Xây dựng nhiều môn học mới hấp dẫn và đổi mới phương pháp giảng dạy các môn học đã có
Trong năm học 2019-2020, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động liên quan đến đổi mới các chương trình đào tạo theo hướng xây dựng thêm các môn học mới chưa từng được giảng dạy tại trường và đổi mới phương pháp dạy/học các môn học đã có.
Ngày 2/12/2019, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội nghị “Chia sẻ kinh nghiệm phát triển các môn học mới trong chương trình đào tạo” tại hội trường Vũ Đình Liên. Hội nghị nhằm chia sẻ kết quả trong hoạt động đổi mới các CTĐT, những trải nghiệm, phương pháp của các giảng viên trong quá trình dạy học trong học kỳ 1 năm học này.
Tham dự hội nghị có Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh; lãnh đạo và chuyên viên Phòng Đào tạo; Ban chủ nhiệm các đơn vị đào tạo; Trưởng, phó các bộ môn trực thuộc Trường, Khoa; Các giảng viên đang giảng dạy các môn học mới, các cán bộ, giảng viên quan tâm.
Phát biểu tại hội nghị, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh cho biết CTĐT có thể được coi là tài sản quan trọng và quý giá nhất của một trường đại học. Theo yêu cầu của xã hội và nền giáo dục hội nhập đầy cạnh tranh, các CTĐT phải liên tục được bổ sung, chỉnh sửa, cập nhập. Bên cạnh đó cũng cần bỏ bớt các môn không còn phù hợp nhu cầu và đưa thêm vào chương trình học các môn học mới (chủ yếu là tự chọn). Trong bối cảnh đó, Trường Đại học Ngoại ngữ cũng đã tích cực tiến hành đổi mới các CTĐT thông qua việc xây dựng nhiều môn học mới chưa có hay làm mới những CTĐT đã có, và việc làm này đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Hiệu trưởng mong tinh thần đổi mới ấy sẽ được lan tỏa trong toàn thể cán bộ giảng viên ULIS.
Trong chương trình, hội nghị đã nghe 10 tham luận liên quan đến công tác đổi mới các CTĐT, bao gồm: Đổi mới hoạt động giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu của thế kỷ 21; “Mô hình trồng cây” trong học phần Báo chí trực tuyến dành cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh tại Khoa SPTA; Quá trình xây dựng và tổ chức đào tạo học phần Toàn cầu hóa: Kiến tạo kết nối và tính chân thực; Tích hợp các hoạt động mô phỏng (simulation), làm Vlog và videoclip trong môn thực hành tiếng dành cho sinh viên năm 2 tại Khoa SPTA; Chia sẻ về việc tổ chức giảng dạy các học phần Tiếng Đức du lịch và Tiếng Đức du lịch nâng cao tại Khoa NN&VH Đức; Hoạt động đổi mới giảng dạy môn học Kỹ năng học tập thành công bậc đại học; Hoạt động đổi mới giảng dạy của môn học Tư duy Sáng tạo và Khởi nghiệp; Cảm thụ nghệ thuật – Làm mới môn học đã có và những kết quả ban đầu; Một số điểm mới của học phần Tìm hiểu về cộng đồng châu Á; Hoạt động đối mới giảng dạy của môn Tâm lý học đại cương. (Đọc thêm giới thiệu về các môn học và hoạt động đổi mới các môn học này tại đây).
Tham luận “Đổi mới hoạt động giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu của thế kỷ 21” của Trưởng phòng Đào tạo Hà Lê Kim Anh chia sẻ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sự biến đổi nghề nghiệp trong tương lai, sự chuyển dịch lao động trong khu vực, xu thế tự chủ đại học và cạnh tranh trong bối cảnh mới là những lý do chúng ta cần phải đổi mới giáo dục đáp ứng nhu cầu thế kỷ.
Nhà trường cần bổ sung các học phần mới và làm mới các học phần đã có và tổ chức các hoạt động giảng dạy theo hướng học tập tích hợp và trải nghiệm chủ động nhằm: Tạo ra môi trường giảng dạy-học tập để mỗi người học đều tham gia một cách trách nhiệm và đầy hứng khởi; Thúc đẩy việc học, học cách học và khơi dậy cam kết học tập suốt đời trong người học, trang bị các kỹ năng phục vụ cho việc học tập suốt đời (tư duy phản biện, kỹ năng phân tích thông tin, sẵn sàng thử nghiệm các ý tưởng và thực hành mới, v.v); Tổ chức cho người học trải nghiệm thực hành các hoạt động nghề nghiệp trong thực tiễn giáo dục.
Các tham luận khác đều tập trung vào những trải nghiệm đã triển khai trong năm học và giải pháp đã thực hiện để đổi mới hiệu quả các môn học. Việc triển khai giảng dạy các môn học như Tư duy sáng tạo và khởi nghiệp, Cảm thụ nghệ thuật, Tìm hiểu về cộng đồng châu Á,… đều đã cho thấy hướng đi đúng đắn trong định hướng đổi mới các CTĐT tại trường.
Hội nghị đã khép lại với nhiều thông tin bổ ích và các kinh nghiệm quý báu được chia sẻ. Trong học kỳ 2, Nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tập huấn và chia sẻ kinh nghiệm đổi mới các môn học cho giảng viên trường.
Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media