ULIS tham gia Tọa đàm lấy ý kiến đối với dự thảo chuẩn CTĐT khối ngành Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài trình độ đại học – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

ULIS tham gia Tọa đàm lấy ý kiến đối với dự thảo chuẩn CTĐT khối ngành Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài trình độ đại học

Ngày 2/10/2023, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tham gia Tọa đàm lấy ý kiến đối với dự thảo chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài trình độ đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức trên nền tảng Zoom Meeting.

Tọa đàm có sự tham gia của PGS.TS. Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học; PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, PGS.TS. Phan Văn Hoà, Chủ tịch Hội đồng thẩm định; các thầy cô trong Ban thẩm định và Ban tư vấn.

Về phía Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN có Phó Hiệu trưởng Hà Lê Kim Anh; đại diện Phòng Tổ chức Cán bộ, Phòng Đào tạo và đại diện các đơn vị có liên quan.

Mở đầu chương trình, PGS.TS. Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học chia sẻ để thực hiện chương trình công tác năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Huế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tọa đàm để lấy ý kiến về dự thảo chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài trình độ đại học. Nhằm hoàn thiện bản dự thảo để trình lên Bộ Giáo dục và Đào tạo theo đúng kế hoạch, PGS.TS. mong muốn các đại biểu sẽ tích cực tham gia đóng góp trong khuôn khổ buổi tọa đàm.

Tiếp theo chương trình, đại diện Hội đồng tư vấn đã báo cáo về công tác xây dựng chuẩn CTĐT; Nội dung dự thảo chuẩn CTĐT; Hướng dẫn sử dụng CTĐT theo đúng khối ngành.

Chương trình đào tạo khối ngành Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài nhằm trang bị cho người học tốt nghiệp kiến thức sâu rộng và năng lực ngôn ngữ, văn học, và văn hóa nước ngoài để giải quyết tốt các công việc thuộc ngành nghề chuyên môn như biên dịch, phiên dịch, du lịch, nghiên cứu ngôn ngữ, và các lĩnh vực khác có sử dụng ngôn ngữ đã được đào tạo, năng lực tự bồi dưỡng phát triển chuyên môn nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao kiến thức của bản thân, nhu cầu phát triển của xã hội và của nền kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế.

Tọa đàm đã khép lại sau thời gian thảo luận tích cực.

Trương Phượng/ĐSTT