Sơ kết 3 năm triển khai Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động Đổi mới sáng tạo, Nghiên cứu khoa học và Khởi nghiệp của sinh viên Trường – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Sơ kết 3 năm triển khai Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động Đổi mới sáng tạo, Nghiên cứu khoa học và Khởi nghiệp của sinh viên Trường

 Ngày 21/3/2023, Hội nghị Sơ kết 3 năm triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động Đổi mới sáng tạo, Nghiên cứu khoa học và Khởi nghiệp của sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN” (ULIS FIRE) giai đoạn 2020-2025 đã diễn ra tại Hội trường Vũ Đình Liên. Theo đó, từ tháng 8/2020 đến tháng 3/2023, Nhà trường đã ghi nhận sự đổi mới và sáng tạo không ngừng với nhiều dự án khởi nghiệp, cũng như những kết quả tích cực trong suốt 3 năm vừa qua của Đề án và hứa hẹn sẽ gặt hái nhiều thành công hơn trong tương lai.

Tham dự hội nghị, về phía Đại học Quốc gia Hà Nội có Phó Trưởng ban KH&CN Vũ Tuấn Anh; Phó Trưởng Ban CT&CT HSSV Nguyễn Minh Trường; Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp/Phó Trưởng ban Xúc tiến Đầu tư Trương Ngọc Kiểm; Cán bộ Ban Phát triển nguồn nhân lực Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Nguyễn Thị Phương Thảo.

Về phía Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN có sự góp mặt của Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh; Phó Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Long; Phó Hiệu trưởng Hà Lê Kim Anh; Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông; Chủ tịch mạng lưới Cựu HSSV Nguyễn Lân Trung, cùng với các lãnh đạo các đơn vị; các thầy cô trợ lý NCKH, giảng viên hướng dẫn đại diện các nhóm đề tài, dự án SV; đại diện chủ tịch HĐQT, CEO, giám đốc các đơn vị đối tác; đại diện các CLB học thuật; thầy cô và sinh viên quan tâm.

Trong chương trình, các đại biểu đã cùng nhau nhìn lại những dấu mốc và thành quả ấn tượng của Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động Đổi mới sáng tạo, Nghiên cứu khoa học và Khởi nghiệp” trong 3 năm vừa qua bằng video tổng kết và báo cáo của Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Nguyễn Thị Ngọc Anh. Với mục tiêu chung thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo và nghiên cứu khoa học cho sinh viên nhằm nâng cao khả năng tự học, tự trải nghiệm và khai phá năng lực nghiên cứu, tìm tòi, cũng như phát triển những dự án có tính ứng dụng cao vào đời sống, Đề án đã ghi lại những dấu ấn vô cùng đáng nhớ: 100% SV được tiếp cận, có thông tin đầy đủ về Đề án; 70% SV tham gia các hoạt động của Đề án, sau đó mỗi năm tỷ lệ tăng thêm 5%; 30% SV có các sản phẩm tham gia các hội thi, diễn đàn,… các cấp; 10% SV có sản phẩm KH, ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp được chọn vào Ngân hàng dự án tiềm năng; mỗi năm có ít nhất 03 ý tưởng sáng tạo, đề tài khoa học được đưa vào triển khai thực địa. Dấu ấn ULIS Fire không thể không kể đến các con số rất đáng ghi nhận: 8.489 SV có sản phẩm NCKH- ĐMST – KN; 26 HSSV đạt giải thưởng UI AWARD; 3.000 SV tham gia Ngày hội ULIS FIRE DAY; 1.317.000.000VNĐ chi cho hoạt động ĐMST NCKH&KN của SV; 508.306.805 VNĐ được đóng góp cho quỹ “Thắp lửa khởi nghiệp sáng tạo”; 07 số nội san ULIS Fire Journal; 593 lượt giảng viên tham gia hướng dẫn đề tài NCKH, dự án ĐMST & KN, khóa luận tốt nghiệp; 514 đề tài, dự án SV tham gia các đợt nghiệm thu, các hội thảo khoa học, các cuộc thi, giải thưởng về NCKH-ĐMST trong và ngoài trường; hơn 1.000 lượt SV có sản phẩm tham gia các hội thảo khoa học, giải thưởng, cuộc thi về ĐMST – NCKH &KN các cấp.

Nhấn mạnh về lý do làm nên thành quả hiện tại của Đề án, ThS. Nguyễn Thị Ngọc Anh chia sẻ: Với giá trị cốt lõi của trường – năng động, sáng tạo, trung thực, trách nhiệm; lấy người học làm trung tâm, nâng cao tự chủ của người học, Nhà trường đã không ngừng thúc đẩy, đưa ra nhiều chính sách, chủ trương trong việc hỗ trợ HSSV trong công tác khởi nghiệp. Nắm bắt được tâm lý “sợ” NCKH, “khó” Khởi nghiệp sáng tạo, Nhà trường đã trao quyền tự chủ cho SV trong hầu hết các hoạt động; vinh danh những cá nhân hay tập thể xuất sắc khi có thành tích NCKH tốt; cũng như gắn NCKH, ĐMST, KN vào môn học và thực tiễn đời sống: Sự ra đời của các môn học mới Tư duy sáng tạo khởi nghiệp, Trí tuệ cảm xúc,… Ngoài ra, các nguồn lực đồng hành cùng Nhà trường được hỗ trợ bởi rất nhiều doanh nghiệp, đối tác, các Alumni là doanh nhân, start-up, đồng thời cùng tham gia đào tạo, giảng dạy và là ‘mentor’ đồng hành cùng SV. Nhà trường cũng đồng thời triển khai thành công nhiệm vụ Đề án 844, Đề án 1655, Mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo,… Những nỗ lực đó chính là minh chứng cho sự thay đổi rõ rệt về Lượng và Chất chỉ trong vòng 3 năm triển khai đề án, cũng như hứa hẹn sự thành công của đề án trong những năm kế tiếp của Nhà trường.

Tại hội nghị lần này, Nhà trường cũng vinh danh 12 cá nhân xuất sắc nhất đã có đóng góp lớn tới Đề án trong suốt 03 năm vừa qua. Để làm nên một đề án Khởi nghiệp mang tính chất lan tỏa này, các thầy cô và cựu người học đã nỗ lực hướng dẫn và hỗ trợ nhiệt tình, không ngừng giúp đỡ các sinh viên trong việc ĐMST – NCKH &KN.

Bên cạnh đó, 02 nhóm đề tài dự án đã lọt vào Chung kết cuộc thi “HSSV với Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo” lần thứ V do Bộ GD&ĐT tổ chức cũng đã được giới thiệu tại hội nghị. Hai dự án  “LEFU – Website hỗ trợ SV Khoa NNVH Pháp – ULIS” và “Masrhmallow – Tiệm trà tích hợp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần cho SV ULIS” đã nhận được nhiều lời góp ý về dự án.

Ngoài ra tại hội nghị, 05 chủ đề cũng được thảo luận và chia sẻ ý kiến nhằm mục đích tìm ra những điểm cần khắc phục và phát huy trong thời gian tiếp theo của đề án. 05 chủ đề trao đổi bao gồm “Các cơ chế, chính sách cần bổ sung, điều chỉnh nhằm khuyến khích cán bộ, GV tham gia Đề án”; “Cách thức huy động và sử dụng hiệu quả Qũy Thắp lửa khởi nghiệp sáng tạo” ; “Các nội dung, quy định, chỉ tiêu cần điều chỉnh, bổ sung của Đề án, bản Quy định về hoạt động ĐMST, NCKH, KN của sinh viên trường”; “Các nguồn lực, cách thức hỗ trợ các nhóm SV phát triển các đề tài, dự án và triển khai vào thực tế”; “Vai trò của các Khoa, BM, GV nhằm gắn việc thực hiện đề án với các môn học” đã được đại diện các nhóm trình bày rất tâm huyết.

Kết thúc chương trình, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông đã gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất tới sự giúp đỡ và tài trợ, hỗ trợ của các thầy cô, các đối tác, giảng viên trợ lý NCKH & ĐMST, KN đã không ngừng trợ giúp, tạo một môi trường làm việc năng suất, hiệu quả, sáng tạo và thiết thực tới với SV Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN.

Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh cũng đánh giá cao những kết quả khả quan mà đề án mang lại trong suốt thời gian qua. Quả thực, để xây dựng một đề án mới trong một môi trường mà SV khó thể tiếp cận được là một trong những thách thức lớn nhất Nhà trường phải đối mặt trong suốt quá trình thực hiện. Tuy nhiên, nhìn vào những nỗ lực mà không chỉ các thầy cô, các giảng viên hướng dẫn, cũng như sự sáng tạo, đổi mới đầy thiết thực mà SV ULIS mang lại, Hiệu trưởng khẳng định rằng đề án sẽ phát triển ngày càng phát triển hơn trong tương lai. Cuối cùng, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh gửi lời cảm ơn sâu sắc tới những tập thể và cá nhân đã có đóng góp không hề nhỏ tới với việc triển khai đề án trong suốt 03 năm qua. Chính sự nỗ lực đó đã trở thành dấu ấn cho đề án NCKH & ĐMST, KN bước lên thành công của ngày hôm nay.

Chỉ với nửa chặng đường, Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp của sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN giai đoạn 2020-2025” đã mang lại những dấu hiệu tích cực trong sự hưởng ứng, tham gia của giảng viên, SV của Nhà trường. Mong rằng trong thời gian tiếp theo, Đề án sẽ ngày càng đón nhận những tin vui tích cực hơn từ các dự án sắp tới.

Một số hình ảnh khác:

Hương Giang-ULIS Media