PGS.TS. Phạm Ngọc Hàm – Người thầy với tình yêu văn thơ mãnh liệt – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

PGS.TS. Phạm Ngọc Hàm – Người thầy với tình yêu văn thơ mãnh liệt

Là Phó Giáo sư đầu tiên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc tại Việt Nam, thầy Phạm Ngọc Hàm của Khoa NN&VH Trung Quốc được rất nhiều thế hệ sinh viên, giảng viên của trường khâm phục bởi nghị lực học tập hết mình và trình độ thông thạo tiếng Trung. Ngoài ra, tình yêu cháy bỏng đối với văn thơ, sự nhiệt tình trong giảng dạy cùng tính cách vui vẻ, nhưng rất nghiêm khắc “học ra học, chơi ra chơi” cũng khiến thầy được các sinh viên, đồng nghiệp rất yêu mến.

Trong một buổi chiều tháng 3, ULIS Media đã vinh dự được gặp và trò chuyện nhanh với thầy về chuyện đời, chuyện nghề. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng tác giả bài viết cũng đã được hiểu thêm phần nào về người thầy nói ra văn, ra thơ này.

PV: Em chào thầy. Cảm ơn thầy đã nhận lời trả lời cuộc phỏng vấn này. Trước tiên, thầy có thể giới thiệu một chút về bản thân được không ạ?

Thầy Phạm Ngọc Hàm: Tôi tên đầy đủ là Phạm Ngọc Hàm, sinh năm 1959 tại vùng đất hiếu học Vụ Bản, Nam Định, quê hương của những danh nhân nổi tiếng như Trạng nguyên Lương Thế Vinh, nhà thơ trữ tình Nguyễn Bính với “hồn quê lai láng”… Năm 1976, tôi bắt đầu tiếp xúc với tiếng Trung Quốc tại khoa Tiếng Trung, Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (Nay là Trường ĐHNN-ĐHQGHN). Trong bối cảnh “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”, hai năm cuối hệ đại học, chúng tôi được chuyển sang học Hán Nôm, nhằm đáp ứng yêu cầu xã hội trong giai đoạn cách mạng mới. Vốn là người yêu văn học, tôi lại được đắm mình vào “biển văn chương” cổ đại Trung Quốc và Việt Nam. Dù chỉ là những nét chấm phá, nhưng những bài giảng về “Tứ thư Ngũ kinh”, Đường thi, Thơ văn Lý Trần,… đã khiến tôi càng say sưa tìm hiểu về tư tưởng truyền thống, về đất nước con người và thưởng thức món ăn tinh thần ngàn đời với dư vị khôn cùng của nó. Tốt nghiệp đại học năm 1981, tôi trở về quê hương Nam Định giảng dạy Bộ môn Hán Nôm tại Trường Cao đẳng Nam Định.

Sau 12 năm công tác, vì muốn trở lại với tiếng Trung Quốc – thứ ngôn ngữ mà bản thân tôi đã được học tập trong ba năm đầu hệ đại học (theo sự phân công của Nhà trường), năm 1993, tôi đã quyết tâm trở về trường cũ – nơi đã chắp cánh ước mơ và chuẩn bị hành trang vào đời để có cơ hội phấn đấu trở thành cán bộ giảng dạy tại Khoa NN&VH Trung Quốc. Những năm tháng mới trở về trường, chập chững với bài giảng thực hành tiếng Trung Quốc là cả một chuỗi ngày phấn đấu gian khổ để hoàn thiện mình cả về tri thức và kỹ năng. Vừa giảng dạy, vừa học tập, nghiên cứu, vừa bươn trải với cuộc sống nơi đô thành, tôi đã phấn đấu không mệt mỏi và nhận học vị Thạc sĩ (2000), học vị Tiến sĩ (2005) tại Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, được phong chức danh Phó Giáo sư (2009). Đó không chỉ là niềm vui của cá nhân tôi mà còn là niềm vinh dự của Khoa và Nhà trường. Những môn học mà tôi đã từng được giảng dạy ở Khoa là Văn học Trung Quốc, Tiếng Hán cổ đại và hiện nay lại trở về với Thực hành tiếng.

2017-03-05_17-07-56

Tiếng Trung và văn chương là hai tình yêu lớn trong cuộc đời thày Hàm

PV: Thầy có thể cho biết tại sao thầy lại chọn tiếng Trung và sư phạm làm con đường sự nghiệp mình theo đuổi để rồi trở thành Phó Giáo sư đầu tiên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc?

Thầy Phạm Ngọc Hàm: Từ nhỏ, tôi đã yêu văn học, với mong muốn trở thành sinh viên khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp hoặc Sư phạm nên đã quyết tâm chọn thi khối C. Năm tôi học lớp 9 (tức lớp 11 hiện nay), Đoàn thực tập Sư phạm tiếng Anh – Làn gió mới đã về với mái trường “chân quê” của chúng tôi. Vì ngưỡng mộ, hay vì mới bén cái duyên nghề dạy học, tôi đã thi vào Khoa tiếng Anh, trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ. Một lần nữa, “ý trời” lại đưa tôi đến với khoa Trung theo sự phân công của Nhà trường.

Trải qua thời gian đầu phải “vật lộn” với ngôn ngữ mới lạ này, được sự quan tâm dìu dắt và động viên của các Thầy các Cô, tôi đã thực sự cảm nhận được cái hay, cái đẹp, cái sâu xa của ngôn ngữ, văn tự Hán. Tiếng vọng ngàn xưa qua từng áng văn chương đã hút hồn tôi, tôi đã thầm cảm ơn cuộc đời và số phận đưa tôi trải qua đường vòng “ngoại ngữ” rồi lại đến với “sâu thẳm tâm hồn”: văn chương, chữ nghĩa. Và mỗi bài giảng, dù là thực hành tiếng Trung Quốc với tôi cũng là một lần được thưởng thức, được vận dụng chất “văn” trong đó. Văn đã thực sự trở thành “men say” khiến thầy trò chúng tôi “Học nhi bất yếm, hối nhi bất quyện” (học không biết chán, dạy không biết mệt) và ngôn ngữ cũng trở nên mượt mà hơn vì nó đã thấm thứ “men sya (say)” diệu kỳ đó.

PV: Chắc hẳn thầy phải rất nỗ lực khi chuyển từ học tiếng Anh sang tiếng Trung?

Thầy Phạm Ngọc Hàm: Đúng vậy. Khi vừa bước vào đại học, lớp tôi có 22 bạn thì 19 bạn đã học tiếng Trung từ trường phổ thông. Tôi đã phải quyết tâm lắm lắm mới có thể từ chỗ “nghe cô nói tưởng như nghe chim hót”, điểm ghi âm từ 2,3, sau nửa học kỳ đã vươn lên 7,8 điểm và ổn định từ 8 đến 9 ở các học kỳ sau. Sự tiến bộ ấy của tôi, công đầu là thuộc về sự nhiệt tình, tận tâm của các Thầy các Cô và các bạn cùng lớp.

Tôi vẫn thầm nhắc tên Thầy Vũ Đình Tư, Thầy Luyện Xuân Thu, Cô Lê Thị Môn đã dìu dắt tôi từ năm đầu tiên chập chững đến với ngôn ngữ mà ⅙ dân số thế giới sử dụng nó. Và các Thầy Hồ Hoàng Biên, Phan Văn Các, Trương Đình Nguyên, Nguyễn Đức Sâm, Chu Quý, Lê Văn Tẩm, Nguyễn Đình Kế,… đã đưa tôi đến với thế giới Cổ văn khó nhưng hay, hay ở sự sâu xa thâm thúy. Từ đáy lòng xin được nói câu “Cảm ơn Người dạy bảo!”

2017-03-05_17-08-162017-03-06_14-16-02

Thầy Hàm miệt mài truyền ngọn lửa tình yêu tiếng Trung cho sinh viên

PV: Thầy có kỷ niệm nào đặc biệt ở ULIS khiến thầy nhớ mãi?

Thầy Phạm Ngọc Hàm: Gắn bó với ULIS từ khi còn là sinh viên, tôi có rất nhiều kỷ niệm đặc biệt với các Thầy Cô,  bè bạn. Từ giảng đường đến ký túc sinh viên, từ mỗi giờ học đến những buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ và lao động công ích đều để lại trong tôi dấu son tươi đỏ của cuộc đời sinh viên nghèo về vật chất nhưng dồi dào về tinh thần. Xin được nhắc lại mấy câu “Mỗi độ hè về, hối hả mùa thi, sao trời xa đầy sân cỏ. Rồi những ngày nắng đỏ dòng Tô, tôi vẫn gánh, em vẫn thồ, gọi nước về thêm xanh trời Hà Nội. Cả những ngày nắng cháy Kim Bôi, con cua suối về bên lá rau rừng, hạt bo bo vẫn thách thức nhau lao động tăng năng suất…” mà tôi đã từng viết trong “Tản mạn ngày về” để thay cho lời kể về những kỷ niệm với mái trường tôi yêu.

PV: Với nhiều người không biết tiếng Trung Quốc, tiếng Trung Quốc khá là khó học. Thầy nghĩ sao về điều này và thầy có lời khuyên cho các bạn trẻ khi học và nghiên cứu tiếng Trung Quốc?

Thầy Phạm Ngọc Hàm: Thực ra thì ngôn ngữ nào cũng có cái khó và cái hay riêng. Học tiếng Trung, các em phải nhìn xa hơn một chút. Học tiếng Trung giúp các em có thể hiểu sâu sắc hơn về tiếng Việt, để khám phá đất nước, con người và văn hóa Trung Hoa. Học tiếng Trung không chỉ học ngôn ngữ mà qua đó thấu hiểu về đất nước Trung Hoa với những tư tưởng truyền thống như học thuyết Lão – Trang, tư tưởng Khổng Mạnh, đất nước của bốn phát minh lớn và từ đó mà “tri bỉ tri kỷ, bách chiến bách thắng” (biết ta biết mình, trăm trận trăm thắng). “Thắng” mà tôi muốn nói đến ở đây là chiến thắng chính mình, để vươn tới đỉnh cao của tri thức.

Các em phải hiểu rằng, ngôn ngữ chỉ là công cụ, là cái vỏ vật chất, trong đó chuyển tải thông tin, tri thức ở đủ mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, và nhất là đạo làm người. Vấn đề là ở chỗ, các em học như thế nào để chuyển hóa kiến thức, nâng cao năng lực tư duy, phân tích, tổng hợp, liên hệ và vận dụng để đáp ứng nhiều ngành nghề trong xã hội. Ý nghĩa của mỗi bài khóa, nhất là các bài mẫu trong giáo trình viết giai đoạn trung, cao cấp đều rất hay, rất sâu sắc, kết hợp với các môn chuyên ngành đủ để căng đầy hành trang cho các em vào đời.

Hãy thử tập tư duy, phát hiện và cảm nhận vấn đề từ mỗi bài học, các em sẽ có thể vừa trau dồi tri thức, vừa rèn luyện kỹ năng. Tri thức bách khoa đều thể hiện trong hệ thống giáo trình theo trình tự từ dễ đến khó. Ngay cả những bài đọc trong HSK cấp 5, cấp 6 cũng là khối tri thức khổng lồ đủ mọi phương diện. Sinh viên tốt nghiệp trường ta, khoa ta đã và đang có mặt ở hầu hết các lĩnh vực, như giáo dục, nghiên cứu, kinh tế thương mại, biên tập viên, báo chí truyền thông…, có người còn tham gia vào Bộ máy lãnh đạo cấp Trung ương như chú Hoàng Bình Quân (cựu sinh viên khoa Trung, khóa X cùng lớp tôi đấy), chứ không chỉ bó hẹp trong góc phiên dịch, dẫn khách du lịch hay xuất khẩu lao động đâu các em ạ. Các em chưa vội lo học xong sẽ làm nghề gì mà hãy tự hỏi mình có thể đáp ứng yêu cầu gì của xã hội.

PV: Qua nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu, ngoài kiến thức sâu sắc về tiếng Trung, chắc hẳn thầy cũng đã đúc rút và cho ra đời nhiều tác phẩm về đề tài nghiên cứu. Thầy có thể giới thiệu cho các độc giả muốn tìm hiểu về tiếng Trung Quốc các tác phẩm của thầy được không ạ?

Thầy Phạm Ngọc Hàm: Nói nhiều thì thực sự là không, chưa nói là quá ít so với hơn 30 năm trong nghề dạy học. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của bản thân, nhằm: thứ nhất là hoàn thiện mình, nâng cao kiến thức; thứ hai là hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu Nhà trường giao, từ khi học xong Cao học (2000), tôi đã bắt đầu tập nghiên cứu. Cho đến nay, tôi đã xuất bản được 3 cuốn sách chuyên khảo “Từ ngữ xưng hô tiếng Hán – so sánh với tiếng Việt” (2008), “Chữ Hán: Chữ và nghĩa” (2012), “Văn ngôn trong tiếng Hán hiện đại” (2016) và giáo trình “Tiếng Hán cổ đại” (2015). Đây đều là những quyển sách giúp độc giả nâng cao hiểu biết về ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc. Trong đó, hai cuốn “Chữ Hán: Chữ và nghĩa” và “Văn ngôn trong tiếng Hán hiện đại” đã được gửi tặng Trung tâm CNTT-TT&HL. Bạn đọc quan tâm có thể tới thư viện để tìm đọc. Ngoài ra, tôi đã có hơn 40 bài viết đăng trên các Tạp chí chuyên ngành và tham gia Hội thảo khoa học.

2017-03-05_17-08-37

Thầy Phạm Ngọc Hàm tặng sách cho Trung tâm CNTT-TT&HL

PV: Theo thầy, Nhà trường cần phải làm gì để nâng cao hiệu quả việc dạy học tiếng Trung Quốc ở trong trường?

Thầy Phạm Ngọc Hàm: Theo ý kiến của tôi, Nhà trường cần phải kết hợp giữa các phương pháp truyền thống và hiện đại, tiếp thu có chọn lọc các phương pháp truyền thống và vận dụng sáng tạo phương pháp hiện đại, tiên tiến của thế giới sao cho phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, xã hội và năng lực tiếp nhận của sinh viên để tạo ra hiệu suất cao trong dạy và học. Sinh viên các khoa ngoại ngữ thông thường song song với việc rèn luyện kỹ năng thực hành tiếng, tích lũy kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, cần phải nâng cao khả năng tư duy, phân tích và tổng hợp. Phương pháp truyền thống sẽ góp phần tích cực trong việc rèn luyện khả năng phân tích, tổng hợp, khái quát hóa cho sinh viên. Hơn ai hết, người Thầy ngoài nhiệm vụ truyền thụ tri thức, rèn luyện kỹ năng còn cần chú trọng bồi dưỡng cho sinh viên phương pháp học tập và tư duy khoa học. Suy cho cùng, cái thu được ở bậc học Đại học chủ yếu là phương pháp.

PV: Nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ sắp tới, thầy có lời chúc nào cho phái đẹp của trường không ạ?

Thầy Phạm Ngọc Hàm: Nói đến phụ nữ là nói đến một nửa thế giới. Đó là những người mẹ, người vợ, người chị, những cô giáo, những người em gái,… xung quanh chúng tôi. Ngày 8 tháng 3 sắp tới là ngày Tôn vinh người Phụ nữ. Xin thay mặt một nửa còn lại trân trọng gửi tới Chị Em lời chúc Tốt Đẹp nhất. Chúc Chị Em mãi mãi là những bông hoa đẹp nhất, thơm nhất, tươi thắm nhất trong VƯỜN HỒNG PHỤ NỮ VIỆT NAM, mãi mãi là điểm tựa tinh thần tin cậy và là niềm tự hào của các đấng mày râu!

PV: Cảm ơn thầy vì cuộc trò chuyện này!

Nguyễn Thủy – Việt Khoa/ULIS Media