Tọa đàm: Phương pháp dạy học hiệu quả dùng tiếng Anh làm phương tiện tại các trường đại học
Ngày 1/11/2022 tại hội trường Sunwah đã diễn ra tọa đàm với chủ đề “Phương pháp dạy học hiệu quả dùng tiếng Anh làm phương tiện tại các trường đại học: Bài học thực tế và cách tiếp cận”.
Tọa đàm do Khoa tiếng Anh, Cộng đồng chuyên môn Nghiên cứu liên ngành trong giáo dục ngoại ngữ và Cộng đồng chuyên môn Phát triển chương trình và học liệu phối hợp tổ chức.
Tham dự tọa đàm có đại diện Phòng KHCN, giảng viên Khoa tiếng Anh, các thành viên của COP Nghiên cứu liên ngành trong giáo dục ngoại ngữ và COP Phát triển chương trình và học liệu, và khoảng 40 thầy cô quan tâm đến từ các tổ chức và trường đại học khác nhau ở Việt Nam.
Diễn giả tọa đàm gồm có: PGS. TS. Li-Khan Chen, PGS. TS. Pei Ju Tsai, PGS. TS. Szu-Yuan Peng (Đại học Tô Châu, Trung Quốc), PGS. TS. Mai Anh Tuấn (Đại Học Công Nghệ, ĐHQGHN), ThS. Nguyễn Ngọc Mai (Khoa Tiếng Anh, ĐHNN, ĐHQGHN).
Phát biểu khai mạc, TS. Vũ Thị Thanh Nhã cho biết tọa đàm được tổ chức với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm dạy học tiếng Anh, kết nối và giao lưu giữa các thầy cô giáo dạy tiếng Anh. Nằm trong chương trình hoạt động của hai COP, tọa đàm mong rằng sẽ đem lại nhiều kiến thức bổ ích cho các thầy cô.
Có 3 tham luận được trình bày tại tọa đàm, bao gồm: Việc học trực tuyến có yếu tố cộng tác Quốc tế (Kinh nghiệm giảng dạy kết hợp hướng dẫn bằng Tiếng Anh qua dự án trong bối cảnh trực tuyến đồng bộ và không đồng bộ) [PGS.TS. Li-Kanz Chen, Khoa Khoa học chính trị, Đại học Tô Châu; PGS.TS. Peiju Tsai & PGS. TS. Szu- Yuan Peng, Đại học Tô Châu]; Tiếng Anh phát triển nghề nghiệp-Một khóa học EMI mới của Khoa Tiếng Anh [ThS. Nguyễn Ngọc Mai, Giảng viên Khoa Tiếng Anh- ĐHNN- ĐHQGHN]; Xây dựng và giảng dạy khóa học EMI tại trường Đại học Công nghệ- ĐHQGHN- Phương pháp và kinh nghiệm [PGS. TS. Mai Anh Tuấn, Trường Đại học Công Nghệ, ĐHQGHN].
Đến phần thảo luận, các diễn giả và đại biểu đã tích cực tương tác và trao đổi về nhiều vấn đề như: “Làm thế nào để các giáo viên từ các trường đại học khác nhau thống nhất về chương trình giảng dạy và hình thức đánh giá?” PGS. TS. Li-Khan Chen cho rằng mỗi giáo viên có thể có một cách tiếp cận khác nhau và phong cách học tập của học sinh từ mỗi quốc gia có thể khác nhau. Tuy nhiên, bằng cách cho thấy môn học này được giảng dạy ở mỗi quốc gia như thế nào, các giáo viên có thể giúp học sinh nhận ra sự khác biệt về văn hóa. Với câu hỏi “Làm thế nào để truyền đạt được nội dung dễ hiểu đối với học sinh ở các trình độ khác nhau?” PGS. TS. Mai Anh Tuấn nhận định đối với sinh viên chuyên về khoa học, ngữ pháp không quá quan trọng, miễn là sinh viên có thể giao tiếp. Sinh viên nên học tập vì công việc tương lai, chứ không phải chỉ để qua môn học…
Khép lại chương trình làm việc tích cực là phần chụp ảnh lưu niệm.
BTC