Hội thảo khoa học quốc gia 2018: “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam”
Ngày 10/4/2018 tại Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia năm 2018 “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam”. Đây là hoạt động thường niên do ba trường Đại học Ngoại ngữ ở Việt Nam là ĐH Ngoại ngữ-ĐHQGHN, ĐH Ngoại ngữ-ĐH Đà Nẵng và ĐH Ngoại ngữ-ĐH Huế phối hợp tổ chức.
Đến dự hội thảo có các đại diện đến từ Đại sứ quán Hoa Kỳ, Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, ĐHQGHN. Hội thảo có sự tham gia của đại diện ba trường Đại học Ngoại ngữ, đại diện lãnh đạo các trường đại học, học viện và các đơn vị đào tạo, nghiên cứu đối tác trên cả nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh vui mừng cho biết hoạt động khoa học thường niên này ngày càng thu hút đông đảo các thầy cô giáo, các nhà khoa học trong cả nước gửi bài và tham dự. Ban tổ chức đã nhận được 130 báo cáo, trong đó 72 bài được lựa chọn đăng toàn văn kỉ yếu, và một số bài đang được tiếp tục phản biện, chỉnh sửa để đăng Tạp chí “Nghiên cứu Nước ngoài” với tác giả là các nhà khoa học, các nhà giáo, các cán bộ nghiên cứu của từ Bắc chí Nam. Thay mặt Ban tổ chức, Hiệu trưởng trân trọng cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ và nhiệt huyết viết bài, tham dự hội thảo của các nhà khoa học, các thầy cô giáo và các cán bộ nghiên cứu trên cả nước.
Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh phát biểu khai mạc
Phát biểu tại hội thảo, bà Molly Stephenson – Tham tán Văn hóa Thông tin, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận định ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, là một công cụ hiệu quả để các quốc gia có thể phát triển cũng như kết nối, hợp tác với các quốc gia khác. Với tư cách là nhà giáo dục, bà tin rằng năng lực ngoại ngữ có thể mở ra chân trời mới, giúp người học có được tương lai rộng mở hơn, dễ dàng thành công hơn. Bên cạnh những nỗ lực của bản thân người học thì vai trò của người hướng dẫn, của giáo viên là hết sức quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn và lâu dài. Do đó, bà đánh giá cáo ý tưởng tổ chức hội thảo khoa học thường niên này của ba trường ĐH Ngoại ngữ và tin tưởng hội thảo sẽ tạo ra một diễn đàn mở để các nhà giáo, nhà nghiên cứu chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy của mình.
GS. William Peter Grabe có phần báo cáo đề dẫn với những dẫn chứng rất thú vị
Điều đặc biệt trong hội thảo lần này là có sự tham gia của GS. William Peter Grabe đến từ Trường Đại học Bắc Arizona (Hoa Kỳ) với báo cáo đề dẫn trong phiên toàn thể. Báo cáo “Cơ sở để nghiên cứu việc dạy đọc ngôn ngữ thứ hai” của ông nêu lên quan điểm rằng muốn nâng cao kỹ năng đọc, bên cạnh việc cần có “huấn luyện viên” tốt thì cần phải chủ động thực hành, tức là phải chủ động rèn luyện một cách hệ thống nhằm làm chủ được các kiến thức và kỹ năng cụ thể.
Báo cáo “Nghiên cứu thuật ngữ: Một cách tiếp cận hậu cấu trúc luận” của PGS. TS. Lê Hùng Tiến trình bày một cách nhìn mới về thuật ngữ trong bối cảnh xã hội và ngôn ngữ hiện nay và nghiên cứu thuật ngữ hậu cấu trúc luận. Đồng thời, báo cáo cũng đề cập một số đề xuất cho việc nghiên cứu thuật ngữ học song ngữ và đa ngữ, quản lý và quy hoạch hóa thuật ngữ ở Việt Nam.
Báo cáo “Hỗ trợ ‘khởi nghiệp’ nghiên cứu và xuất bản quốc tế dành cho giảng viên tại Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN” của TS. Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh cũng thu hút được nhiều chú ý tại phiên toàn thể. Dựa trên thực tế việc thực hiện nghiên cứu khoa học độc lập và xuất bản quốc tế đối với nhiều giảng viên trẻ còn gặp nhiều khó khăn, báo cáo đề xuất các giải pháp theo hướng tập thể, nhóm để hỗ trợ các giảng viên Nhà trường, cũng như góp phần gợi mở cho các giảng viên trẻ của các đơn vị đào tạo khác trong công tác này qua bài nghiên cứu.
Đại diện ban tổ chức và khách mời chụp ảnh lưu niệm
Sau phiên toàn thể, các đại biểu nghe báo cáo và trao đổi tại 16 tiểu ban. Đã có hơn 70 báo cáo được trình bày tại các tiểu ban. Mỗi báo cáo mang tới hội thảo những kết quả nghiên cứu đặc sắc riêng, những góc nhìn mới lạ, những kinh nghiệm, tâm huyết và cả những ý tưởng nghiên cứu mới về các lĩnh vực như ngôn ngữ học, quốc tế học, giáo dục ngoại ngữ, và một số lĩnh vực liên quan khác.
Tại phiên tổng kết, các Trưởng tiểu ban đều đã có những nhận xét tích cực về phần trình bày, thảo luận tại các tiểu ban. Chất lượng báo cáo không chỉ được thể hiện qua phần báo cáo mà còn ở phần thảo luận sôi nổi sau đó.
Hội thảo quốc gia 2018 “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam” đã thu hút khoảng 600 người tham dự. Khép lại chương trình, Phó Hiệu trưởng Ngô Minh Thủy đã cảm ơn các đại biểu tham dự và hy vọng hội thảo năm sau sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo các nhà khoa học.
Điểm đổi mới của Hội thảo quốc gia 2018 “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam” là toàn bộ quy trình nộp báo cáo, thẩm định, duyệt bài, v.v. đều được tin học hoá, thực hiện trên phần mềm OCS do Phòng Văn hoá Thông tin ĐSQ Hoa Kỳ hỗ trợ, tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho cả Ban tổ chức, tác giả và đại biểu. |
Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media