Đề án Ba Vì: kết quả ý nghĩa, chuyển biến tích cực, hướng tới tương lai – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Đề án Ba Vì: kết quả ý nghĩa, chuyển biến tích cực, hướng tới tương lai

Là một cơ sở đào tạo bậc đại học, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội luôn nhận thức rõ ràng vai trò của nhà trường với cộng đồng và xã hội. Điều đó được thể hiện qua biểu tượng logo của Nhà trường với ba ngôi sao tượng trưng cho 03 chức năng của cơ sở giáo dục đại học, là: “Đào tạo, Nghiên cứu khoa học và Phục vụ cộng đồng”. Bên cạnh việc thể hiện trong logo để luôn nhắc nhở bản thân về trách nhiệm không thể tách rời đó, nhà trường đã luôn tích cực triển khai nhiều hoạt động sâu, rộng và toàn diện để đóng góp sức mình vào sự phát triển bền vững của xã hội và cộng đồng.


Một trong những hoạt động tiêu biểu và đã mang lại nhiều kết quả và ý nghĩa đối với cộng động mà nhà trường triển khai đó là Đề án “Hợp tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ cho giáo viên và học sinh các trường THCS trên địa bàn huyện Ba Vì,”. Đề án được Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội kể từ năm học 2019-2020. Đến nay, trải qua hai năm học với nhiều thành công và kết quả tích cực hai bên đã quyết định tiếp tục triển khai Đề án trong năm học 2021-2022. Từ chỗ được tổ chức tại 10 trường THCS trong năm đầu tiên đến 20 trường trong năm thứ hai, đến năm thứ ba Đề án sẽ được triển khai tại toàn bộ 35 trường THCS trên địa bàn huyện Ba Vì. Con số tăng trưởng nói trên là minh chứng cho kết quả tích cực mà đề án mang lại đã nhận được sự tin tưởng từ phía lãnh đạo địa phương. 

Các kết quả của Đề án phải kể tới:

  • Đội ngũ các thầy cô giáo dạy tiếng Anh trong các trường THCS được tập huấn các phương pháp dạy học nhằm phát huy năng lực của học sinh, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn Tiếng Anh trong các nhà trường. Qua đó các giáo viên Tiếng Anh các trường THCS đã được nâng cao về trình độ chuyên môn, về phương pháp và kỹ năng dạy học.
  • Những hoạt động của Đề án đã giúp học sinh có những chuyển biến tích cực, có ý thức hơn, tự giác hơn trong học tập, các em có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với nguồn tri thức mới. Các em cũng tự tin hơn và quyết tâm hơn cho trong học tập, thêm vào đó các em hứng thú hơn, say mê hơn, yêu thích môn Tiếng Anh hơn. 
  • Kết quả thi vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 môn Tiếng Anh toàn huyện có chuyển tích cực với tỉ lệ học sinh đạt điểm từ Trung bình trở lên đạt 42,89%, cụ thể điểm TB các bài thi là 4,9 điểm. Xếp thứ 26/30 quận huyện (tăng 03 bậc, năm trước xếp thứ  29/30). Đặc biệt, có 30 bài thi đạt điểm 10/10…

Những kết quả kể trên thực sự có ý nghĩa lớn đối với công tác giáo dục tại huyện Ba Vì nói chung và giáo dục tiếng Anh nói riêng. Mặc dù với đặc thù là một địa phương với nhiều khó khăn, hạn chế song với mong muốn mang lại một tương lai và cuộc sống tốt hơn cho con em trong huyện, chính quyền và các cấp lãnh đạo địa phương đã luôn quan tâm, chú trọng và đẩy mạnh các hoạt động giáo dục tiếng Anh. Hợp tác với Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN để triển khai Đề án Ba Vì đã thể hiện sự vào cuộc kịp thời và quyết liệt của Huyện Ba Vì và chính điều đó đã mang lại cơ hội cho phía nhà trường để được đóng góp và cống hiến cho giáo dục của huyện Ba Vì.


Tham gia vào Đề án Ba Vì, đối với nhà trường nói chung là một lời đề nghị không bao giờ từ chối vì đó chính là cơ hội để nhà trường được đóng góp cho công tác giáo dục tại địa phương. Bên cạnh đó, tham gia vào Đề án cũng là một cơ hội mở ra cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên và sinh viên nhà trường được tham gia trực tiếp và hiểu hơn về giáo dục thực tế tại địa phương. Đội ngũ giảng viên, giáo viên khi tham gia Đề án sẽ trui rèn thêm kỹ năng chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Thầy, cô khi tham gia cũng hiểu hơn, đồng cảm hơn với những khó khăn của học sinh và phụ huynh tại các địa phương để từ đó có thêm nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm quý báu làm giàu thêm vào hành trang trong sự nghiệp trồng người của bản thân. Sinh viên nhà trường khi tham gia Đề án sẽ có cơ hội được trải nghiệm một hoạt động “có một không hai”.Trải nghiệm này sẽ mang lại cho các em nhiều ý nghĩa về khía cạnh phát triển suy nghĩ, tâm hồn và cách nhìn nhận tích cực hơn về mọi mặt trong cuộc sống. Bên cạnh đó các em cũng được trau dồi kỹ năng làm việc và làm dày thêm kinh nghiệm của bản thân trước khi bước vào thị trường nghề nghiệp sau này.


Với những ý nghĩa kể trên, Đề án Ba Vì khi được triển khai trong năm học 2021-2022 hứa hẹn sẽ thu được nhiều hơn nữa các kết quả tích cực cho địa phương và nhà trường.

Chúc Đề án Ba Vì năm học 2021-2022 thành công rực rỡ và chúc toàn thể cán bộ, giảng viên, giáo viên, sinh viên Nhà trường khi tham gia vào Đề án sẽ thu được nhiều thành tựu và giá trị ý nghĩa cho bản thân.

Một số thông tin của Đề án Ba Vì năm học 2021-2022:

  • Tổ chức tại 35 trường THCS với 126 lớp và 4578 học sinh khối lớp 9;
  • Tham gia của 20 giảng viên, 111 giáo sinh và 105 giáo viên tiếng Anh cấp THCS các khối lớp 6 – lớp 9;
  • Tổ chức 02 bài thi học kỳ và 03 lần thi thử bài thi vào lớp 10 THPT định dạng SGDĐT Hà Nội ban hành. Dự kiến tổ chức thi thử đợt 1 vào ngày 27/11/2021
  • Tổ chức 3 đợt tập huấn vào chủ nhật 14/11/2021, 09/01/2022 và 21/03/2022;
  • Tổ chức 03 lần thực địa 15 – 19/11/2021, 10 – 14/01/2022 và 22 – 26/03/2022;
  • Tổ chức cho 105 Giáo sinh thực địa từng lớp 9;
  • Tổ chức Festival Ngày hội đổi mới sáng tạo GVNN Ba Vì ngày 27/03/2021 tại Nhà khách Đại học Quốc gia Hà Nội (Rừng Quốc gia Ba Vì) ;
  • Hỗ trợ 24/7.

ULIS Media