Nghiệm thu đề tài: “Đánh giá tính hiệu quả của hoạt động phát triển chuyên môn từ góc nhìn của giảng viên tiếng Anh bậc đại học ở Việt Nam”
Đề tài cấp trường mã số N.21.25: “Đánh giá tính hiệu quả của hoạt động phát triển chuyên môn từ góc nhìn của giảng viên tiếng Anh bậc đại học ở Việt Nam” do TS. Nguyễn Thị Minh Trâm chủ trì đề tài, đã được hội đồng nghiệm thu đánh giá xuất sắc vào ngày 03 tháng 10 năm 2023.
Bên cạnh chủ trì, nhóm gồm 4 thành viên khác đến từ các trường khác nhau do TS. Nguyễn Thị Minh Trâm mời tham gia: TS. Nguyễn Thị Chi và ThS. Nguyễn Thanh Vân đến từ ĐHNN-ĐHQGHN, ThS. Trần Thị Thu Nga từ Học viện Tài chính, ThS. Ngô Thị Thanh từ ĐH Ngoại Thương.
Đại diện của nhóm chụp với TS. Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh-Trưởng phòng KHCN
TS. Minh Trâm cùng các thành viên của nhóm đã làm việc với ĐH Monash -Úc và ra mắt chương sách chuyên khảo xuất bản Quốc tế “Exploring Vietnamese Tertiary EFL Teachers’ Perceptions of the Effectiveness of Professional Development Activities”. Chương sách đã được chấp nhận in theo chứng nhận của Trưởng ban biên tập từ trường ĐH Monash, và trở thành một phần trong cuốn sách “Engaging with Australasia: Comparative Research on ELT and English Teacher Education” được nhà xuất bản Palgrave Macmillan kí hợp đồng xuất bản trong năm nay. Đây là nhà xuất bản uy tín trên thế giới vì thuộc nhóm A-B của SENSE. Ngoài ra, nhóm còn có 3 xuất bản khác nữa thuộc đề tài đã được hoàn thành: Một báo cáo toàn văn trình bày tại hội thảo chuyên ngành Quốc tế- VietTESOL 2022, một báo cáo toàn văn trình bày tại hội thảo chuyên ngành Quốc gia- UNC2022, và một bài báo (phụ trội so với đăng kí) trên tạp chí chuyên ngành của ĐHQG- VNU Journal of Education Research.
Để có được những thành quả này, cả nhóm tiến hành làm việc rất nghiêm túc và hăng say trong khoảng thời gian từ hơn hai năm nay. Tháng 5 năm 2021, cô Trâm được Trưởng khoa SĐH – TS. Huỳnh Anh Tuấn mời tham gia dự án viết sách, cộng tác giữa khoa SĐH của Trường ĐH Ngoại ngữ và ĐH Monash-Úc. Sau đó, cô đã lên ý tưởng về đề tài cho Chương sách và mời các thành viên khác tham gia để cùng thực hiện nghiên cứu. Để phục vụ nghiên cứu ở diện rộng, cô đã liên hệ trong mạng lưới quen biết có thể tiếp cận rộng rãi đến giảng viên tiếng Anh đến từ các trường ĐH trên khắp cả nước từ Bắc, Trung, Nam, mang lại tính đa dạng cho dữ liệu của nghiên cứu quan trọng này. Cô Trâm đã chia sẻ về quá trình thực hiện: “Để có thể hoàn thành được Chương sách xuất bản quốc tế (sản phẩm quan trọng, bao trùm và cũng là khó nhất của đề tài), cả nhóm đã làm việc rất nghiêm túc và hăng say: ngoài việc làm việc cá nhân, rất nhiều cuộc họp nhóm online đã được thực hiện, vào các buổi tối cả trong tuần lẫn cuối tuần, đa số đều quá nửa đêm mới họp xong, dù ban ngày đã bận rộn với công việc, dạy học và gia đình. Đặc biệt có lần nhóm họp từ 6.00 chiều hôm trước tới gần 3.00 sáng ngày hôm sau. Mình thực sự may mắn khi cộng tác với các cô giáo có tinh thần nghiên cứu tâm huyết đến như vậy. Mình học hỏi được rất nhiều từ các thành viên. Mỗi thành viên đều là một nhân tố tích cực để hoàn thành đề tài này. Chính vì vậy, sau khi hoàn thành Chương sách, mình đã đăng kí đề tài KHCN này để các thành viên nhóm mình được tăng thêm giá trị, có thêm công trình khoa học, và có một chút tài trợ về tài chính cho việc nghiên cứu.”
Với các sản phẩm đề tài sau này, tuy bận con nhỏ nhưng cô Trâm vẫn tích cực tham gia vào các cuộc họp để cùng thảo luận với nhóm và chốt ý tưởng cho mỗi bài, liên hệ nơi xuất bản phù hợp, chỉnh sửa bài trước kĩ lưỡng trước khi gửi bài đi. Tinh thần đồng đội, tương trợ và bổ sung cho nhau của các thành viên trong nhóm đã giúp nhóm hoàn thành được đề tài và nhận về được nhiều lời khen của Hội đồng trong buổi bảo vệ: Chất lượng đề tài rất tốt; Nghiên cứu được thiết kế chặt chẽ, có sức thuyết phục cao; Đề tài đưa ra được các khuyến nghị thực tế, có giá trị… Hội đồng cũng gợi ý cho nhóm nghiên cứu về các hoạt động trong tương lai để triển khai ứng dụng các khuyến nghị của Đề tài vào việc PTCM tại trường ĐHNN.
Các thành viên của nhóm
Đôi nét về nghiên cứu: Nhu cầu phát triển chuyên môn (PTCM) của giảng viên tiếng Anh tăng nhanh mạnh mẽ hơn bao giờ hết để đáp ứng với yêu cầu công việc, với việc triển khai một số lượng lớn các chương trình PTCM tại Đại học Ngoại ngữ-ĐHQGHN cũng như trên toàn quốc trong những năm gần đây. Trong bối cảnh hiện tại, nghiên cứu nhằm mục đích khám phá các hoạt động PTCM được sử dụng thường xuyên đối với giảng viên tiếng Anh tại Việt Nam và đánh giá của họ về tính hiệu quả của các hoạt động đó. Trong nghiên cứu hiện tại, một phiên bản điều chỉnh của khung lý thuyết Lipowsky (2014) đã được sử dụng để thiết kế công cụ và phân tích dữ liệu. Cả dữ liệu định lượng và định tính đều được thu thập tuần tự theo phương pháp nghiên cứu hỗn hợp, bao gồm bảng câu hỏi khảo sát với 202 câu trả lời hợp lệ và 15 cuộc phỏng vấn sâu bán cấu trúc với giảng viên tiếng Anh từ các trường đại học khác nhau trên khắp Việt Nam. Dữ liệu thu được cho thấy bốn hoạt động PTCM được sử dụng thường xuyên nhất, bao gồm cả các hoạt động PTCM chính thức (các khóa học/hội thảo và hội nghị/hội thảo giáo dục) và không chính thức (thảo luận với đồng nghiệp, đọc tài liệu chuyên môn). Sự tham gia và đánh giá tần suất của họ nằm ở các mức độ khác nhau do sự tương tác giữa nhiều yếu tố ảnh hưởng theo khung lý thuyết của Lipowsky (2014), đặc biệt như các yếu tố: nhận thức và khả năng tận dụng các cơ hội PTCM, đặc điểm của giảng viên hướng dẫn hoặc người thuyết trình/đào tạo, đặc điểm của người tham gia và bối cảnh trường học. Các kết quả nghiên cứu cung cấp thông tin cho các giảng viên tiếng Anh, các nhà quản lý tổ chức và người tổ chức chương trình về các hoạt động giảng dạy tiếng Anh hiện tại ở Việt Nam và đưa ra các đề xuất để cải thiện hơn nữa các hoạt động PTCM.
Phòng KHCN