[UNC2022] Tọa đàm: “Sự va chạm và dung hòa giữa văn hóa bản địa Việt Nam và văn hóa Trung Quốc” – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

[UNC2022] Tọa đàm: “Sự va chạm và dung hòa giữa văn hóa bản địa Việt Nam và văn hóa Trung Quốc”

Ngày 30/11/2021 đã diễn ra tọa đàm chuyên đề trực tuyến với chủ đề “Sự va chạm và dung hòa giữa văn hóa bản địa Việt Nam và văn hóa Trung Quốc”. 

Nằm trong chuỗi các sự kiện của Hội thảo Quốc gia “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam” (UNC 2022), sự kiện được phối hợp tổ chức bởi Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Ngoại ngữ Văn Tảo.

Tọa đàm nhằm giới thiệu về văn hóa Việt Nam cũng như quá trình va chạm và dung hòa giữa văn hóa bản địa Việt Nam và văn hóa Trung Quốc qua một số thời kỳ lịch sử tiêu biểu. Bên cạnh đó, người tham dự cũng có cơ hội trao đổi, tương tác với các chuyên gia, học giả của Việt Nam và Trường Đại học Ngoại ngữ Văn Tảo về những vấn đề có liên quan trong phiên thảo luận.

Phát biểu khai mạc, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh cho biết trong hơn 65 năm thành lập và phát triển, Trường Đại học Ngoại ngữ đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu về giáo dục ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học. Nhà trường có mối quan hệ mật thiết với nhiều tổ chức quốc tế, trường đại học trên thế giới, một trong số đó là Trường Đại học Ngoại ngữ Văn Tảo. 

Tọa đàm lần này do hai trường phối hợp tổ chức mang tính thời sự cao, với nhiều ý nghĩa khi gần đây những vấn đề về giá trị văn hóa, giá trị con người, giữ gìn bản sắc dân tộc nhận được nhiều sự quan tâm trên truyền thông đại chúng. Điều đó lý giải tại sao tọa đàm đã thu hút sự quan tâm đông đảo của các nhà nghiên cứu, các thầy cô giáo cũng như các bạn sinh viên. 

Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh cũng bày tỏ mong muốn của Nhà trường về phát triển mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động nghiên cứu khoa học trong thời gian tới, mà trong đó chuỗi các tọa đàm, hội thảo hướng tới UNC 2022 là một minh chứng cho điều đó.

Về phía Trường Đại học Ngoại ngữ Văn Tảo, Phó Hiệu trưởng Hứa Hoài Thi cho biết hai trường đã có mối quan hệ lâu dài, hữu hảo. Bà tin tưởng tọa đàm phần nào giúp các học giả, chuyên gia, các thầy cô giáo và học sinh sinh viên có cơ hội tìm hiểu về kiến thức và giao lưu với nhau.

Tham dự tọa đàm có các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa của các trường đại học: về phía Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội có TS. Đinh Văn Hậu, TS. Phạm Minh Tiến, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Anh, TS. Lê Xuân Khai. Về phía Trường Đại học Ngoại ngữ Văn Tảo có TS. Lin Jianxun và GS. Xu Hanchang. Về phía Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQGHN có TS. Lê Văn Cường.

Trên nền tảng Zoom, các đại biểu đã được lắng nghe báo cáo chuyên đề của Tiến sĩ Đinh Văn Hậu – Trưởng Bộ môn Văn hóa Văn minh, Khoa NN&VH Trung Quốc với chủ đề: “Sự va chạm và dung hòa giữa văn hóa bản địa Việt Nam và văn hóa Trung Quốc”. Qua đó, diễn giả đã chia sẻ về lịch sử, ảnh hưởng, mối tương quan giữa văn hóa hai khu vực.


Sau báo cáo chuyên đề là phần thảo luận bàn tròn với sự tham gia của các chuyên gia trong ngành. Nhiều ý kiến thắc mắc cũng đã được đại biểu đưa ra để lắng nghe chia sẻ, giải đáp chuyên môn.

Thảo luận bàn tròn

Phát biểu bế mạc, PGS.TS. Lâm Quang Đông – Phó Hiệu trưởng Nhà trường đánh giá chủ đề của tọa đàm rất đa dạng và phong phú, với sự tham gia của các chuyên gia và đại biểu đã tạo nên một buổi tọa đàm mặc dù không dài nhưng rất thú vị và hấp dẫn.

Tọa đàm chuyên đề trực tuyến chủ đề “Sự va chạm và dung hòa giữa văn hóa bản địa Việt Nam và văn hóa Trung Quốc” thu hút gần 1.000 người đăng ký và gần 800 người tham dự.

Ngọc Anh/ULIS Media