Kết nối đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong trường đại học – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Kết nối đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong trường đại học

Ngày 12/05/2022, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội nghị kết nối đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong trường đại học theo hình thức kết hợp. 

  • Tin trên báo: LINK

Hội nghị nhằm trao đổi, chia sẻ giữa các chuyên gia, giảng viên, tổ chức, doanh nghiệp về hoạt động Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở các trường đại học. Chương trình nằm trong khuôn khổ hoạt động thuộc nhiệm vụ “Nâng cao năng lực chuyên sâu cho một số đối tượng trong hệ sinh thái” do Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì thực hiện thuộc Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844).

Tham dự hội nghị có các đại biểu đến từ Bộ KH&CN, ĐHQGHN, Trường Đại học Ngoại ngữ cũng như các thầy cô, sinh viên quan tâm.


Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Hà Lê Kim Anh – Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Hội nghị kết nối Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong trường đại học là một trong những nội dung nhiệm vụ mà Nhà trường tham gia trong khuôn khổ đề án 844 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Đây là sự kiện mà Nhà trường mong mỏi và cũng kỳ vọng sự kiện tạo ra được những kết quả giá trị mang sức lan tỏa trong thời gian tới.

Với sự tích cực tham gia vào các đề án khác nhau, cũng như tự bản thân Nhà trường xây dựng đề án cho riêng mình về đổi mới sáng tạo (ĐMST) thì Nhà trường đã xây dựng được đội ngũ các thầy cô giáo có năng lực cơ bản, vững vàng về ĐMST. Ngoài ra, môn học Tư duy sáng tạo và khởi nghiệp được xây dựng có thể nói là một hành trình rất tự hào và nỗ lực của thầy và trò Nhà trường. Môn học không chỉ tạo ra được cơ hội học tập giảng dạy mà còn tạo ra không gian thúc đẩy nghiên cứu của giảng viên cũng như sinh viên liên quan đến ĐMST. Bên cạnh đó, khi nhắc tới nghiên cứu khoa học tại trường ĐHNN giờ không chỉ còn là những vấn đề liên quan đến chuyên ngành đào tạo, mà sinh viên đã có những tư duy cởi mở, cách tiếp cận đa chiều và góc nhìn thực tế về vấn đề ở trong cuộc sống xung quanh để tạo ra các ý tưởng, dự án, nghiên cứu thực tế…”

Phó Hiệu trưởng cũng gửi gắm mong muốn tới các thầy cô và các bạn sinh viên hãy tích cực chủ động tham gia các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tìm kiếm cơ hội phát triển các dự án của mình, đóng góp giá trị cho cộng đồng. Phó Hiệu trưởng nhận định hội nghị lần này là một sự khởi đầu tốt đẹp cho sự kết nối, lan tỏa, phát triển bền vững về mặt khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại trường ĐHNN nói riêng cũng như tại các trường đại học tại Việt Nam nói chung.

Phó Hiệu trưởng Hà Lê Kim Anh phát biểu khai mạc

Trong bài phát biểu khai mạc của mình, TS. Vũ Tuấn Anh – Phó trưởng Ban Khoa học Công nghệ – ĐHQGHN chia sẻ ĐHQGHN là một trong năm trung tâm chính của Đề án sáng tạo và đổi mới quốc gia, với phong trào đổi mới sáng tạo đã phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian qua. Ông cũng ghi nhận sự nỗ lực của Trường ĐHNN trong việc xây dựng mạng lưới “mentor” cho các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của ĐHQGHN..

Tại hội nghị đã diễn ra hoạt động trao chứng nhận cho các học viên hoàn thành khóa tập huấn thuộc nhiệm vụ nâng cao năng lực chuyên sâu cho một số đối tượng trong hệ sinh thái thuộc đề án 844.

Tiếp nối chương trình là diễn đàn chia sẻ hữu ích của của các chuyên gia, giảng viên, tổ chức, doanh nghiệp cùng các học viên về hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở các trường đại học.

Diễn giả PGS. TS. Thái Thị Thanh Mai (Trường Đại học HEC, Montreal, Canada) với chia sẻ về “Hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở các trường đại học” cùng những ví dụ cụ thể tại HEC

Diễn giả Ben (Bendeguz) Mandjak – CETA Consulting với bài phát biểu về “Định hướng triển khai hoạt động huấn luyện và cố vấn khởi nghiệp ĐMST ở các trường đại học”

Diễn giả Aaeron Everrhart, chuyên gia về ĐMSTKN và bài trình bày “Định hướng triển khai hoạt động mentor và coach ở các trường đại học”

Chia sẻ kinh nghiệm của chuyên gia, diễn giả Đào Thị Diệu Linh và Phạm Hoàng Long Biên – Giảng viên Trường ĐHNN- ĐHQGHN với nội dung: “Tiếp thu và phát triển hoạt động ĐMSTKN từ chương trình VIBE, HYUNDAI JUMSCHOOL và SBC”

Cựu sinh viên ULIS, anh Lê Sỹ Quyền (ULIS Alumni K31D, Khoa NN & VH Anh Mỹ khóa 1997-2001 – Giảng viên thỉnh giảng chương trình cử nhân liên kết ngành Kinh Tế – Tài Chính, CEO, Biz Knowhow & Indochina Pioneer) bày tỏ tâm huyết về “Xây dựng “Thương Hiệu Thực tập sinh ULIS”” với mong muốn: “Thương hiệu thực tập sinh ULIS của Nhà trường không chỉ cần phải được doanh nghiệp tín nhiệm, mà còn phải được tin tưởng, yêu mến và bảo vệ bởi chính sinh viên trong trường mình.”

Ông Đỗ Mạnh Hùng – CEO Novaedu, Trưởng làng Techfest Việt Nam 2021 với chia sẻ về “Kinh nghiệm triển khai hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở các trường đại học” với nhiều ví dụ, trải nghiệm thực tiễn.

PGS. TS. Trương Nam Thắng, Giám đốc CSIE chia sẻ kỹ năng mentoring và trình tự cho một buổi mentor hiệu quả. Các lời khuyên đưa ra là những giá trị diễn giả đem đến cho các chuyên gia, học viên.

Một trong những nội dung quan trọng trong chương trình là hoạt động mentoring giữa các chuyên gia và học viên, nhóm dự án sinh viên. 20 nhóm sinh viên được lựa chọn tham gia cuộc thi Thắp lửa Khởi nghiệp Sáng tạo đã cùng trao đổi với các chuyên gia để chuẩn bị cuộc thi sắp tới. Hoạt động thực hành kĩ năng vai trò mentor và coach cho các nhóm đã diễn ra sôi nổi, năng suất.

Phần cuối là hoạt động chia sẻ chiêm nghiệm của các nhóm chuyên gia tư vấn và nhóm học viên, nhóm sinh viên dự án. Nhà đầu tư Nguyễn Ngọc đã chia sẻ cách định vị bản thân, xây dựng thương hiệu cá nhân bày tỏ mong muốn giúp đỡ, hỗ trợ các bạn sinh viên ULIS đầu tư vào các dự án, sẵn sàng cho đi những gì mình có, các vấn đề liên quan đến truyền thông, công nghệ…

Hội nghị Kết nối đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong trường đại học đã khép lại sau một ngày làm việc tích cực. Hy vọng với hoạt động này sẽ là bước tiến lớn để cho ra đời những ý tưởng, dự án đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thiết thực đóng góp giá trị cho cuộc sống.

Thông tin về Đề án 844 và hoạt động của Trường Đại học Ngoại ngữ:

Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành vào ngày 18/5/2016 giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện.

Trong chiến lược phát triển của Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN đến năm 2030, tầm nhìn 2045 một trong những nội dung quan trọng là tăng cường các hoạt động Đổi mới sáng tạo. Nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện nội dung này như tăng cường phát triển nguồn nhân lực Đổi mới sáng tạo, Đổi mới chương trình đào tạo, tăng cường các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Năm 2018 và 2019, một số cán bộ, giảng viên của Nhà trường đã được lựa chọn tham gia Khoá đào tạo VIBE do Đại học Quốc gia Hà Nội và Học viện sáng tạo, Đại học Dublin (Ireland) phối hợp tổ chức. Khoá đào tạo giúp cho học viên tăng cường năng lực, trang bị kỹ năng và thúc đẩy tư duy đổi mới sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp thông qua việc lắng nghe và thấu hiểu bằng sự cảm thông, học hỏi từ thất bại, tham gia trải nghiệm “Thiết kế tư duy” (Design thinking), “Tư duy doanh nhân” (entreupreneurial mind-set). Các học viên của Trường Đại học Ngoại ngữ đã tham gia và hoàn thành khoá đào tạo trở thành nguồn nhân lực quan trọng trong việc thúc đẩy và thực hiện các nội dung Đổi mới sáng tạo tại Trường.

Trở về từ Khoá Đào tạo VIBE, nhóm cán bộ và giảng viên của Nhà trường đã bắt tay vào xây dựng và triển khai môn học Tư duy sáng tạo và khởi nghiệp. Đây là một môn học mới được xây dựng cho các sinh viên thuộc các chương trình đào tạo chất lượng cao theo thông tư 23 của Nhà trường. Môn học nhằm thúc đẩy và tăng cường các kỹ năng trong thế kỷ 21 cho người học, đặc biệt là năng lực tư duy đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp (tư duy hướng đến hiệu quả). Môn học tập trung phát triển năng lực tư duy và đổi mới sáng tạo, ứng dụng đường hướng lấy người học làm trung tâm và học qua thực hành. Môn học cho phép sinh viên thực hành năng lực tư duy sáng tạo và khởi nghiệp trong nhiều tình huống thực tế khác nhau. Sinh viên tham dự khóa học sẽ có cơ hội phát triển những năng lực như nhận diện bản thân, tư duy thiết kế sáng tạo và đàm phán – những năng lực quan trọng và không thể thiếu trong hành trình vượt qua những thách thức và nắm bắt, tận dụng, kiến tạo cơ hội để thành công trong công việc và cuộc sống. Cuối năm 2019, môn học được triển khai thí điểm cho gần 300 sinh viên thuộc các chương trình đào tạo chất lượng cao theo thông tư 23 của các Khoa NN&VH Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Từ năm học 2020 – 2021, môn học được triển khai cho tất cả các sinh viên thuộc các chương trình đào tạo chất lượng cao theo thông tư 23 của Nhà trường. Tính tới thời điểm cuối năm học 2021-2022, đã có tổng số hơn 2600 sinh viên đã được học tập môn học này.

Trong năm 2020, hai Khoá đào tạo Nhà giáo dục Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp được tổ chức tại Trường, gần 80 cán bộ, giảng viên của Nhà trường đã tham gia hai khoá đào tạo này, góp phần gia tăng nguồn nhân lực cho phong trào Đổi mới sáng tạo của Nhà trường. Cũng trong năm 2020, 04 khóa tập huấn Nhà giáo dục truyền cảm hứng cũng đã được tổ chức cho tất cả cán bộ, giảng viên của Nhà trường nhằm lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, truyền cảm hứng cho các cán bộ và giảng viên của Nhà trường. Khoá tập huấn làm tăng tính gắn kết giữa các cán bộ, giảng viên của Nhà trường, nâng cao chất lượng làm việc của đội ngũ cán bộ phục vụ đào tạo cũng như giúp giảng viên của Nhà trường chủ động nâng cao và đổi mới hoạt động giảng dạy cho sinh viên.

Bên cạnh đó, Nhà trường đã ban hành Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp của sinh viên, giai đoạn 2020 – 2025 (FIRE). Đề án được triển khai với mục tiêu thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp của sinh viên Nhà trường theo hướng phát huy tính tự chủ, năng động sáng tạo, nâng cao khả năng tự học, trải nghiệm và khám phá, năng lực nghiên cứu cho sinh viên góp phần tạo ra tri thức, sản phẩm có tính ứng dụng cho xã hội.

Bên cạnh đó Nhà trường cũng đã kết nối với các cơ quan, tổ chức nhằm phát triển phong trào Đổi mới sáng tạo của Nhà trường.

Nhà trường đã phối hợp cùng với Hội đồng Anh tại Việt Nam tổ chức các khóa tập huấn TOT về chương trình Công dân tích cực và doanh nghiệp xã hội (Active Citizen and Social Enterprise-ACSE) cho giảng viên của Nhà trường và các chương trình tập huấn cho sinh viên.

Đặc biệt năm 2021 Nhà trường đã đăng ký thành công việc thực hiện nhiệm vụ “Nâng cao năng lực chuyên sâu cho một số đối tượng trong hệ sinh thái” thuộc Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) của Bộ Khoa học và Công nghệ. Nhiệm vụ hướng đến việc phát triển năng lực cho nhóm các giảng viên của Nhà trường và các Trường Đại học, Cao đẳng không chuyên về kinh tế để trở thành các huấn luyện viên/cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thông qua quá trình đăng ký đã có hơn 30 giảng viên được tuyển chọn để tham gia với tư cách là học viên của 03 khoá đào tạo nằm trong nhiệm vụ được thực hiện bởi Trường ĐHNN. Nhà trường đã thực hiện việc ký kết thỏa thuận hợp tác với Học viện sáng tạo, Trường Đại học Dublin (Ireland) về việc chuyển giao bộ tài liệu đào tạo và tham gia vào việc đào tạo cho học viên của Đề án. Thông qua 03 khoá đào tạo đào tạo này, các học viên đã được các chuyên gia trong và ngoài nước đào tạo và hướng dẫn các nội dung về Sáng tạo và đổi mới sáng tạo, Khởi sự kinh doanh và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Mô hình kinh doanh và khởi nghiệp tinh gọn, tài chính trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các giai đoạn gọi vốn, nghệ thuật pitching, những kỹ năng cơ bản của huấn luyện viên/cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Kỹ năng lãnh đạo và truyền cảm hứng.

Diễn ra trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh, mặc dù phải thực hiện các nội dung đào tạo qua môi trường trực tuyến, tuy nhiên chất lượng của 03 khoá đào tạo vẫn được đảm bảo. Kết quả kiểm tra định kỳ của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy Nhà trường đã thực hiện các nội dung thuộc đề án với kết quả tốt và đúng tiến độ. Đây là tiền đề để Nhà trường tiếp tục triển khai các nội dung còn lại của Đề án theo đúng với tiến độ được đề ra.

Nhìn lại các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp mà Nhà trường đã thực hiện trong thời gian vừa qua, một lần nữa khẳng định việc thực hiện chiến lược phát triển phát triển của Nhà trường đúng như khẩu hiệu Hành động CÙNG NHAU KIẾN TẠO CƠ HỘI – Creating Opportunities Together, góp phần vào việc sự phát triển chung của xã hội và đất nước.

Một số hình ảnh khác:


Hương Huyền – Khánh Huyền – ULIS Media