Đừng để sách chết trên giá…
Ngày 5/5/2022 tại Hội trường Vũ Đình Liên đã diễn ra chương trình mạn đàm với chủ đề “Đừng để sách chết trên giá”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ ngày hội ULIS Book Fair 2022, do CLB Sách Trường Đại học Ngoại ngữ phối hợp với Trung tâm CNTT-TT&HL, Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên tổ chức.
Tham dự buổi mạn đàm có Phó Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Long, lãnh đạo và cán bộ Trung tâm CNTT-TT&HL, đại diện Trung tâm Thư viện – Tri thức số ĐHQGHN, đại diện Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên khách mời, thầy cô và hơn 300 sinh viên quan tâm.
Đặc biệt, chương trình có sự tham gia của 3 diễn giả: cô Nguyễn Thu Lệ Hằng – Trưởng Bộ môn tiếng Anh Chất lượng Cao Khoa Sư phạm tiếng Anh; sinh viên Trần Yến Hương – Đại sứ Văn hóa đọc 2021 – Giải Nhì và Giải chuyên đề Bài chia sẻ cảm tưởng hay nhất cấp Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Giải Đặc biệt cấp Đại học Quốc gia Hà Nội; sinh viên Nguyễn Hoài Linh – Đại sứ Văn hóa đọc 2020 – Giải Khuyến khích cấp Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Giải đặc biệt cuộc thi Giới thiệu sách ngoại văn: Book review – “My life is an open book”, Nhà sáng lập CLB Sách Trường Đại học Ngoại ngữ.
Trong phần đầu chương trình, diễn giả Nguyễn Thu Lệ Hằng đã chia sẻ về cách khắc phục những khó khăn khi đọc sách và xây dựng thói quen một cách kỷ luật và lâu dài với ba từ khóa chính: Thói quen tạo động lực; Kết nối, gắn kết và năng lượng, Chiêm nghiệm. Theo cô Lệ Hằng, khi đọc đầu tiên cần biết lựa chọn các đầu sách hay, đó là những cuốn sách có khả năng mang lại năng lượng và làm cho người đọc chìm vào trong đó. Có như vậy, hoạt động đọc sách mới thực sự ý nghĩa và giúp ta yêu đời hơn.
Để xây dựng thói quen đọc sách, mỗi người nên bắt đầu bằng việc dành ít nhất 20 phút đọc sách mỗi ngày, đọc nhiều loại sách khác nhau, có thể bắt đầu với những loại sách trẻ em được viết theo kiểu người lớn. Một số đầu sách cô đã giới thiệu trong phần chia sẻ của mình: cuốn sách Cây cam ngọt của tôi (José Mauro de Vasconcelos), Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt (Doãn Kiến Lợi), tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh). Ngoài ra, cô cũng đã chia sẻ với các bạn sinh viên về cách đọc sách chuyên ngành hiệu quả ở đại học. Đối với sách nghiên cứu, cần có sự kết hợp giữa việc đọc và việc viết, sinh viên khi đọc nên ghi chép lại tên sách, tên câu, số trang hoặc sử dụng Endnote để đánh dấu những nội dung bổ ích, phục vụ việc trích dẫn trong các bài nghiên cứu sau này của mình.
Diễn giả Nguyễn Thu Lệ Hằng
Tiếp sau cô Lệ Hằng, hai diễn giả trẻ tuổi – Trần Yến Hương và Nguyễn Hoài Linh cũng mang đến những thông tin bổ ích về cách áp dụng việc đọc sách vào thực hành trong tư duy và trong đời sống.
Là một người đã “chinh chiến” qua nhiều cuộc thi về sách và giành được nhiều giải thưởng lớn, diễn giả Trần Yến Hương – một nữ sinh tài năng đã chia sẻ kinh nghiệm của bản thân trong việc review sách và tham gia các cuộc thi liên quan đến sách qua 3 bước quan trọng: Tại sao viết? Mục đích viết là gì? Viết cho ai? Viết như thế nào? Ví dụ khi đối với các bài viết của mình, Yến Hương thường cố gắng chọn giọng văn phù hợp nhất có thể để người đọc cảm nhận được tình cảm mình đặt vào trong, liên hệ, so sánh với các tác phẩm khác để thấy được sự độc đáo hoặc tương quan, trích dẫn các câu nói yêu thích, cũng như tìm cách thuyết phục người khác nhưng không quên khéo léo tránh tiết lộ nội dung tác phẩm. Đặc biệt, với nữ sinh viên, đối tượng độc giả đầu tiên của một bài review không phải là bạn bè, giám khảo hay những người xung quanh, mà chính là bản thân mình. Viết review sách giúp ta ghi nhớ nội dung dễ hơn và review không cần thiết phải là một bài văn hoàn chỉnh mà đôi khi chỉ là một số chú thích, gạch đầu dòng đơn giản.
Diễn giả Trần Yến Hương
Đồng quan điểm với Yến Hương, diễn giả Nguyễn Hoài Linh trong phần chia sẻ kinh nghiệm vận dụng kiến thức tích lũy được vào quá trình học tập, nghiên cứu. Linh quan niệm, một cuốn sách mới cũng đồng nghĩa với một đầu óc mới, chưa lĩnh hội được nhiều. Bên cạnh đó, cô cũng chia sẻ về Literature Review (cách đánh giá tài liệu trong việc học và nghiên cứu) với các bước: xác định phương pháp; tìm đọc những tài liệu nghiên cứu liên quan; đọc để tìm những tác giả có cùng lập trường, quan điểm để tham khảo và tìm trích dẫn cũng như các tác phẩm có quan điểm trái ngược để so sánh, đối chiếu; rút ra kết luận và trích nguồn tham khảo.
Diễn giả Nguyễn Hoài Linh
Bên cạnh các nội dung chia sẻ, mạn đàm cũng có phần tương tác với khán giả để các bạn sinh viên có thể đặt câu hỏi, giao lưu với các diễn giả và nhận những phần quà hấp dẫn đến từ Ban Tổ chức chương trình.
Để góp phần nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc, mạn đàm cũng đã giới thiệu về thư viện C3 ULIS đồng thời tiến hành một khảo sát nhỏ để lấy ý kiến sinh viên trong trường.
Ở cuối chương trình là phần hướng dẫn sử dụng học liệu đến từ chị Quỳnh Diễm – đại diện VNU LIC với ba nguồn học liệu chính: phần mềm Bookworm trên điện thoại, trang tài nguyên nội sinh repository.com và website thư viện: lic.vnu.edu.vn cũng như giới thiệu về 4 phòng dịch vụ thông tin của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Các bạn sinh viên tham gia chương trình cũng đã có cơ hội thử thách hiểu biết về sách thông qua trò chơi nhỏ và nhận những phần quà ý nghĩa.
Một số hình ảnh khác:
Mai Ngọc-ULIS Media