Hội thảo Quốc tế Giáo dục Nhật Bản và các nước ASEAN
Câu lạc bộ Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp cùng Trường Đại học Ngoại ngữ Đại học Quốc gia Hà Nội, với sự bảo trợ của ASJA International, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam- Nhật Bản, Sở Giáo dục Đào tạo thành phố Hà Nội vừa tổ chức “Hội thảo Quốc tế Giáo dục Nhật Bản và các nước ASEAN” lần thứ 2, năm 2018.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe báo cáo, tập trung về các lĩnh vực: Hệ thống giáo dục của các quốc gia và chính sách giáo dục hướng nghiệp, đào tạo nghề; Hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực giữa các đơn vị đào tạo và doanh nghiệp; Giáo dục ngoại ngữ tại các nước Đông Nam Á và Nhật Bản nhằm phát triển nguồn nhân lực quốc tế.
Quang cảnh hội thảo
Các đại biểu đã trình bày về hệ thống giáo dục của các nước ASEAN và Nhật Bản, cùng trao đổi về thực trạng và kinh nghiệm hợp tác trong giáo dục cũng như đề xuất phương án nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các bên. Một vấn đề cũng thu hút sự quan tâm của các đại biểu là việc giảng dạy ngoại ngữ, một phương tiện không thể thiếu trong quá trình học tập của sinh viên, góp phần tăng cường hiểu biết, hợp tác giữa các quốc gia.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, hợp tác trong giáo dục – đào tạo giữa Nhật Bản và các nước Đông Nam Á sẽ ngày càng được đẩy mạnh, từ chương trình học bổng, trao đổi sinh viên đến mở rộng các lĩnh vực nghiên cứu. Việc đẩy mạnh hợp tác trong giáo dục sẽ góp phần thu hút học sinh quốc tế đến các nước này. Tuy nhiên, trong quá trình này, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các quốc gia có nền giáo dục phát triển hơn trong khu vực.
PGS,TS Ngô Minh Thủy, Chủ tịch CLB Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam- Nhật Bản, Phó Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Các trường học cũng phải tự vận động, đặc biệt là hệ thống trường tư trong chiêu mộ học sinh, sinh viên. Khi sự giao thương, hợp tác thoải mái hơn giữa các nước Đông Nam Á thì chắc chắn việc cạnh tranh để tìm học sinh giỏi, sinh viên giỏi, hoặc đơn thuần là số lượng học sinh, sinh viên sẽ trở nên khốc liệt giữa các nước Đông Nam Á, nếu như chúng ta không có thay đổi kịp thời”.
Theo PGS, TS Ngô Minh Thủy, tính đến nay, số lượng lưu học sinh Đông Nam Á tại Nhật Bản là hơn 38.000 người, chiếm khoảng 20% tổng số lưu học sinh quốc tế tại quốc gia này. Chính phủ Nhật Bản đang thực hiện kế hoạch thu hút 300.000 sinh viên quốc tế từ nay đến năm 2020. Trong khi đó, tại Đông Nam Á cũng đã hình thành hệ thống đại học ASEAN (AUN) với 30 trường đại học lớn của 10 quốc gia trong khu vực, một hệ thống được đánh giá là đang thực hiện tốt công tác thu hút học sinh quốc tế.
TS. Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho hay: “Việc tổ chức các hoạt động tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các nước Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng với Nhật Bản là rất cần thiết và quan trọng. Chúng tôi đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo JASE hôm nay và trân trọng cảm ơn các cơ quan, tổ chức của Nhật Bản và các nước Đông Nam Á đã hỗ trợ, giúp đỡ để Hội thảo JASE năm 2018 được tổ chức tại Việt Nam”.
CLB Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản là một tổ chức tự nguyện, được thành lập tháng 5 năm 2001 theo quyết định của Ban đối ngoại Trung Ương, trực thuộc của Hội Hữu nghị Việt Nam- Nhật Bản và là hội thành viên của Liên hiệp các Hội cựu lưu học sinh các nước Đông Nam Á tại Nhật Bản (ASCOJA), với hơn 1000 thành viên chính thức. Từ khi thành lập đến nay, CLB đã có nhiều hoạt động có ý nghĩa, tích cực đóng góp cho sự nghiệp hợp tác Việt – Nhật.