Đại sứ Văn hóa đọc Trần Yến Hương và cảm hứng sống từ những cuốn sách – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Đại sứ Văn hóa đọc Trần Yến Hương và cảm hứng sống từ những cuốn sách

Tham gia cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc, Trần Yến Hương đã xuất sắc đạt giải cao nhất cấp ĐHQGHN là giải Đặc biệt.

Trần Yến Hương hiện đang là sinh viên năm 3 Khoa NN&VH Trung Quốc của Trường Đại học Ngoại ngữ. Chia sẻ về bản thân, Hương tự nhận mình là kiểu người bên ngoài tự tin rạng rỡ nhưng bên trong lại rất cảm tính và yếu mềm. Cũng có lẽ vì thế mà cô nữ sinh thấy mình đồng điệu với văn học hơn là các lĩnh vực khác như điện ảnh, kinh tế hay báo chí,… 

Hương có sở thích với văn học, từng tham gia các cuộc thi học sinh giỏi cũng như tiếp xúc với văn học như một người bạn ngay từ khi biết đọc chữ. Thế nên đọc sách là một trong những sở thích lớn nhất của Hương, đặc biệt là các cuốn tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn,… với cốt truyện li kì hoặc tình tiết độc đáo luôn thu hút và thường xuyên làm cô gái trẻ khóc hết nước mắt.

Tình yêu với sách đến với Hương từ thuở ấu thơ. Ngay từ khi Hương vẫn còn rất nhỏ, mẹ đã dành thời gian mỗi tối để đọc truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn và dỗ em vào giấc ngủ. Cô bé Hương nghe nhiều đến thuộc lòng, thậm chí 3-4 tuổi đã đứng trên sân khấu kể truyện cổ tích cho cả trường mẫu giáo nghe. Hương lúc nào cũng mong mình biết đọc sớm, để không cần chờ đến giờ đi ngủ mới được nghe kể chuyện. 

Khi em bắt đầu đi học, mẹ đã mua và mượn sách, truyện từ nhiều nơi cho em đọc, sở thích đọc sách của em, là đến từ sự quan tâm của mẹ. Đây cũng là điều em đã viết ra trong bài thi của mình, về những giải pháp phát triển văn hoá đọc cho người Việt Nam: Hãy có một thế hệ phụ huynh hiểu rõ tầm quan trọng của sách, cùng con mình đọc sách, yêu sách và thành công với sách”, Hương cho biết.

Thể loại Hương yêu thích là các tác phẩm văn học Việt Nam và thế giới. Em đọc nhiều tiểu thuyết và truyện dài bởi lẽ Hương thích cảm giác trải nghiệm những cuộc đời khác, ở những vùng đất khác khi đọc tiểu thuyết. Đặc biệt, những trải nghiệm không có thật, những thế giới tưởng tượng rất hấp dẫn Hương vì em thấy được sự “cao tay” của các tác giả khi đặt ra một thế giới khác với thế giới loài người để chúng ta soi vào, nhìn nhận những vấn đề của xã hội, con người. 

Có thể nói tất cả những cuốn sách mà em đã đọc, đều góp phần làm nên con người em của ngày hôm nay. Em trân trọng những điều mà em học được từ sách như trân trọng chính sự trưởng thành của bản thân mình, bây giờ và cả trong tương lai nữa”, Hương nhấn mạnh.

Đại sứ văn hoá đọc có lẽ là một trong những sự kiện lớn nhất về sách và văn hoá đọc trong năm học, được học sinh sinh viên cực kì quan tâm và lan tỏa đến toàn bộ học sinh sinh viên trong trường. Là một trong các diễn giả của chương trình ULIS Book Review, Hương được các anh chị trong Đoàn – Hội đặc biệt động viên cũng như giúp đỡ để tham gia cuộc thi với bài thi hoàn thiện và ưng ý nhất. Nhưng có lẽ lý do lớn nhất để Hương tham gia Đại sứ văn hoá đọc xuất phát từ một trong những công việc làm thêm của em, đó là làm gia sư. 

Khi dạy học cho các bạn nhỏ, Hương nhận ra một hiện tượng rất rõ ràng là: các bạn thường xuyên đọc sách, dù là bất cứ thể loại nào, đều phát triển tư duy logic và năng lực biểu đạt tốt hơn rất nhiều so với những bạn ít đọc. Tư duy logic rõ ràng, mạch lạc khiến các bạn hiểu bài nhanh hơn, tốt hơn, nhớ bài lâu hơn cũng như có những sáng tạo mới thú vị trong quá trình học, mà chắc chắn trong tương lai xa hơn, nó sẽ là một tài sản quý giá để các bạn chinh phục những ước mơ của mình.

Bởi vậy, khi đọc về cuộc thi Đại sứ văn hoá đọc, biết được rằng trở thành một Đại sứ là có khả năng hiện thực hóa những kế hoạch phát triển văn hoá đọc trong một cộng đồng lớn hơn, trong em đã có một sự thôi thúc: Phải làm gì đó, cho bản thân và cho những thế hệ trẻ Việt Nam, vì đọc sách thực sự có thể thay đổi con người và vận mệnh của con người”, Hương tâm sự. 

Chia sẻ về bài sự thi của mình, Hương cho biết em đã làm một video giới thiệu về cuốn sách “Cánh đồng bất tận” của tác giả Nguyễn Ngọc Tư.

Video bài giới thiệu của Hương

Tự nhận xét, Hương chưa bao giờ cho rằng bài viết của mình đặc biệt xuất sắc, chính xác là khi được đọc và xem các bài thi đạt giải khác em còn cảm thấy có phần tự ti. Nhưng Hương nghĩ rằng điều mà ban giám khảo đánh giá cao trong bài thi của em là sự chân thật, và thêm nữa, có lẽ là một điểm cộng cho tư duy logic. Em đã kể về hành trình thay đổi của mình khi đọc cuốn sách, em lựa chọn việc đi sâu để diễn giải chi tiết những chuyển biến nhỏ nhất trong tâm hồn em: Những nhận thức cũ dần rạn nứt – cảm xúc cao độ khiến thế giới quan như sụp đổ và vỡ tan – chào đón ánh sáng mới, cảm xúc mới. 

Thông thường các bài review sách thường nhận xét về cuốn sách, dùng những lời có cánh để khen ngợi và nói nhiều về những gì cuốn sách có được. Còn bài viết của Hương chỉ tập trung vào bản thân em, là một người đọc, đã rung cảm ra sao, đã thay đổi thế nào từ những tác động của cuốn sách. Hương luôn cố gắng tìm kiếm những câu từ tốt nhất, rõ ràng nhất để diễn tả chính xác những cảm xúc của mình. 

Sự chân thành thì luôn tìm được đường đến với trái tim, em nghĩ điều này đã thuyết phục Ban Giám khảo khi lựa chọn bài thi của em cho giải thưởng cao nhất của cuộc thi”, cô nữ sinh đến từ Sơn Tây, Hà Nội nói.

Chia sẻ về cuốn sách ảnh hưởng nhất tới bản thân, Hương cười và chia sẻ xác định những cái “nhất” với em đều rất khó nên em sẽ phải liệt kê một vài cuốn “rất quan trọng” đã truyền cảm hứng sống cho em.

Đầu tiên là “Hoàng tử bé” của Saint-Exupéry, cuốn sách dạy Hương về bản chất của con người – vốn đều là những đứa trẻ, về những điều thực sự cần thiết, thực sự quan trọng với chúng ta – tình yêu, tình bạn, niềm tin,… Cuốn sách thiếu nhi nhưng lại nói lên toàn cảnh xã hội của “người lớn”, rằng quá trình trưởng thành đã khiến chúng ta quên mất những điều chân thực, mải chạy theo những sự phù phiếm mà đánh mất hạnh phúc và bình yên thực sự. Mỗi khi cảm thấy quá đỗi mệt mỏi và chênh vênh, em đều đọc lại “Hoàng tử bé”, và rồi bình yên sẽ quay về. 

Một cuốn sách Hương đã mất rất lâu vẫn chưa hoàn thành hết nhưng lại là cuốn sách quan trọng vô cùng với em, đó là “Chết cho tư tưởng: Cuộc đời nguy hiểm của các triết gia” của tác giả Costica Bradatan. Cuốn sách thay đổi quan niệm của em về sự hữu hạn của đời người, làm em bừng tỉnh khỏi lối sống nhởn nhơ của mình, nhận thức rõ ràng về cái chết để sống rực sáng cho đến những phút giây cuối cùng. Đây có lẽ là một cuốn sách rất khó đọc, nhưng với những ai thích thể loại mang tính suy tư, triết học thì em nghĩ nhất định phải đọc cuốn này một lần. 

Tất nhiên, “Cánh đồng bất tận” cũng luôn là nhân vật quan trọng trong tủ sách của em, không chỉ bởi những điều mà cuốn sách mang đến cho em, mà ở cả cách thức mà nó mang đến. Giống như đang ngồi trên con ghe đi khắp các con sông của miền Nam Việt Nam, chứng kiến tận mắt những đời người có chung dân tộc, cuốn sách là một trải nghiệm không thể thay thế đối với em. 

Trong chính bài dự thi của mình, Hương cũng đã vạch ra những kế hoạch cụ thể mà bản thân muốn thực hiện khi trở thành một Đại sứ văn hoá đọc. Em nhận thấy những năm gần đây, phong trào phát triển văn hoá đọc được ULIS nói riêng và ĐHQGHN nói chung đặc biệt chú trọng, rất nhiều hoạt động, cuộc thi được tổ chức nhằm thúc đẩy văn hoá đọc trong học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, em nghĩ rằng những phong trào ấy có thể triển khai mạnh mẽ hơn nữa, thiết thực và có hiệu quả hơn nữa khi áp dụng các cách thức phù hợp cho đối tượng là các bạn trẻ – thế hệ Gen Z cực kỳ năng động. Em gọi tên giải pháp ấy là “Tạo ra làn sóng mới – Xu hướng văn hóa đọc”.

Bởi lẽ, giới trẻ hiện nay rất dễ “trở mình” theo những xu hướng mới, nên thay vì chạy theo những “trend” vô bổ tốn thời gian, chúng ta có thể tạo ra một xu hướng của việc đọc sách, để đọc sách trở thành một trào lưu. Bằng việc bồi dưỡng một đội ngũ các bạn học sinh/ sinh viên tiên phong trong việc chia sẻ những cuốn sách hay, bằng các kênh thông tin phù hợp với người trẻ, những video có độ ngắn vừa đủ, những audio chia sẻ chất lượng; đăng tải trên các nền tảng youtube, facebook, instagram, podcast và cả tik tok. Trước hết là hướng tới cộng đồng sinh viên ULIS, sinh viên ĐHQGHN, sau đó là cộng đồng lớn hơn, như học sinh – sinh viên toàn miền Bắc. 

Hương nghĩ rằng, muốn khuyến khích các bạn học sinh, sinh viên đọc sách, phải thúc đẩy các bạn bằng chính đặc tính, phong cách và xu hướng Gen Z của các bạn. Tìm ra và dẫn đầu những xu hướng của giới trẻ, để tiến tới định hướng các bạn xây dựng thói quen đọc sách như một trào lưu chân chính. 

Đây là một trong những kế hoạch của em dành riêng cho phong trào phát triển văn hoá đọc tại ULIS và ĐHQGHN với tư cách một Đại sứ văn hoá đọc.

Hiện đã là sinh viên năm 3, ULIS đã đồng hành cùng em hơn một nửa chặng đường đại học. Tuy thời gian học trên trường không nhiều, vì vấn đề dịch bệnh, nhưng các thầy cô, anh chị tại ULIS luôn luôn cố gắng để tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên chúng em học tập cũng như phát triển bản thân. Em rất vui vì được học trong môi trường có thầy cô và bạn bè như ULIS, và đặc biệt xúc động trước những hoạt động thiết thực mà ULIS đã thực hiện để phát triển văn hoá đọc trong sinh viên. Em mong sẽ sớm được quay lại trường, gặp lại giảng đường, thầy cô và các bạn”, Hương nhắn nhủ.

ULIS Media