Hội thảo Quốc tế: “Dạy và học tiếng Nhật tại Việt Nam từ cách nhìn đa chiều”
Ngày 17 và 18/9/2022 đã diễn ra Hội thảo Quốc tế: “Dạy và học tiếng Nhật tại Việt Nam từ cách nhìn đa chiều – Tuyển dụng và đảm bảo ổn định nguồn nhân lực nước ngoài tại Nhật Bản và Châu Á”.
Hội thảo do Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội và Hiệp hội Nghiên cứu về chuyển dịch nguồn nhân lực ở Châu Á là đơn vị tổ chức chính, cùng phối hợp với các Hiệp hội Nghiên cứu về giáo dục tiếng Nhật dành cho điều dưỡng và chăm sóc; Hội nghiên cứu về tiếng Nhật thương mại; Hiệp hội Nghiên cứu Thực hiện hợp tác; Nhóm thực hiện dự án “Làm rõ khả năng giao tiếp của người học tiếng Nhật trên nhiều phương diện” của Viện nghiên cứu quốc ngữ Nhật Bản.
Đây là sự kiện quan trọng nằm trong chương trình kỷ niệm 30 năm thành lập Khoa NN&VH Nhật Bản (1992 – 2022) đồng thời cũng là hoạt động thuộc khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc gia năm 2023 “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam” (UNC2023).
Tham dự hội thảo có sự góp mặt của đại diện các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, trường học và đặc biệt là các giáo sư, nhà giáo, nhà ngôn ngữ học, nghiên cứu sinh cùng đông đảo sinh viên quan tâm.
Phát biểu khai mạc, về phía Trường Đại học Ngoại ngữ, PGS.TS. Hà Lê Kim Anh – Phó Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định Việt Nam là thị trường hấp dẫn của Nhật Bản và tại Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp cũng đang chú trọng vào việc sử dụng lao động người Việt Nam. Giáo dục nói chung và giáo dục tiếng Nhật nói riêng, trong những năm gần đây đang chuyển dần từ việc chỉ chú trọng đến tiếp nhận kiến thức ngôn ngữ sang chú trọng đến “khả năng thực hành xã hội” và “chuyên môn của người học” theo định hướng học cách sống, cách thích ứng linh hoạt trong bối cảnh xã hội toàn cầu, đặc biệt trong quá trình xây dựng mối quan hệ giữa con người với con người từ nhiều nền tảng văn hóa khác nhau.
Trong bối cảnh đó, cùng với ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, các công trình nghiên cứu về giáo dục, về dạy và học nhằm đưa ra những thay đổi thích ứng trong bối cảnh mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực tiếng Nhật đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội Việt Nam, Nhật Bản và các nước là yêu cầu vô cùng cấp thiết. Phó Hiệu trưởng hy vọng hội thảo mang lại nhiều thông tin bổ ích và là cơ hội để các nhà khoa học trao đổi một cách cởi mở, từ đó tạo ra một mạng lưới kết nối và hợp tác nghiên cứu mạnh mẽ về sau.
Phó Hiệu trưởng hy vọng hội thảo mang lại nhiều thông tin bổ ích và là cơ hội để các nhà khoa học trao đổi một cách cởi mở, từ đó tạo ra một mạng lưới kết nối và hợp tác nghiên cứu mạnh mẽ về sau, cùng chung tay đưa Trường ĐHNN, ĐHQG Hà Nội trở thành trường đại học hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục ngoại ngữ, ngôn ngữ học, quốc tế học theo triết lý giáo dục mà Trường xây dựng “Kiến tạo xã hội”.
Phó Hiệu trưởng Hà Lê Kim Anh phát biểu khai mạc hội thảo
Đại diện phía đối tác tổ chức, ông Nishigori Jirou – Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu về Sự chuyển dịch Nguồn nhân lực ở Châu Á/ Giáo sư danh dự Trường Đại học Tokyo Metropolitan đánh giá cao công tác chuẩn bị cho hội thảo của Nhà trường nói chung, đặc biệt là Khoa NN&VH Nhật Bản. Ông Nishigori Jirou nhấn mạnh cần có cái nhìn bao quát trong việc đào tạo tiếng Nhật khi tiếp nhận du học sinh, thực tập sinh đến Nhật, không chỉ đào tạo về ngôn ngữ tiếng Nhật, mà còn giúp du học sinh, thực tập sinh trở thành nhân lực trong môi trường thương mại, thành những chuyên gia trong ngành Điều dưỡng, Y tá,… Ông Nishigori Jirou cũng cho rằng các doanh nghiệp Nhật Bản – nơi tiếp nhận người Việt Nam cần phải xúc tiến nhiều hoạt động giao lưu với người Việt Nam nói riêng, người nước ngoài nói chung.
Ông Nishigori Jirou – Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu về Sự chuyển dịch Nguồn nhân lực ở Châu Á/ Giáo sư danh dự Trường Đại học Tokyo Metropolitan phát biểu tại hội thảo
Với sự tham gia của các cơ quan, các hiệp hội và các tổ chức có liên quan, Hội thảo khoa học là diễn đàn để các nhà giáo dục, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng, người sử dụng lao động cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo nguồn nhân lực, về việc sử dụng và duy trì nguồn nhân lực Việt Nam, nguồn nhân lực nước ngoài ở Nhật Bản và Châu Á.
Hội thảo cũng là cơ hội để các trường đại học, các tổ chức quốc tế, các cơ sở nghiên cứu giáo dục tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, góp phần xây dựng cộng đồng bền vững giữa các trường Đại học, các tổ chức nghiên cứu và các doanh nghiệp giữa các quốc gia và cũng là cơ hội để các nhà nghiên cứu được trình bày những kết quả nghiên cứu, những đánh giá có giá trị và có tính ứng dụng cao trong xã hội.
Nội dung hội thảo đa dạng phong phú với nhiều chủ đề khác nhau trong các phiên thảo luận và có 31 báo cáo nghiên cứu tại 06 tiểu ban. Qua đó, các nhà giáo dục, các chuyên gia, các cơ quan tổ chức đào tạo, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp… đã được cùng trao đổi về các vấn đề cụ thể, thực tiễn như:
- Chia sẻ thông tin về những khó khăn, thách thức trong việc đào tạo nguồn nhân lực góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác Nhật Bản – Việt Nam;
- Chia sẻ kiến thức và thông tin về môi trường giáo dục và dạy nghề tại Nhật Bản và Việt Nam
- Bàn về các chính sách về quan hệ hợp tác Nhật Bản – Việt Nam trong tương lai
- Các đề xuất nhằm thiết lập hệ sinh thái bền vững liên kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp của Nhật Bản và Việt Nam
- Báo cáo nghiên cứu chia sẻ về những vấn đề như việc sử dụng giáo trình tiếng Nhật hiệu quả, phân tích dữ liệu của người học, giới thiệu các phương pháp giảng dạy mới trong bối cảnh hiện nay…
Báo cáo đề dẫn của ông Phạm Đức Mục – Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam về việc lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm công việc chăm sóc sức khỏe (điều dưỡng)
GS. Ikeda Reiko (Đại học Tottori, Nhật Bản) chủ trì phiên toàn thể sáng ngày 17
Phiên toàn thể “Khả năng thực hiện giờ dạy theo hình thức học hợp tác”
Hội thảo Quốc tế “Dạy và học tiếng Nhật tại Việt Nam từ cách nhìn đa chiều – Tuyển dụng và đảm bảo ổn định nguồn nhân lực nước ngoài tại Nhật Bản và Châu Á” khép lại sau thời gian làm việc tích cực.
Ngoài hội thảo, trong khuôn khổ sự kiện kỷ niệm 30 năm thành lập Khoa NN&VH Nhật Bản có nhiều hoạt động diễn ra trong ngày 17 và 18/9.
Tiếng Nhật bắt đầu được giảng dạy tại Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQG Hà Nội từ năm 1992, thời gian đầu với tư cách là ngoại ngữ thứ 2 thuộc Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga, sau được chuyển Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc với tư cách là ngoại ngữ thứ nhất và do bộ môn tiếng Nhật đảm nhiệm (tiền thân của Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông, hiện nay là Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản). Trải qua 30 năm phát triển ngành tiếng Nhật, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản đã dần vững bước khẳng định vị thế và uy tín trong lĩnh vực đào tạo nói chung và giảng dạy tiếng Nhật nói riêng trong cả nước. |
Một số hình ảnh khác:
Thanh Hiền – ULIS Media