“Khi dấn thân vào con đường mới, phải chấp nhận rủi ro và suy tính kỹ” – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

“Khi dấn thân vào con đường mới, phải chấp nhận rủi ro và suy tính kỹ”

Tối ngày 23/3/2021, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm thứ nhất trong chuyên đề “Câu chuyện khởi nghiệp và kết nối chuyên gia” học kỳ 2, năm học 2020-2021. 

Đây là hoạt động nằm trong chương trình học phần “Tư duy sáng tạo và khởi nghiệp” và nhằm triển khai Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp của sinh viên, giai đoạn 2020 – 2025 (FIRE Project).

Tham dự tọa đàm có các giảng viên và hơn 200 sinh viên tham gia học phần “Tư duy sáng tạo và khởi nghiệp”.

Trong buổi tọa đàm, sinh viên đã được lắng nghe câu chuyện của anh Nguyễn Văn Tuyền – Nhà sáng lập của Trevi Bike – một công ty sản xuất xe đạp tre với tầm nhìn hướng về lối sống xanh, chú trọng đến sinh thái và mong muốn góp phần vào sự phát triển bền vững của thế giới.

Trevi Bike được tạo ra từ những thân tre đực, được lựa chọn và xử lý hết sức nghiêm ngặt từ những chuyên gia vật liệu hàng đầu của Trevi Bike. Các thân tre được xử lý bằng công nghệ hiện đại để có thể chịu được lực tác động, linh hoạt và chống chịu tốt trước các tác động của môi trường như mối mọt và thời tiết.

Theo nhiều nghiên cứu uy tín, khác với các sản phẩm bằng gỗ tự nhiên khác, tre có độ bền hơn, tương đương với thép và chống nước cực tốt. Trong suy nghĩ của người Việt, tre là biểu tượng của người dân Việt Nam, với yếu tố tinh thần và lịch sử gắn liền với sự phát triển của dân tộc. Tre đại diện cho một biểu tượng phi thường, kiên cường trước mọi điều kiện, nhưng cũng rất mềm dẻo. Trong hàng ngàn năm lịch sử, tre được người dân Việt Nam sử dụng rộng rãi, từ làm nhà, xây cầu, làm toa xe… Các sản phẩm bằng tre cũng tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Trevi có nghĩa là Tre Việt. Với cái tên này, những người làm nên thương hiệu này muốn bất cứ khi nào nhắc đến Trevi, người ta sẽ nhớ đến Việt Nam và sự sáng tạo của người Việt Nam với những sản phẩm vô cùng độc đáo, nhưng cũng cực kỳ thân thiện với môi trường.

“Khi dấn thân vào con đường mới, phải chấp nhận rủi ro và suy tính thật kỹ. Khi muốn bỏ cuộc hãy nghĩ đến lý do chúng ta bắt đầu để vững tin hơn trên con đường đã chọn”, anh Tuyền nhắn nhủ sau khi chia sẻ về hành trình khởi nghiệp không ít khó khăn của mình.

Các em sinh viên cũng đã được trò chuyện cùng anh Phạm Tuấn Hiệp – Giám đốc ươm tạo của BK Holdings, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Anh Hiệp liên tiếp 3 năm tham gia đồng tổ chức làng Edtech tại Techfest, tổ chức thực hiện 05 nhiệm vụ của Đề án 844 và các 02 nhiệm vụ thuộc đề án tiêu biểu về Innovation của MOST như BIPP, IPP2. Anh cũng thuộc nhóm công tác của Đề án 1665 (Hỗ trợ HSSV Khởi nghiệp) của MOET. 

Là một chuyên gia đã hỗ trợ nhiều dự án khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, anh Hiệp nhận định sinh viên Ngoại ngữ rất linh hoạt, do vậy có nhiều lựa chọn nghề nghiệp. Nếu muốn khởi nghiệp, chúng ta phải có ý tưởng và giải pháp để xử lý vấn đề. 

Sau đó, các em sinh viên và diễn giả khách mời đã cùng giao lưu, trao đổi qua phần hỏi đáp. Mỗi chia sẻ của các diễn giả đều là các kinh nghiệm, quan điểm của thế hệ đi trước mong muốn truyền tải đến các sinh viên trẻ ULIS.

Buổi tọa đàm “Câu chuyện khởi nghiệp và kết nối chuyên gia” đã đem đến trải nghiệm thú vị, giúp sinh viên có thêm hứng khởi và động lực sáng tạo, phát triển bản thân.

Một số hình ảnh khác:

ULIS Media