn của ĐHQGHN và đất nước, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến đổi mới và khoa học giáo dục. (Xem chi tiết tại đây).

Phó Hiệu trưởng cũng nhắc đến định hướng 10 nhiệm vụ lớn của Nhà trường trong giai đoạn 2020-2025 để các thầy cô nghiên cứu và áp dụng trong tìm và đăng ký đề tài là:
1.Đóng góp vào việc xây dựng chiến lược ngoại ngữ ổn định cho đất nước
2.Xây dựng và chuyển giao các mô hình đào tạo ngoại ngữ hiệu quả, phục vụ nhu cầu cụ thể của từng đối tượng người học
3.Nghiên cứu đặc điểm ngôn ngữ chuyên biệt và/hoặc đặc thù thể loại ngôn bản tiêu biểu theo ngành nghề của đội ngũ cán bộ, công chức viên chức các ngành, và xây dựng Khung năng lực ngoại ngữ gắn theo vị trí việc làm và/hoặc ngành nghề cụ thể và các công cụ, tiêu chí đánh giá liên quan
4.Đổi mới mô hình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ ở các cấp học
5.Xây dựng tài liệu dạy-học ngoại ngữ cho một số đối tượng người học cụ thể, đặc biệt là học sinh phổ thông, bổ trợ cho bộ sách giáo khoa và chương trình đào tạo mới
6.Phát triển năng lực giao tiếp liên văn hóa cho người học ngoại ngữ và các đối tượng liên quan
7.Chuẩn hóa công tác kiểm tra đánh giá ngoại ngữ, nghiên cứu lý luận và thực tiễn kiểm tra đánh giá ngoại ngữ
8.Xây dựng các nhóm/cộng đồng học thuật
9.Phát triển lý luận dịch thuật và đánh giá dịch thuật
10.Ứng dụng công nghệ thời đại 4.0 vào dạy-học ngoại ngữ

Tại tọa đàm đã có 3 báo cáo khác được trình bày. Trưởng phòng Đào tạo Hà Lê Kim Anh đã trình bày về việc “Đưa sản phẩm nghiên cứu khoa học giải quyết những nhu cầu bức thiết của giáo dục ngoại ngữ ở Việt Nam”. Báo cáo khẳng định là đơn vị đào tạo và nghiên cứu hàng đầu của cả nước, Trường ĐHNN ý thức về trách nhiệm của mình phấn đấu xây dựng một Đường hướng dạy và học ngoại ngữ phù hợp với thực tiễn Việt Nam và bắt kịp nền giáo học pháp ngoại ngữ thế giới, đồng thời thiết kế và xây dựng được các mô hình dạy và học ngoại ngữ đặc thù cho các đối tượng người học Việt Nam. Những sản phẩm của Nhà trường trong thời gian tới có thể kể ra theo từng lĩnh vực như: Đào tạo ngoại ngữ (đào tạo giáo viên, nghiên cứu và chuyển giao kết quả nghiên cứu, các chương trình và mô hình bồi dưỡng giáo viên, các chương trình và khóa học ngoại ngữ), biên phiên dịch (khóa học biên phiên dịch, sản phẩm dịch thuật, sản phẩm phục vụ xã hội và dịch thuật), quốc tế học (nghiên cứu về quốc tế học, sách tiếng Việt mang tính chất thường thức, sách tham khảo hoặc khóa học ngắn),…

Trưởng khoa tiếng Anh Vũ Thị Thanh Nhã đã có những chia sẻ sâu sắc về “Sự biến đổi trong phương pháp giảng dạy kết hợp nội dung chuyên ngành và ngôn ngữ”. Những thay đổi về mặt phương pháp là một thực tế tất yếu với những phương pháp mới ra đời kế thừa từ những phương pháp sẵn có. TS. Vũ Thị Thanh Nhã đã đưa ra nhiều kiến thức xoay quanh việc đi tìm phương pháp giảng dạy phù hợp với người Việt Nam, những đóng góp và sự thay đổi trong phương pháp giảng dạy, lịch sử ra đời và đóng góp của nghiên cứu giáo dục song ngữ, tiếng Anh chuyên ngành,… Qua đó, TS. Vũ Thị Thanh Nhã khẳng định xu hướng ngày nay là phụ thuộc vào sự sáng tạo của mỗi cá nhân bởi ko có phương pháp nào đảm bảo chắc chắn sự thành công.

Phó Giám đốc Trung tâm Khảo thí Trần Thị Thu Hiền đã trình bày báo cáo về “Định vị Trường ĐHNN-ĐHQGHN trong bản đồ nghiên cứu khảo thí ngoại ngữ khu vực châu Á”. Báo cáo chỉ ra rằng Khảo thí ngôn ngữ là một lĩnh vực khoa học, chuyên môn có tính chất chuyên ngành, chuyên sâu, nhưng cũng bao gồm nhiều khía cạnh, vấn đề, có tiềm năng lớn cho các nghiên cứu đa ngành, liên ngành. Nghiên cứu trong lĩnh vực khảo thí ngôn ngữ bao gồm cả các nghiên cứu mang tính lý thuyết, mô hình, cũng như các nghiên cứu mang tính ứng dụng. Trường Đại học Ngoại ngữ đang thực hiện các nghiên cứu về khảo thí ngoại ngữ theo các định hướng trên. Nhà trường đã và đang không chỉ giữ vững và phát huy vị thế vốn là nhất, là đầu, là tuyệt đối tới nay của mình trong đổi mới giáo dục và kiểm tra, đánh giá ngoại ngữ tại Việt Nam, mà còn đang không ngừng nỗ lực xây dựng và khẳng định vị thế của mình trong bản đồ nghiên cứu khảo thí ngôn ngữ của Châu Á và quốc tế. Những thành công đã có là đáng ghi nhận, nhưng rất cần có sự ủng hộ, tạo điều kiện và những định hướng, chiến lược phù hợp từ các cấp lãnh đạo, từ Đại học Quốc gia Hà Nội, từ Bộ Giáo dục và Đào tạo để nhà trường tiếp tục có thêm những thành công mới trong lĩnh vực này.

Tại tọa đàm, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông cũng giải đáp nhiều thắc mắc của các thầy cô về việc nghiên cứu khoa học, đăng ký đề tài, phương pháp nghiên cứu, lập kế hoạch,… Tọa đàm đã thu hút khoảng 30 đại biểu đến tham dự và nghe chia sẻ.

Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media