ULIS đăng cai tổ chức thành công Hội thảo quốc tế lần thứ 6 của Hiệp hội Khảo thí ngôn ngữ châu Á – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

ULIS đăng cai tổ chức thành công Hội thảo quốc tế lần thứ 6 của Hiệp hội Khảo thí ngôn ngữ châu Á

Từ ngày 16-18/10/2019 tại Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế lần thứ 6 của Hiệp hội Khảo thí ngôn ngữ châu Á với chủ đề “Đánh giá ngôn ngữ: Lý luận, chính sách và thực tiễn”.

Hội thảo AALA 2019 – Hội thảo về Khảo thí Ngôn ngữ lớn nhất châu Á do Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN lần đầu tiên đăng cai tổ chức tại Việt Nam với tư cách là thành viên chính thức của Hiệp hội Khảo thí Ngôn ngữ châu Á, phối hợp với 3 đơn vị đồng tổ chức là Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Huế, và Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Đà Nẵng. Hội thảo mong muốn mang tới một diễn đàn quốc tế chuyên ngành về kiểm tra, đánh giá ngôn ngữ quy môn lớn đầu tiên và lớn nhất ở Việt Nam trong thời gian gần đây. 

Hiệp hội Khảo thí Ngôn ngữ châu Á (Asian Association for Language Assessment – AALA) được thành lập năm 2014 và đến nay đã thu hút được gần 400 thành viên từ 33 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Hiệp hội đã tổ chức 5 hội thảo quốc tế thường niên ở các nước châu Á khác nhau, thu hút hàng trăm nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên, thành viên các hiệp hội chuyên ngành kiểm tra, đánh giá ngoại ngữ, các tổ chức khảo thí quốc tế từ châu Á cũng như nhiều nước và khu vực trên thế giới. Giám đốc Trung tâm Khảo thí của Trường Đại học Ngoại ngữ – TS. Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh hiện đang là Phó Chủ tịch của AALA.

Hội thảo năm nay có sự góp mặt của khoảng 200 đại biểu, diễn giả là các chuyên gia, giáo sư, nhà nghiên cứu và giảng viên hàng đầu thế giới và khu vực trong lĩnh vực kiểm tra và đánh giá ngoại ngữ đến từ gần 20 quốc gia trên thế giới. 

Đến dự hội thảo có đại diện lãnh đạo BQL Đề án NNQG; đại diện lãnh đạo ĐHQGHN; đại diện lãnh đạo Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN; đại diện lãnh đạo Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐH Đà Nẵng, đại diện lãnh đạo Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐH Huế; lãnh đạo AALA; các chuyên gia nước ngoài và đại biểu tham gia Hội thảo.

Tại lễ khai mạc diễn ra vào ngày 17/10/2019, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh khẳng định Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN rất vinh dự được đăng cai tổ chức sự kiện quốc tế ý nghĩa này, nơi các học giả có cơ hội tiếp cận những nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực kiểm tra và đánh giá ngôn ngữ ở châu Á và trên thế giới. Hiệu trưởng đánh giá cao vai trò của AALA trong việc thúc đẩy các hoạt động đánh giá ngôn ngữ trong khu vực, tạo ra diễn đàn học thuật cho các học giả về ngôn ngữ, thúc đẩy xuất bản các ấn phẩm trong lĩnh vực đánh giá ngôn ngữ.

Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN đã phối hợp với các bên để chuẩn bị cho hội thảo với mong muốn thông qua sự kiện này, các nhà nghiên cứu, học giả, giáo viên, sinh viên và tổ chức đánh giá sẽ có thêm những hiểu biết sâu sắc về lý thuyết và thực hành đánh giá ngôn ngữ, cũng như mở rộng mạng lưới kết nối trong lĩnh vực này.

Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh mong rằng hội thảo không chỉ khẳng định sự đóng góp đáng chú ý của Trường ĐH Ngoại ngữ cho AALA mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa Nhà trường với các thành viên khác trong Hiệp hội.

Bà Jessica Wu – Chủ tịch AALA cảm ơn Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN và các đơn vị đồng tổ chức đã cùng góp sức làm nên thành công của hội thảo. Chia sẻ về chủ đề của hội thảo lần này, bà cho biết “Đánh giá ngôn ngữ: Lý luận, chính sách và thực tiễn” là chủ đề không chỉ quan trọng mà còn kịp thời trong bối cảnh đánh giá và kiểm tra ngôn ngữ đang được tăng cường tại châu Á và là xu thế toàn cầu trong những năm gần đây.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Trần Trọng Hưng –  Phó Trưởng ban Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia tin rằng hội nghị sẽ có đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy các hoạt động đánh giá ngôn ngữ tại Việt Nam và trong khu vực châu Á. Ông kỳ vọng các nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu tại hội thảo cùng chia sẻ và cập nhật xu thế và bài học kinh nghiệm xây dựng các đề thi chuẩn hóa quốc gia, tác động của chính sách khảo thí ngôn ngữ với giáo dục xã hội và xu thế áp dụng công nghệ trong đổi mới kiểm tra đánh giá ngôn ngữ.

Trong khuôn khổ hội thảo có nhiều hoạt động diễn ra như: hơn 70 báo cáo tại các phiên toàn thể và phiên song song (Hội thảo đã nhận được 171 bài báo từ các tác giả đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ), 2 hội nghị chuyên đề, 15 báo cáo trưng bày theo hình thức poster, 4 workshop tiền hội thảo. Các báo cáo viên đã rất tích cực trình bày hiểu biết và đam mê của mình về khảo thí ngôn ngữ. Đồng thời, các đại biểu cũng đã sôi nổi đóng góp ý kiến, trao đổi thảo luận để góp ý cho các báo cáo viên và gợi ý phương hướng phát triển hoạt động khảo thí trong khu vực.

Một số nghiên cứu thú vị và có tính ứng dụng được trình bày tại hội thảo có thể kể đến như: An Investigation of the Construct Validity of the CET-SET: Perspectives on the Construction and Use of Rating Scales – Zhang Xiaoyi (Nghiên cứu về tính xác trị của tiểu kiến thức/kỹ năng của bài thi CET-SET: Quan điểm về việc xây dựng và sử dụng hướng dẫn chấm thi); Beyond Spellcheck: Assessing ELL Writing in the Age of Automated Feedback – Zachary R. Hooker (Vượt lên việc đánh giá chính tả: đánh giá kỹ năng Viết thông qua hình thức đưa ra phản hồi tự động); Speaking rater training towards standardization: Yes, but the ‘How’ is more important! – Quynh Nguyen, Yen Nguyen, Hien Tran, Thao Nguyen, Sao Bui, Chi Nguyen, & Hoa Nguyen (Tập huấn giám khảo chấm Nói hướng tới chuẩn hóa: tầm quan trọng của quy trình thực hiện việc chuẩn hóa); How can AI (Artificial Intelligence) really assess English, with focus on Speaking and Writing? – Alistair Van Moere & Veronica Benigno (Làm thế nào để trí tuệ nhân tạo thực sự đánh giá tiếng Anh, mà không chỉ tập trung vào Nói và Viết?); What Teachers Think about Assessment and How It Influences Their Classroom-Based Assessment Practices – The Results of a Global Survey – Susan Sheehan (Giáo viên nghĩ gì về kiểm tra đánh giá và ảnh hưởng của quan điểm ấy tới việc triển khai hoạt động đánh giá trong lớp học); The Role of Learning-Oriented Assessment in Improving Expected Learning Outcomes of Students – Quy Huu Nguyen (Vai trò của việc đánh giá định hướng học tập trong việc nâng cao kết quả học tập của sinh viên);…

Khép lại 2 ngày làm việc sôi nổi, từ 19-20/9/2019, Trường Đại học Ngoại ngữ sẽ tiếp tục tổ chức phiên tiếp theo của Hội thảo: Diễn đàn quốc tế lần thứ 21 về kiểm tra đánh giá tiếng Anh ở châu Á. Đây là diễn đàn dành riêng cho chuyên gia đến từ các trung tâm khảo thí lớn của Châu Á.

Một số hình ảnh khác:


ULIS Media