Sôi nổi hoạt động bồi dưỡng chuyên môn về các Đường hướng Nghiên cứu Văn hoá và Chính trị
Ngày 16/11/2017, tại phòng họp 516, B2, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá các nước nói Tiếng Anh, đã tổ chức khai giảng chuỗi chuyên đề bồi dưỡng chuyên môn về các Đường hướng Nghiên cứu Văn hoá và Chính trị (ARCP).
Chuỗi chuyên đề bồi dưỡng chuyên môn này do TS. Phùng Hà Thanh, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Các nước nói tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội kết hợp với TS. Nguyễn Thu Giang, Khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì và dẫn dắt. Hoạt động hướng tới những người bắt đầu làm nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam với mong muốn kiến tạo cơ hội làm quen với các đường hướng nghiên cứu văn hoá và chính trị cũng như hợp tác để thực hiện các dự án nghiên cứu.
Trong chuyên đề đầu tiên, TS. Nguyễn Thu Giang đã đưa ra những giới thiệu chung về đường hướng nghiên cứu, không gian học thuật và sự phát triển của nghiên cứu văn hoá (cultural studies), thảo luận về các cách hiểu văn hóa và chính trị và phân biệt cách tiếp cận văn hóa và chính trị đặc trưng cho không gian học thuật của nghiên cứu văn hoá với các cách tiếp cận khác trong nghiên cứu nhân học, nghiên cứu so sánh, đối chiếu, liên văn hoá và khoa học chính trị.
Nội dung của các buổi chuyên đề tiếp theo bao gồm tái trình hiện văn hoá (buổi 2), diễn ngôn, quyền lực, Foucault (buổi 3), nghiên cứu phân tích diễn ngôn theo góc nhìn của Foucault và so sánh, đối chiếu với các cách tiếp cận khác (buổi 4), sự phân phối cảm quan, chính trị, và bình đẳng theo quan điểm của Rancière (buổi 5). Một nội dung quan trọng khác sẽ được tiến hành xuyên suốt khoá chuyên đề bồi dưỡng là việc phân tích và phát triển các dự án nghiên cứu của các học viên, đặc biệt là trong các buổi học từ tuần 4 đến tuần 7.
Khác với các khóa học tập trung vào các quy trình kỹ thuật của nghiên cứu, khóa bồi dưỡng chuyên đề này xem xét lịch sử phát triển và các giả định cơ bản của các đường hướng nghiên cứu, nhằm thúc đẩy nhận thức về cách một nhà nghiên cứu xây dựng chính họ và tham gia vào việc tạo ra những điều có thể hiểu và cảm được trong xã hội.
Dù chỉ giới hạn trong 7 tuần (16/11/2017- 1/2/2018), chuỗi chuyên đề được thiết kế cụ thể hướng tới đối tượng là những người bắt đầu làm nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam. Với những bài giảng, bài chia sẻ và các hoạt động được đầu tư chuẩn bị kỳ công cả về nội dung và phương thức tiến hành, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa các nước nói tiếng Anh và nhóm chuyên gia chủ trì hi vọng rằng mỗi một chuyên đề sẽ đều góp phần mang lại cho người tham gia một môi trường kích thích trí tuệ, làm sáng tỏ những vấn đề, tạo ra những ý tưởng và nuôi dưỡng sự kiên trì khi theo đuổi những hành trình nghiên cứu.
Hải Hà (K.NN&VH CNNTA)