Thủ khoa ngành Kinh tế – Tài chính nhận học bổng 100 triệu đồng: Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Thủ khoa ngành Kinh tế – Tài chính nhận học bổng 100 triệu đồng: Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình

Là Thủ khoa của ngành Kinh tế – Tài chính thuộc Chương trình Liên kết quốc tế, Trần Thanh Thanh đã được nhận suất học bổng “Khởi nghiệp tương lai” bao gồm học phí một năm học (55,8 triệu), miễn phí khóa học tiếng Anh (15 triệu), và một khóa học ngắn hạn tại nước ngoài tại Đài Loan/Hàn Quốc/Nhật Bản với tổng giá trị khoảng 100 triệu đồng. Đây cũng là học bổng có giá trị nhất từ trước đến nay dành cho thủ khoa đầu vào của CTĐT LKQT thuộc Khoa Đào tạo và Bồi dưỡng Ngoại ngữ. Từ học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ trở thành sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN, cô trò nhỏ gửi gắm bao tâm tư và nguyện vọng nơi này.

Hãy cùng trò chuyện với nữ sinh viên dễ thương này nhé:

PV: Chào Thanh Thanh. Trước tiên em có thể giới thiệu vài điều về bản thân cho mọi người cùng biết không?

Thanh Thanh: Xin chào các thầy cô và các bạn! Em tên là Trần Thanh Thanh, vốn là cựu học sinh chuyên Toán của Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ. Thế nhưng điểm thi tiếng Anh của em trong kỳ thi THPTQG còn cao hơn môn Toán nữa (Tiếng Anh: 9, Toán: 8,4). Do vậy em nghĩ lựa chọn học tiếp cả tiếng Anh lẫn Toán ở ULIS là chính xác rồi.

Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh trao học bổng cho Thanh Thanh tại lễ khai giảng năm học

PV: Theo em, chương trình Liên kết quốc tế mà cụ thể là ngành Kinh tế – Tài chính có ưu điểm gì đã thuyết phục được em lựa chọn theo học?

Thanh Thanh: Như đã kể ở trên, em thích cả Tiếng Anh lẫn Toán nên muốn tìm học chương trình nào tạo điều kiện cho em phát triển kiến thức và kỹ năng của cả 2 môn học này.

Với ngành Kinh tế – Tài chính ở ULIS, em được học 100% bằng tiếng Anh, điều này đã giúp em cải thiện khả năng ngôn ngữ rất nhiều. Tuy mới vào học không lâu nhưng em đã có thể nhận thấy phản xạ của mình đã tăng lên, vì em phải nghe giảng, giao tiếp với thầy cô và bạn bè bằng tiếng anh. Tăng khả năng ngôn ngữ đồng nghĩa với việc tự tin giao tiếp hơn, tự tin hòa nhập trong môi trường quốc tế và tiếng anh chính là chìa khóa vàng bước ra thế giới.

Chúng em còn được học với giảng viên Mỹ. Những tiết học như thế em thấy rất giống với hình ảnh lớp học ở Mỹ mà em thường thấy trong phim và em cảm thấy rất phấn khích vì điều này. Ngoài ra, em cũng dần học được phong thái chuyên nghiệp của các thầy cô ULIS và các thầy cô Mỹ. Ví dụ như em có quan sát thấy việc đúng giờ thực sự rất quan trọng với người Mỹ, giúp bản thân em tự nhận thức và rèn luyện kỷ luật.

Chương trình học Kinh tế – Tài chính rất thực tế, không thiên nặng về lý thuyết mà chú trọng ứng dụng vào cuộc sống nhiều hơn. Nhìn chung em cảm thấy chương trình đào tạo giúp em chuẩn bị tốt hành trang của mình về mặt kỹ năng, kiến thức, thái độ, điều này làm em vững bước hơn sau khi ra trường làm việc và trở thành công dân toàn cầu. Em bắt đầu cảm thấy mình cải thiện trong các vấn đề về chủ động học tập, tự lập, tư duy độc lập, kỹ năng lãnh đạo, khả năng thuyết trình, làm việc nhóm,…

Thanh Thanh và các thầy cô, anh chị khóa trên của CTĐT LKQT được nhận khen thưởng trong ngày khai giảng

PV: Ấn tượng của em sau khi trở thành sinh viên?

Thanh Thanh: Em nhận thấy việc học đại học rất khác so với học cấp 3. Ở đại học, em chủ yếu phải tự học và nghiên cứu, còn ở cấp 3 thì bọn em được phụ thuộc vào thầy cô khá nhiều.

Sau một thời gian học, em cảm thấy đây là một môi trường rất phù hợp với mình, bạn bè rất gần gũi, thầy cô vô cùng nhiệt tình. Em cũng bất ngờ khi các thầy cô Khoa ĐT&BDNN cực kỳ quan tâm và giúp đỡ sinh viên, hoàn toàn hơn những gì em mong đợi nữa. Học ở Khoa giúp em bước ra khỏi vùng an toàn, trở nên năng động tự tin hơn trước.

PV: Trở thành Thủ khoa chương trình Liên kết quốc tế ngành Kinh tế – Tài chính, Thanh Thanh đã giành được suất học bổng rất lớn với giá trị lên tới khoảng 100 triệu đồng. Em cảm thấy như thế nào về điều này?

Thanh Thanh: Khi biết tin mình là Thủ khoa của chương trình Liên kết quốc tế và đạt học bổng thì em thấy hơi bất ngờ một chút. Em cảm thấy thành tích này của mình vẫn còn rất nhỏ bé vì mọi người xung quanh em thực sự rất giỏi. Đạt danh hiệu này ngược lại làm cho em hơi áp lực làm sao phải cố gắng nhiều hơn nữa trong quá trình học tập để xứng đáng với những gì mình nhận được.

Em rất muốn gửi lời tri ân đến các thầy cô đã dạy em, em cảm thấy mình may mắn và biết vì trong những năm THPT em được dìu dắt những thầy cô rất giỏi và tâm huyết, những người truyền lửa vĩ đại đã tạo động lực học, niềm đam mê học tập, nghiên cứu không ngừng trong em. Một điều quý giá em học được ở các thầy cô là luôn tận tâm với những gì mình làm.

Riêng về học bổng thì em rất mong đợi khóa học ngắn hạn tại nước ngoài. Em chưa có nhiều trải nghiệm đi quốc tế nên đây sẽ là kỷ niệm khó quên trong đời em. Thực sự em rất háo hức.

 PV: Em có thể chia sẻ về dự định của mình trong tương lai?

Thanh Thanh: Em nghĩ rằng để thành công trong cuộc sống, chúng ta không chỉ ngồi trên ghế Nhà trường nhà và nghe các thầy cô giảng. Chúng ta còn phải học những bài học từ chính cuộc sống này.

Thái độ còn quan trọng hơn kỹ năng và kiến thức.

Học chương trình Liên kết quốc tế cho em nhiều cơ hội để trải nghiệm và cải thiện bản thân mình hơn. Trong những năm cấp 3, em đã tham gia một số chương trình hoạt động tình nguyện và bất ngờ khi thấy ngoài kia có những người còn đang sống những cuộc sống rất khó khăn, nhìn lại em cảm thấy mình quá may mắn khi được bố mẹ tạo điều kiện học tập tuyệt vời. Từ đó, em quyết tâm phải hoàn thiện chính mình để đóng góp sự hiểu biết của mình để giúp cho xã hội này tốt đẹp hơn. Sự thông minh là một món quà, còn tử tế là một sự lựa chọn, làm một người tử tế còn khó hơn thông minh rất nhiều. Em cho rằng cho dù làm nghề gì, muốn thành công bạn phải có đạo đức nghề nghiệp, đó là nguyên tắc rất quan trọng. “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Một điểm chung giữa người giàu và người nghèo là gì? Đó là họ đều có 24 giờ mỗi ngày. Học tập ở chương trình liên kết quốc tế giúp em có được khả năng quản lí thời gian tốt hơn, làm như thế nào để cân bằng giữa học tập và cuộc sống, làm thế nào dù có nhiều bài tập cần làm nhưng vẫn có đủ thời gian đi ra ngoài khám phá thế giới, tham gia hoạt động xã hội để tạo ra những đột phá cho chính cuộc đời mình? “Đừng giới hạn những điều bạn muốn làm chỉ trong những việc bạn đã từng làm”.

Bước chân vào cánh cửa đại học chỉ là điểm khởi đầu cho một cuộc hành trình mới của em. Hành trình đi tìm tài năng, đam mê, mục đích sống và cống hiến cho gia đình và xã hội. “Việc mình làm bằng cả trái tim và khát vọng lớn lao sẽ mang đến thành quả mãn nguyện” Em tin rằng việc học tại SNHU sẽ là một bàn đạp để em thực hiện hóa những giấc mơ của mình.

PV: Cảm ơn Thanh Thanh vì những chia sẻ rất ý nghĩa!