Sinh viên ULIS hào hứng nghe diễn thuyết về 12 con giáp trong văn hóa Việt Nam – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Sinh viên ULIS hào hứng nghe diễn thuyết về 12 con giáp trong văn hóa Việt Nam

Các cung hoàng đạo và 12 con giáp là chủ đề rất được giới trẻ yêu thích. Mới đây, các sinh viên ULIS đã có cơ hội tìm hiểu về chủ đề này trong một buổi diễn thuyết thuộc chương trình học của môn Cơ sở văn hóa Việt Nam.

Ngày 4/11/2019, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức buổi chuyên đề đặc biệt phục vụ công tác giảng dạy môn Cơ sở văn hóa Việt Nam học kỳ 1 năm học 2019-2020 tại hội trường Nguyễn Văn Đạo.

Bài nói chuyện với chủ đề “Nhìn lại câu chuyện 12 con giáp trong văn hóa Việt Nam” do TS. Nguyễn Văn Chiến, một chuyên gia nghiên cứu về văn hóa Việt Nam và các nước Đông Nam Á, là diễn giả. Hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng giảng dạy môn Cơ sở văn hóa Việt Nam do Bộ môn NN&VH Việt Nam phụ trách. Đến tham dự chương trình có TS. Chử Thị Bích – Trưởng Bộ môn NN&VH Việt Nam, các giảng viên Bộ môn NN&VH Việt Nam và khoảng 1.000 sinh viên đang học môn Cơ sở văn hóa Việt Nam.

Trong buổi nói chuyện, TS. Nguyễn Văn Chiến cho biết nền văn minh Trung hoa đã từng tạo ra một lực hút lớn đối với những quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… Nhờ vào sức nội sinh văn hóa của riêng mình, mỗi quốc gia nói trên đều tiếp thu nền văn minh ấy một cách có chọn lọc và độc đáo. Bởi thế, “12 con giáp” đã trở nên độc đáo theo cách riêng tại Việt Nam. 

Diễn giả khẳng định Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa đặc biệt trong những nước chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa.

Chia sẻ về nguồn gốc Tây phương của 12 con giáp trong văn hóa Trung Quốc, diễn giả cho biết 12 con giáp của Trung Quốc là “một vòng tròn các con vật”-cụm từ dịch từ chữ zodiakos (tiếng Hy Lạp) gọi tắt là Hoàng Đạo, nhằm chỉ các chòm sao cố định trên đường mặt trời đi qua hàng năm (như một chuyển động biểu kiến). Thực tế có 88 chòm sao quanh Trái Đất; trên đường Mặt Trời đi qua hàng năm, như một vận động biểu kiến ( apparent moving), có 13 chòm, nhưng các chiêm tinh gia cổ đại Tây phương chỉ dùng 12 chòm với tư cách biểu tượng (symbols) vì chu kì thời gian đặc định trong một năm và nhiều lí do khác (không nhất thiết phải là các chòm sao trên đường Hoàng Đạo). 

Diễn giả cũng chia sẻ nhiều kiến thức về chiêm tinh học và cung hoàng đạo, vốn là một chủ đề rất hấp dẫn giới trẻ hiện nay. Chiêm tinh học cổ đại đã ghép những con vật và các chòm sao lại với nhau vốn chỉ là những biểu tượng để chỉ đặc tính và cường độ của năng lượng Mặt Trời khi nó nằm ở một khu vực nào đó trong vòng Hoàng Đạo. Tính chất của 12 cung Hoàng Đạo, Chiêm tinh học Tây phương nhắm vào tính cách và số phận người cũng được giới thiệu đến các em sinh viên.

12 con giáp trong văn hóa Trung Quốc là sự sao chép/chụp định lượng 12 của chiêm tinh học Tây phương và hệ thống 12 con vật được xác lập không liên quan gì đến việc xem xét chuyển động của Mặt trời cùng đặc tính và cường độ của năng lượng Mặt trời như tinh thần của chiêm tinh học Tây phương cổ đại. Huyền thoại hư cấu của người Trung Quốc về 12 con giáp đã được diễn giả kể chuyện sinh động.

12 con giáp trong văn hóa Việt Nam cổ truyền, sự khác biệt so với văn hóa Trung Quốc, Tính cách con người theo năm và thời gian sinh, cách gọi các tháng là phần đặc biệt thu hút các em sinh viên. Sự xuất hiện của con mèo, con trâu, con dê trong hệ thống 12 con giáp Việt Nam thể hiện sự khác biệt mang tính địa phương, dân tộc trong văn hóa nước ta.

Buổi nói chuyện của TS. Nguyễn Văn Chiến khép lại với những phản hồi tích cực từ phía các em sinh viên, giúp các em có thêm những kiến thức thú vị về 12 con giáp và chiêm tinh học, đồng thời khiến sinh viên có thêm tình yêu với văn hóa dân tộc.

Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media