Cuộc thi giới thiệu sách ngoại văn: Hướng dẫn viết phần nội dung – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Cuộc thi giới thiệu sách ngoại văn: Hướng dẫn viết phần nội dung

Cuộc thi giới thiệu sách ngoại văn đang được phát động cho sinh viên trong toàn trường. Sau phần đăng ký, sinh viên tham gia sẽ phải viết bài hoặc thực hiện một video clip với nội dung giới thiệu về một cuốn sách ngoại văn tự chọn.

Thí sinh không bị giới hạn về số lượng bài viết hoặc video clip tham gia tranh tài. Mỗi sản phẩm vượt qua vòng tuyển chọn sẽ nhận được 100.000 đồng cho một bài viết, 150.000 đồng cho một video clip. Sản phẩm lọt vào vòng chung kết có cơ hội tranh thưởng các phần thưởng hấp dẫn hơn lên đến 10.000.000 đồng cho giải cao nhất.

Dù là bài viết hay clip, thí sinh cũng cần đảm bảo một số nội dung nhất định. Dưới đây là các gợi ý cho thí sinh:

Phần 1: PHẦN MỞ ĐẦU

– Nêu được vị trí, ý nghĩa của vấn đề chính được trình bày trong sách

– Nêu một số thông tin chính về cuốn sách: Tên sách, tác giả, nhà xuất bản, năm xuất bản, lần xuất bản, số trang …

Phần 2: PHẦN NỘI DUNG

Đây là phần chính của bài giới thiệu. Yêu cầu chung của phần này là phải (1) khái quát, tóm tắt được nội dung chủ đề tác phẩm, (2) nêu được các giá trị về nội dung của tác phẩm đối với xã hội và bạn đọc.

Có thể nêu bố cục nội dung của cuốn sách, trong bố cục của sách có thể đi từ chương tới các phần hoặc có thể nêu hết tên chương rồi tới các phần. Tuy nhiên, ngoài những yêu cầu chung thì với mỗi loại sách lại có những yêu cầu cách giới thiệu nội dung riêng, cụ thể:

– Đối với truyện ngắn, tiểu thuyết: Cần tóm tắt cốt truyện (không phải kể lại), nêu đề tài, chủ đề tư tưởng, lý tưởng, thẩm mĩ (phê phán hoặc ca ngợi, xây dựng cái gì…). Phân tích giá trị của nội dung và chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

– Đối với sách chính trị – xã hội: Cần khái quát được những quan điểm cơ bản được trình bày trong sách, những quan điểm về chính trị, các trường phái triết học…; sự đúng đắn và cần thiết của những quan điểm, vấn đề trong xã hội đối với bạn đọc.

– Đối với những sách lịch sử: Cần nêu rõ phạm vi thời gian mà tác phẩm đề cập đến cùng những đặc điểm của giai đoạn lịch sử đó. Đối với những sách mang dấu ấn địa lý cần nêu rõ khu vực mà tài liệu đó đề cập tới.

– Đối với văn học văn hóa: Cần tóm tắt lĩnh vực văn học miêu tả (không phải kể lại), nêu đề tài, chủ đề tư tưởng, lý tưởng, thẩm mĩ (phê phán hoặc ca ngợi, xây dựng cái gì…). Phân tích giá trị của nội dung và chủ đề tư tưởng của văn học các nước, ví dụ đặc trưng văn học Anh, văn học Mỹ, văn hóa Nhật…

Khuyến khích nêu được những thủ pháp nghệ thuật, phương pháp luận nghiên cứu tác phẩm của tác giả.

Phần 3: PHẦN KẾT LUẬN

– Khẳng định lại các giá trị của tác phẩm; nhấn mạnh các giá trị của nó đối với xã hội đương đại

– Khuyến khích người đọc nên tìm mượn, mua sách để đọc và giới thiệu nguồn tài liệu phong phú và da dạng ở thư viện.

Về hình ảnh, thí sinh tự do lựa chọn các hình ảnh hấp dẫn và phù hợp với thông tin cần truyền tải. Có thể có ảnh bìa sách hoặc ảnh thí sinh đang đọc cuốn sách.

Thông tin liên hệ:

  • Email:        tthoclieu@gmail.com;
  • Fanpage:   https://www.facebook.com/bookreviewulis/
  • Văn phòng Bộ phận học liệu, TT CNTT-TT&HL, tầng 2 C3, Khu công trình khoa Pháp
  • Số điện thoại: 02466808743