Hội thảo quốc gia 2019: “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam”
Ngày 26/4/2019 tại Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia năm 2019: “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam”. Đây là hoạt động thường niên do ba trường Đại học Ngoại ngữ ở Việt Nam là ĐH Ngoại ngữ-ĐHQGHN, ĐH Ngoại ngữ-ĐH Đà Nẵng và ĐH Ngoại ngữ-ĐH Huế phối hợp tổ chức.
Đến dự hội thảo có đại diện của ba trường Đại học Ngoại ngữ, đại diện lãnh đạo các trường đại học, học viện và các đơn vị đào tạo, nghiên cứu đối tác cùng đông đảo giảng viên, nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh, học viên cao học trên cả nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông vui mừng cho biết trong 4 năm qua, Hội thảo khoa học quốc gia “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam” theo 3 lĩnh vực về đào tạo và nghiên cứu của Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN đã trở thành một điểm đến thường niên, quy tụ các giảng viên, nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh, học viên cao học trên cả nước. Ở hội thảo năm nay, Ban tổ chức đã nhận được khoảng 100 bài viết với những nội dung phong phú, những góc nhìn đa dạng, những kết quả nghiên cứu thú vị cùng những kinh nghiệm quý báu, hữu ích. Nhấn mạnh 10 nhiệm vụ lớn của Nhà trường trong giai đoạn 2020-2025, Phó Hiệu trưởng mong sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác, ủng hộ, đóng góp trí lực và công sức của các nhà khoa học, giảng viên và cộng đồng học thuật trong cả nước. PGS. TS. Lâm Quang Đông hy vọng Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài và chuỗi hội thảo quốc tế và sinh hoạt khoa học về khảo thí/kiểm tra đánh giá ngoại ngữ (16-20/10/2019) sẽ nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các đại biểu.
Báo cáo “Ứng dụng ngôn ngữ học tính toán trong nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ” của PGS.TS. Đinh Điền, Trung tâm Ngôn ngữ học Tính toán Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG TP.HCM chỉ ra rằng trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay, các nghiên cứu mang tính liên ngành của ngôn ngữ học trên thế giới đã có những tiến bộ vượt bậc, đặc biệt là liên ngành Ngôn ngữ học Tính toán (Computational Linguistics) – một sự kết hợp giữa Ngôn ngữ học và Máy tính nhằm ứng dụng các mô hình tính toán trong xử lý ngôn ngữ. Theo tiếp cận liên ngành này, chúng ta có thể nghiên cứu các hiện tượng ngôn ngữ một cách định lượng, trực quan và mang lại nhiều ứng dụng trong thực tế như: biên soạn từ điển, biên soạn giáo trình, giảng dạy ngôn ngữ, giảng dạy ngoại ngữ, so sánh đối chiếu ngôn ngữ,… Báo cáo nêu lên các ứng dụng của Ngôn ngữ học Tính toán trong việc nghiên cứu tiếng Việt, so sánh đối chiếu tiếng Việt với các ngoại ngữ, giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và giảng dạy tiếng ngoại ngữ cho người Việt. Đánh giá cao sự phát triển của các phần mềm trợ giúp phiên dịch, tuy vậy, PGS.TS. Đinh Điền cũng khẳng định máy móc không thay thế con người mà chỉ hỗ trợ con người trong ngành dịch thuật.
Sau phiên toàn thể, các đại biểu nghe báo cáo và trao đổi tại 13 tiểu ban. Đã có 60 báo cáo được trình bày tại các tiểu ban. Mỗi báo cáo mang tới hội thảo những kết quả nghiên cứu đặc sắc riêng, những góc nhìn mới lạ, những kinh nghiệm, tâm huyết và cả những ý tưởng nghiên cứu mới về các lĩnh vực như phương pháp giảng dạy, văn học, văn hóa và quốc tế học, lý luận ngôn ngữ và dịch thuật.
Một số đề tài đặc sắc có thể kể ra như: “Các yếu tố ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp của học sinh Trung học phổ thông chuyên tiếng Anh”, “Chuyển di tích cực trong quá trình học viết tiếng Anh của sinh viên cao đẳng không chuyên”, “Tăng cường tính tự chủ học tập môn viết thông qua phản hồi đồng đẳng trong diễn đàn trực tuyến”, “Giáo dục ngoại ngữ Hậu phương pháp: Một cách áp dụng vào thực tiễn lớp học”, “Lồng ghép trò chơi ngôn ngữ trong tiết học tiếng Anh nhằm nâng cao chất lượng dạy và học”, “Chiến lược ngoại ngữ: chìa khóa đưa Việt Nam bước vào quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và mạnh mẽ”, “Người Pháp và sốc văn hóa ẩm thực Việt Nam”, “Sự khác biệt văn hóa giữa Trung Quốc và Phương Tây qua việc dùng đũa và dao dĩa trong ăn uống”, “Trừu tượng hóa vỏ ngôn ngữ và bước diễn đạt trong quy trình dịch”, “Chiến lược giao tiếp lịch sự thông qua chương trình debate tiếng Việt và tiếng Nhật”,… Chất lượng báo cáo không chỉ được thể hiện qua phần báo cáo mà còn ở phần thảo luận sôi nổi sau đó.
Đặc biệt, bên lề hoạt động báo cáo tại các tiểu ban còn có hai hội thảo (workshop) do PGS. Paradowski (Ba Lan) là diễn giả về chủ đề “Giáo dục song ngữ và đa ngôn ngữ” và “Giảng dạy năng lực ngữ dụng và năng lực ngôn ngữ nước ngoài thông qua tiếng mẹ đẻ (Giới thiệu mô hình Interface)”. Hai hội thảo đều nhận được sự quan tâm đông đảo của các đại biểu.
Hội thảo quốc gia năm 2019 “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam” khép lại sau một ngày làm việc sôi nổi và đã thu hút khoảng 550 đại biểu tham dự.
10 nhiệm vụ lớn của Nhà trường trong giai đoạn 2020-2025: 1.Đóng góp vào việc xây dựng chiến lược ngoại ngữ ổn định cho đất nước 2.Xây dựng và chuyển giao các mô hình đào tạo ngoại ngữ hiệu quả, phục vụ nhu cầu cụ thể của từng đối tượng người học 3.Nghiên cứu đặc điểm ngôn ngữ chuyên biệt và/hoặc đặc thù thể loại ngôn bản tiêu biểu theo ngành nghề của đội ngũ cán bộ, công chức viên chức các ngành, và xây dựng Khung năng lực ngoại ngữ gắn theo vị trí việc làm và/hoặc ngành nghề cụ thể và các công cụ, tiêu chí đánh giá liên quan 4.Đổi mới mô hình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ ở các cấp học 5.Xây dựng tài liệu dạy-học ngoại ngữ cho một số đối tượng người học cụ thể, đặc biệt là học sinh phổ thông, bổ trợ cho bộ sách giáo khoa và chương trình đào tạo mới 6.Phát triển năng lực giao tiếp liên văn hóa cho người học ngoại ngữ và các đối tượng liên quan 7.Chuẩn hóa công tác kiểm tra đánh giá ngoại ngữ, nghiên cứu lý luận và thực tiễn kiểm tra đánh giá ngoại ngữ 8.Xây dựng các nhóm/cộng đồng học thuật 9.Phát triển lý luận dịch thuật và đánh giá dịch thuật 10.Ứng dụng công nghệ thời đại 4.0 vào dạy-học ngoại ngữ |
Một số hình ảnh khác:
Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media