[UNC2024] Giới thiệu khách mời tham gia hội nghị thảo luận bàn tròn – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

[UNC2024] Giới thiệu khách mời tham gia hội nghị thảo luận bàn tròn

Ngày 20/04/2024, trong khuôn khổ phiên toàn thể của Hội thảo khoa học Quốc gia “Nghiên cứu & giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam” – UNC2024, do Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức sẽ diễn ra hội nghị thảo luận bàn tròn với chủ đề: “AI với các trường đại học đào tạo ngoại ngữ: sức ép hay cơ hội?”.

Phiên thảo luận có sự tham gia của các khách mời: 

  • PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HUFLIT), đồng thời là Chủ tịch STESOL do Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam thành lập. Với kinh nghiệm đào tạo đến từ hơn 25 quốc gia, chuyên môn chính của ông tập trung vào sứ mệnh xây dựng năng lực chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ tư vấn cho các tổ chức giáo dục đại học và doanh nghiệp trên khắp Việt Nam.

  • PGS.TS. Nguyễn Văn Long là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng. Ông đã công bố những nghiên cứu về ứng dụng công nghệ vào yếu tố giao tiếp trong việc dạy và học ngoại ngữ, quan điểm văn hóa xã hội trong giáo dục ngôn ngữ, kiến thức kỹ thuật số, hợp tác học tập và đào tạo giáo viên ngôn ngữ.

  • PGS.TS. Phạm Vũ Phi Hổ, Phó Trưởng khoa Ngoại ngữ – Trường Đại học Văn Lang, hiện là Tổng biên tập của Tạp chí Quốc tế về TESOL & Giáo dục, Biên tập viên của Tạp chí Ngôn ngữ học Ứng dụng Châu Á (Scopus), đồng thời là nhà bình duyệt khoa học cho một số Tạp chí quốc tế được lập chỉ mục trong ISI/Scopus. Những nghiên cứu của ông chủ yếu tập trung vào CALL, viết luận học thuật, phản hồi ngang hàng, dịch thuật, phương pháp giảng dạy và học tập kĩ thuật số.

  • TS. Bảo Khâm hiện là Chủ tịch Phân hội Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong dạy học ngôn ngữ, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Trọng tâm nghiên cứu của ông là xã hội hóa giáo viên, đào tạo giáo viên tiền công tác và tại chức. Tiến sĩ đam mê Công nghệ thông tin và có nhiều kinh nghiệm trong việc thiết kế, phát triển và cung cấp các khóa học tổng hợp cho giáo viên cũng như tài liệu và giáo trình ELT.

Nội dung tóm tắt phiên thảo luận:

“AI với các trường đại học đào tạo ngoại ngữ: sức ép hay cơ hội?”

Sự phát triển vượt bậc của làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã và đang tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành giáo dục ngoại ngữ. Xu hướng ứng dụng AI vào việc đào tạo ngôn ngữ đang trở thành phương pháp tối ưu mà các trường đại học hướng tới. Điều này đặt ra nhiều nghi vấn trong giới chuyên gia liên quan đến tác động nhiều mặt của AI đến các lĩnh vực đào tạo. Phiên thảo luận bàn tròn tập trung bàn luận về sức ép và cơ hội của ứng dụng AI đối với việc học và giảng dạy ngôn ngữ ở các trường đại học đào tạo ngoại ngữ. AI có thể mang đến nhiều cơ hội cho các trường, cụ thể là cá nhân hóa việc học ngoại ngữ, nâng cao hiệu quả giảng dạy, đa dạng hóa phương pháp giảng dạy, mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cũng như cải thiện kỹ năng đánh giá. Tuy nhiên, AI cũng đặt ra một số thách thức và sức ép đáng kể cho các cơ sở đào tạo ngoại ngữ chuyên môn này, chẳng hạn như việc đòi hỏi một nguồn đầu tư lớn cả về cơ sở hạ tầng và đội ngũ chuyên môn, cũng như nguy cơ lạm dụng AI đối với giảng viên và sinh viên. Đối mặt với những thách thức mang tính “sức ép” này, những giải pháp hữu hiệu được các chuyên gia đề xuất trong phiên thảo luận bàn tròn là vô cùng cần thiết. Những đề xuất mang tính xây dựng này đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố và tối ưu hoá việc ứng dụng AI trong việc giảng dạy ngoại ngữ ở ULIS cũng như các cơ sở đào tạo cùng lĩnh vực.