Tổ chức Ngày chính hội Hội thảo quốc gia năm 2023: “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam” – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Tổ chức Ngày chính hội Hội thảo quốc gia năm 2023: “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam”

Ngày 24/4/2023 đã diễn ra Ngày chính hội của Hội thảo quốc gia “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam” năm 2023 (UNC2023). Đây là hoạt động khoa học thường niên của Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Với mong muốn hội tụ và kết nối được rộng rãi hơn các học giả, giảng viên, giáo viên trong và ngoài nước, hội thảo năm nay được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp tại trường và trực tuyến qua nền tảng Zoom.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, các nhà tài trợ, các trường đại học, học viện và các đơn vị đào tạo, nghiên cứu, quản lý đối tác trong và ngoài nước, lãnh đạo và cán bộ, giảng viên, giáo viên Trường Đại học Ngoại ngữ, cùng đông đảo giảng viên, giáo viên, nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đỗ Tuấn Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ cho biết qua một số năm tổ chức, UNC đã trở thành một thương hiệu của Nhà trường, hàng năm luôn nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo các nhà khoa học, các thầy cô giáo ở các cấp bậc giáo dục và các đại biểu trên khắp cả nước. UNC2023 đã thật sự mang lại sự bùng nổ, cùng nhiều báo cáo hấp dẫn và sâu sắc, cung cấp nhiều phương thức tiếp cận sâu rộng, những hướng đi và giải pháp mới cho những vấn đề giáo dục hiện hữu trong thời đại hiện nay.

“Để đáp ứng kỳ vọng lớn của các đại biểu, chương trình gửi tới các thầy cô món quà đặc biệt hấp dẫn là 3 bài báo cáo tại phiên toàn thể buổi sáng của ba diễn giả lớn, cùng với 323 bài báo cáo từ 24 tiểu ban nội dung song song trong buổi chiều cũng chính là 24 hội thảo thu nhỏ.

Các nội dung, chủ đề phong phú mà các đại biểu cùng đọc, cùng lắng nghe và trao đổi tại Ngày chính hội này và qua 346 bài tóm tắt trong kỷ yếu số, 120 bài toàn văn trong Kỷ yếu bản in dày hơn 1.200 trang đã góp phần đem lại những kiến thức, những trải nghiệm thực sự bổ ích và niềm say mê, hứng khởi đối với không chỉ công tác nghiên cứu khoa học, mà trong mọi công việc chúng ta đang cùng chung tay góp sức. Tất cả đều thể hiện tinh thần của UNC2023 là “Hội tụ – Kết nối – Truyền cảm hứng””, Hiệu trưởng khẳng định.

Tại phiên toàn thể đã có 3 báo cáo được trình bày. Với báo cáo “Triển khai chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Anh trong đại dịch: Những trải nghiệm và bài học chưa từng có”, PGS.TS. Phạm Thị Hồng Nhung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Huế cho biết: Chương trình môn tiếng Anh là một cấu phần quan trọng của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018. Cơ sở lý luận về chương trình đã chứng minh việc đưa chương trình giáo dục vào thực tiễn luôn là một thách thức, đặc biệt khi triển khai trên toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân, bởi sự thành công hay thất bại của chương trình mới phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới lần này, trong đó có chương trình và sách giáo khoa môn tiếng Anh vào thực tiễn càng gặp nhiều khó khăn hơn, khi những năm đầu tiên của quá trình xảy ra đồng thời với đại dịch Covid 19, với những tác động hết sức đột ngột và khốc liệt lên toàn cầu và Việt Nam. Nhưng chính bối cảnh vô tiền khoáng hậu đó lại là một cơ hội để người dạy và người học có những trải nghiệm và bài học chưa từng có. Báo cáo dựa trên số liệu nghiên cứu để chia sẻ về những điều của giáo viên tiếng Anh đã trải qua trong nỗ lực chung, đồng thời đưa chương trình và sách giáo khoa môn tiếng Anh vào thực tế dạy và học, cũng như những kinh nghiệm và bài học vượt lên ngoài khuôn khổ của phương pháp và nội dung dạy học của chương trình và của sách giáo khoa mà người dạy đã có được, để có thể triển khai chương trình mới hiệu quả nhất trong điều kiện cho phép. Bài báo cáo cũng đưa ra một số hàm ý liên quan để hỗ trợ giáo viên trong quá trình này.

“Chuyển đổi số trong dạy, học ngoại ngữ” là chủ đề phần trình bày của TS. Bùi Quang Tuyến, Giám đốc Học viện Viettel. Nội dung báo cáo dựa trên những nghiên cứu công phu, kết hợp việc đúc rút từ các kinh nghiệm triển khai thực tiễn, đặc biệt được đánh giá cao từ các nhà quản lý giáo dục, các doanh nghiệp, cũng như các nhà khoa học, giảng viên, bởi các góc nhìn mới, phù hợp xu thế và mang tính ứng dụng cao. Trong báo cáo, diễn giả đề cập đến việc chuyển đổi số xuyên suốt từ tư duy đến hành động, minh chứng bằng giải pháp chuyển đổi số cụ thể liên quan đến việc học tập và đào tạo nói chung, việc dạy học ngoại ngữ nói riêng tại Viettel với những góc nhìn mới rất thực tiễn về: (1) Gợi mở tiếp cận chuyển đổi số trong học tập, đào tạo; (2) Một số quan điểm, xu hướng chuyển dịch trong học tập, đào tạo thời chuyển đổi số; (3) Đặc điểm của người học ngoại ngữ thời nay; (4) Giải pháp By Day Learning được áp dụng tại Tập đoàn Viettel.

Đến với ngày chính hội, cô Hà Ánh Phượng, một trong 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu do quỹ Varkey bình chọn, đã chia sẻ về “Lớp học xuyên biên giới: Du lịch ảo, kết quả thật”. COIL- Collaborative online international learning đang là một trong những xu hướng dạy học ở nhiều môn học, qua đó các trường học trên thế giới có thể kết nối với nhau theo hình thức trực tuyến để thực hiện nhiều hoạt động dạy học khác nhau hay cùng làm các dự án với sự hỗ trợ của công nghệ. Diễn giả đi sâu về cách tìm kiếm các lớp học kết nối trên phạm vi toàn cầu, các hoạt động dạy học có thể triển khai, tính hiệu quả đã được chứng minh, đồng thời cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức khi thực hiện phương pháp dạy học này trong bối cảnh dạy học tiếng Anh ở một ngôi trường miền núi phía Bắc của Việt Nam. Qua đó, cô cũng đưa ra những giải pháp và gợi ý về việc khai thác COIL trong dạy học tiếng Anh trong trình giáo dục phổ thông mới.

Ngoài phiên toàn thể, các đại biểu đã có cơ hội tham gia và lắng nghe báo cáo, trao đổi tại 24 tiểu ban song song với 323 báo cáo được lựa chọn trình bày.

Các báo cáo khoa học có nội dung khá đa dạng và phong phú, tập trung vào các lĩnh vực như ngôn ngữ học, giảng dạy ngôn ngữ, bao gồm cả ngoại ngữ và tiếng Việt cho người học ở các cấp học, cải tiến phương pháp dạy-học ngoại ngữ, quốc tế học, văn hóa, văn học, chính trị, kinh tế, tâm lý học, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực ngoại ngữ và nghiệp vụ sư phạm ngoại ngữ, công nghệ trong giáo dục ngoại ngữ,… đáp ứng yêu cầu về nghiên cứu, giảng dạy và học tập cũng như trao đổi khoa học trong bối cảnh toàn cầu hóa và việc tích cực hội nhập quốc tế của đất nước.

Mỗi báo cáo mang tới hội thảo những kết quả nghiên cứu đặc sắc, riêng biệt, đem tới những góc nhìn mới lạ, kinh nghiệm, tâm huyết và cả những ý tưởng nghiên cứu mới. Từ đó, các nghiên cứu có thể trực tiếp hoặc gián tiếp thúc đẩy sự phát triển trong công tác dạy học ngoại ngữ, nghiên cứu ngôn ngữ và quốc tế học ở Việt Nam.

Với khẩu hiệu “Hội tụ – Kết nối – Truyền cảm hứng”, hội thảo khép lại sau thời gian làm việc sôi nổi. Hẹn gặp lại tại UNC2024!

Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội trân trọng bày tỏ sự tri ân tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã nhiệt tình ủng hộ và tài trợ cho các hoạt động khác nhau của UNC 2023, bao gồm: Yoon’s English School; Ngân hàng BIDV Chi nhánh Cầu Giấy; Học viện Phong thái và Nghi thức Việt Nam by An Na Le (PAVI); Tập đoàn Giáo dục EQuest; Hội đồng Anh (British Council Aptis ESOL) Việt Nam; Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn; Hội Ngôn ngữ học Việt Nam; Fubon Life Việt Nam; Trung tâm Tiếng Đức Rubin; Công ty CP Tập đoàn Trí Nam; Công ty TNHH Thanh Long; Trung tâm Kinh doanh VNPT Hà Nội.

Một số hình ảnh khác:

Album ảnh.

Video tin.

ULIS Media&ULIS TV