Hội thảo khoa học: Thực trạng cách ứng phó với cảm xúc âm tính của người nhà bệnh ung thư – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Hội thảo khoa học: Thực trạng cách ứng phó với cảm xúc âm tính của người nhà bệnh ung thư

Ngày 5/12/2019, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học “Thực trạng cách ứng phó với cảm xúc âm tính của người nhà bệnh nhân ung thư”. Hội thảo thuộc Đề tài quỹ Khoa học Công nghệ Quốc gia (Nafosted) “Cách ứng phó với cảm xúc âm tính của người nhà bệnh nhân ung thư” có mã số 501.01-2018.302 do TS. Nguyễn Xuân Long – Phó Hiệu trưởng Nhà trường làm Chủ nhiệm đề tài.

Đề tài “Cách ứng phó với cảm xúc âm tính của người nhà bệnh ung thư” do Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN chủ trì, với sự tham gia của các thành viên đến từ Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN; ĐH Sư phạm Hà Nội và Học viện KHXH (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), bao gồm: TS. Đào Thị Diệu Linh (ĐHNN); TS. Tạ Nhật Ánh (ĐHNN); PGS.TS Nguyễn Thị Mai Lan (Học viện KHXH); TS Nguyễn Thị Thắng (ĐHNN); TS. Nguyễn Việt Hùng (ĐHNN); TS. Vũ Thu Trang (Học viện KHXH); TS. Nguyễn Hiệp Thương (ĐH Sư phạm Hà Nội); ThS. Nguyễn Văn Hiếu (ĐH Sư phạm Hà Nội).

Đề tài dự kiến tiến hành nghiên cứu trong 24 tháng (02/2019-02/2021) với các sản phẩm là: 02 bài báo tạp chí Quốc gia có uy tín; 02 bài báo Tạp chí Quốc tế có uy tín (thuộc danh mục ISI, Scopus và các tạp chí khác thuộc danh mục do Quỹ ban hành hàng năm); 01 sách chuyên khảo.

Tham dự hội thảo có GS.TS. Vũ Dũng – Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam; GS.TS.Hoàng Văn Minh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng; PGS.TS. Phạm Trung Kiên – Phó Chủ nhiệm khoa Y – Dược ĐHQGHN. Về phía Trường Đại học Ngoại ngữ có PGS.TS. Lâm Quang Đông – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Nguyễn Xuân Long – Phó Hiệu trưởng/Chủ nhiệm đề tài; GS. Nguyễn Hòa – Chủ tịch HĐ KH&ĐT; PGS.TS. Nguyễn Lân Trung – Chủ tịch HĐTV HT&PT, các thành viên trong nhóm nghiên cứu, đại diện lãnh đạo một số đơn vị. Tham gia hội thảo còn có các nhà khoa học trong lĩnh vực tâm lý và các chuyên ngành liên quan đến từ các đơn vị: ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Thủ Đô, HV QLGD, ĐH KHXH&NV, ĐH Sư phạm Hà Nội 2, HV Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm KHXH, Viện Tâm lý học, HV Hành chính Quốc gia, Báo Thanh tra, TT Tư vấn và phát triển Tâm lý Việt…

Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông cho biết đề tài nghiên cứu có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh ung thư trở thành một căn bệnh ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại Việt Nam. Có cảm xúc tích cực sẽ giúp người nhà và cả bệnh nhân thuận lợi trong quá trình điều trị bệnh. Do đó, Phó Hiệu trưởng mong rằng các nhà nghiên cứu sẽ có nhiều đóng góp giúp nhóm nghiên cứu định hướng, hoàn thiện nghiên cứu.

Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu đã trình bày 3 báo cáo: Báo cáo tổng quan Đề tài quỹ KHCN quốc gia Thực trạng cách ứng phó với cảm xúc âm tính của người nhà bệnh nhân ung thư; Phương pháp phân tích của đề tài; Một số biện pháp giáo dục tâm lý giúp người nhà bệnh nhân có cách ứng phó tích cực với cảm xúc âm tính. Theo đó, đề tài nghiên cứu những cách thức và nỗ lực của người nhà bệnh nhân ung thư để khắc phục, giảm thiểu những cảm xúc không thoải mái, dễ chịu, có tính thách thức hay vượt quá nguồn lực của họ trong quá trình chăm sóc người bệnh.  

Dựa trên các phương pháp nghiên cứu của đề tài và dựa trên số liệu ban đầu tại Hà Nội, nhóm đã rút ra một số kết luận sơ bộ: Lo lắng là cảm xúc diễn ra phổ biến nhất với người nhà bệnh nhân ung thư. Cách ứng phó được sử dụng thường xuyên nhất là ứng phó tập trung giải quyết vấn đề, tiếp đến là ứng phó tập trung vào cảm xúc, cách ứng phó tích cực thực hiện thường xuyên hơn tiêu cực. Không có nhiều sự khác biệt về giới tính, dân tộc, độ tuổi trong cách ứng phó với cảm xúc âm tính của người nhà bệnh nhân ung thư. Duy chỉ có điểm đặc biệt là nhóm người nhà trên 60 tuổi thường có xu hướng từ bỏ mọi nỗ lực nhiều hơn các nhóm tuổi còn lại. Hỗ trợ xã hội là yếu tố có ảnh hưởng rõ nhất tới cách ứng phó với cảm xúc âm tính của người nhà bệnh nhân ung thư. Việc người nhà bệnh nhân ung thư tìm hiểu về bệnh giúp họ có thiên hướng ứng phó bằng giải quyết vấn đề hơn là ứng phó bằng giải quyết cảm xúc nhưng chưa phải là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến cách ứng phó. Tính lạc quan của người nhà bệnh nhân ung thư có ảnh hưởng nhất định đến niềm tin của họ vào quá trình điều trị của bệnh nhân và sự chủ động tìm hiểu thông tin về cách chăm sóc người bệnh. Nhóm nghiên cứu cũng đề ra 3 nhóm biện pháp giáo dục tâm lý giúp người nhà bệnh nhân có cách ứng phó đúng với cảm xúc âm tính là: Các biện pháp tác động vào nhận thức; Các biện pháp hình thành kỹ năng/HV ứng phó với cảm xúc âm tính; Biện pháp mang tính xã hội khác.

Trong phần sau của chương trình, các đại biểu đã đóng góp các ý kiến góp ý, thảo luận cho nhóm nghiên cứu về phương pháp nghiên cứu, nội dung đề tài, sản phẩm,… Các chuyên gia đều đánh giá đây là một đề tài nghiêm túc, công phu, hay, ý nghĩa, có tính thực tiễn cao. Đây cũng là một trong số ít đề tài nghiên cứu tập trung nghiên cứu về nhóm người nhà bệnh nhân ung thư.

Hội thảo khoa học về Thực trạng cách ứng phó với cảm xúc âm tính của người nhà bệnh ung thư đã khép lại sau thời gian trao đổi, thảo luận sôi nổi. Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục tiến hành các công việc theo kế hoạch để hoàn thiện đề tài.

Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media